Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/01/2015 00:00 471
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh - Gian nan một bảo tàng.

Trong hệ thống những bảo tàng do người Pháp xây dựng ở Việt Nam, Bảo tàng Sài Gòn (tên trước đây của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh) được xem là “em út” và có những tiền thân xa xôi. Từ lúc manh nha cho tới lúc hoàn thành (1865 - 1928), Bảo tàng Lịch sử - Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua một quá trình gian nan trong việc vận động và xây dựng.

Toàn cảnh Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Manh nha cho ý định xây dựng bảo tàng ở Nam Kỳ là sự kiện năm 1865 đô đốc Roje đã thành lập tại Sài Gòn một Ủy ban canh nông và kỹ nghệ Nam Kỳ. Từ năm 1883, Ủy ban này đổi tên thành “Hội nghiên cứu Đông Dương”, tổ chức có vai trò lớn trong việc tuyên truyền tìm hiểu xứ Nam Kỳ và thúc đẩy chính quyền xây dựng một bảo tàng tại đây.

Năm 1866, đô đốc De la Grandière đã tập trung tại Sài Gòn một số những tác phẩm điêu khắc Khơ-me, theo ông đây là điều kiện đầu tiên để thành lập một Bảo tàng Khảo cổ. Tuy nhiên những ý định đó của ông đã không được thực hiện vì ông đã phải trở về Pháp.

Tháng 2/1871, Hội đồng thành phố nhận được đề nghị xin kinh phí “để tiến hành những cuộc khảo sát và khai quật khu phế tích Ăng-ko, nhằm mục đích xây dựng cho thành phố Sài Gòn một nhà bảo tàng” của bác sĩ Pichon. Tuy nhiên, thiện chí này cũng không được thực hiện, song theo ông Louis Malleret lại cho rằng “đây là cái may mắn cho những ngôi đền Cao-miên mà một sự khảo sