Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/05/2015 00:00 396
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chủ đề Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2015 (18/5/2015) mà Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) đưa ra: "Museums for a sustainable society" hay "Bảo tàng cho một xã hội bền vững". Chủ đề nêu rõ vai trò của bảo tàng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về một xã hội ít lãng phí, nhiều hợp tác và sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý.

Poster cho Ngày quốc tế Bảo tàng 2015 của ICOM.

Có thể thấy vấn đề phát triển bền vững ngày càng được đặc biệt quan tâm, trở thành yêu cầu phát triển của toàn cầu. Đã có không ít hội nghị thượng đỉnh thảo luận về chủ đề này và đưa ra nhiều văn kiện, quyết sách quan trọng. Ngay tại Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 diễn ra tại thủ đô Hà Nội, (28/3 - 01/4/2015), trên 160 đoàn đến từ các nghị viện thành viên đã cùng nhau thảo luận về một chủ đề chung “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động” và thông qua “Tuyên bố Hà Nội”, đóng góp vào quá trình soạn thảo, xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 sẽ được thảo luận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào kỳ họp cuối năm nay; đồng thời, khẳng định cam kết của các Quốc hội thành viên biến các mục tiêu phát triển bền vững thành các mục tiêu và quy định pháp luật, bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu này tại quốc gia.

Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững manh nha trong cả quá trình sản xuất xã hội và bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Chính vì thế, năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Ri-ô đơ Gia-nê-rô đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, theo đó, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”. Theo đó, ba trụ cột phát triển bền vững được xác định là: Thứ nhất, bền vững về mặt kinh tế, hay phát triển kinh tế bền vững là phát triển nhanh và an toàn, chất lượng; Thứ hai, bền vững về mặt xã hội là công bằng xã hội và phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh; Thứ ba, bền vững về sinh thái môi trường là khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống.

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, bảo tàng như những nhà giáo dục và truyền bá văn hóa đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng góp phần vào việc định nghĩa và thực hành những mục tiêu và quy tắc phát triển bền vững. Bảo tàng phải đảm bảo vai trò trong việc bảo vệ di sản văn hóa, đưa ra cảnh bảo về gia tăng mất ổn định của hệ sinh thái, sự bất ổn về chính trị, và những thách thức do môi trường tự nhiên và con người gây ra. Các hoạt động bảo tàng như thông qua trưng bày và giáo dục phải hướng tới việc tạo ra một xã hội bền vững.

Để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giáo dục công chúng về phát triển bền vững, bảo tàng phải làm kiểu mẫu, đi đầu trong việc thực hiện, biến lời nói thành hành động. Sau đây là một vài ví dụ về những biện pháp cụ thể về phát triển bền vững mà bảo tàng có thể thực hành tại cơ sở:

- Trong việc vận hành tòa nhà bảo tàng trưng bày: Việc tiêu thụ năng lượng cần được giám sát và kiểm tra thường xuyên. Các thiết bị điện cần được rút nguồn nếu không sử dụng thay vì để ở chế độ chờ. Nhiệt độ điều hòa phải được sử dụng và điều chỉnh hợp lý, ví dụ tại không gian trưng bày khi không mở cửa đón khách phải điều chỉnh phù hợp. Các cửa sổ nên được cách nhiệt. Sử dụng loại đèn tiết kiệm điện và luôn tắt khi không sử dụng.

- Trong hoạt động trưng bày: Sử dụng vật liệu và dịch vụ trong nước. Nên sử dụng các vật liệu có tính bền vững như các loại vải chống mòn để làm áp phích trưng bày, chúng có thể được lưu giữ để tái sử dụng hoặc bán lại cho các bảo tàng khác. Thiết bị phục vụ trưng bày lưu động phải được giữ lại. Việc vận chuyển hiện vật nên tránh các hành trình riêng lẻ hoặc nhiều lần. Sử dụng các bóng đèn LED trong trưng bày. Hạn chế công suất bóng đèn và việc sử dụng đèn halogen. Giữ lại và tái chế vật liệu thừa khi xây dựng trưng bày. Tăng cường hợp tác trưng bày giữa các bảo tàng.

- Tổ chức sự kiện và truyền thông: Tránh sử dụng vật liệu chỉ dùng một lần, áp phích quảng cáo về các sự kiện khác nhau có thể được in ấn mà không đề ngày tháng để tái sử dụng lần sau. Thông cáo báo chí được gửi qua thư điện tử hay công bố trên website. Tăng cường truyền thông trực tuyến và truyền thông hợp tác. Những hoạt động, sự kiện bảo tàng hướng tới nên tập trung vào việc tuyên truyền về phát triển bền vững, ví dụ như các chủ đề về giáo dục môi trường, nông nghiệp. Thực hành chống lãng phí ngay tại các sự kiện đó. Sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. Thực phẩm sử dụng tại sự kiện là hàng nội địa, sinh học hoặc hữu cơ. Chi phí và khối lượng công việc có thể giảm xuống nếu tổ chức sự kiện thông qua hợp tác với các đối tác.

- Cửa hàng lưu niệm: Các cửa hàng lưu niệm nên ưu tiên dùng các vật liệu thân thiện với môi trường trong đóng gói, túi đựng. Nên bán các sản phẩm thủ công trong nước, các sản phẩm có tính bền vững, chất lượng để tránh vứt bỏ. Sản phẩm có thể được làm từ các vật liệu tái chế. Chẳng hạn sử dụng các loại vải thừa để làm các sản phẩm dùng trong nhà bếp, sản xuất nến từ các mẩu nến còn thừa...

- Các quán cà phê và nhà hàng: Sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, tránh sử dụng các loại bát đĩa dùng một lần. Trong phòng vệ sinh nên dùng các loại xà phòng hay nước rửa sinh học. Phân loại rác thải hữu cơ.

- Hành chính văn phòng: Tránh in và copy văn bản không cần thiết. Trong hội nghị dùng đèn chiếu thay in ấn. Sử dụng lại giấy in một mặt. Luôn để máy tính và máy in ở chế độ tự động ngắt. Sử dụng điều hòa hợp lý. Tiết kiệm điện năng bằng cách tắt hết các thiết bị sử dụng điện khi rời phòng. Ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng khi di chuyển hay đi công tác. Vấn đề nhận thức về môi trường có thể đem ra thảo luận và khuyến khích trong nhân sự. Hàng năm tiến hành đánh giá việc thực hiện các chương trình về bảo vệ môi trường. Các cuộc hội thảo, hội nghị có thể tổ chức qua điện thoại hoặc trực tuyến. Các biện pháp hướng dẫn về phát triển bền vững phải có tính khả thi. Tăng cường giải quyết công việc qua mạng internet bao gồm công tác nội bộ hay với các tổ chức khác để nâng cao hiệu quả truyền tải dữ liệu và tránh lãng phí giấy tờ hay việc giao nhận. Sử dụng thư điện tử thay cho thư giấy.

- Nghiên cứu: Bảo tàng thường xuyên thực hiện việc nghiên cứu cơ bản với các công việc được thực hiện trên mẫu vật hoặc qua máy tính. Công tác thực địa về khảo cổ học và nghiên cứu về khoa học tự nhiên phải được tiến hành ở những địa điểm đã được khảo sát và đánh giá kỹ lưỡng. Các trưng bày nên tập trung vào các chuyên đề về văn hóa nông nghiệp vì đây là cơ sở của phát triển bền vững. Bảo tồn và nghiên cứu về chính lịch sử của bảo tàng cũng là một trong những mục tiêu bảo tàng nên hướng tới.

- Tầm nhìn trong tương lai: Định hướng tương lai của bảo tàng có thể được xác định sau một thời gian tương đối dài. Bởi vậy, bảo tàng nên xây dựng chương trình phát triển bền vững về lâu dài. Mục đích của chúng ta là giúp công chúng hiểu về các giá trị bền vững nên chúng ta phải lập một kế hoạch thật cẩn thận và quan trọng là thực hiện những ví dụ đó thật tốt để trở thành kiểu mẫu cho công chúng học tập. Bảo tàng phục vụ công chúng, công chúng được hiểu bao gồm cả thế hệ tương lai. Những quyết định đúng, sai của lịch sử hay con người đều được lưu giữ trong bảo tàng. Công chúng phải được tham gia vào các hoạt động của bảo tàng. Mục đích các hoạt động là để nâng cao nhận thức cho công chúng về phát triển bền vững. Một điều rất quan trọng là bảo tàng phải tăng cường hợp tác với các bảo tàng khác để cùng nhau tuyên truyền, nâng cao hiệu quả của chương trình.

Có thể nói, phát triển bền vững chính là chìa khóa thành công và cũng là cơ hội để tạo ra sự khác biệt cho bảo tàng trong xã hội ngày nay. Nhận thức, thực hiện trên cơ sở tăng cường hợp tác và giáo dục công chúng về giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ các di sản văn hóa là những vấn đề mà các bảo tàng có thể làm để đóng góp xây dựng một xã hội bền vững.

Trần Trang (Phòng Truyền thông)

Nguồn tham khảo:

- "Phát triển bền vững ở Việt Nam" - Vũ Văn Hiền (GS.TS, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương) - Tạp chí Cộng sản.

- Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM).

- Hiệp hội Bảo tàng Phần Lan.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội

  • 22/04/2015 00:00
  • 457

Hoàng thành Thăng Long được xây dựng vào thế kỷ thứ 11 dưới thời nhà Lý, đánh dấu kỉ nguyên độc lập của nước Đại Việt. Thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 trên các phế tích của một công trình quân sự, trong vùng đất được bồi đắp của đồng bằng châu thổ sông Hồng, ngày nay là Hà Nội. Đây là trung tâm chính trị của vùng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ, trải dài từ thời tiền Thăng Long, qua thời Đinh - Tiền Lê, đến thời kỳ Thăng Long - Hà Nội với các vương triều Lý - Trần - Lê - Nguyễn và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi phát triển nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Các kiến trúc trong Hoàng thành và các di tích trong khu vực khảo cổ học ở số 18 Hoàng Diệu cho thấy một nền văn hóa độc đáo của vùng Đông Nam Á, mang đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi có sự giao thoa với văn minh Trung Quốc ở phía Bắc và văn minh Chămpa ở phía Nam.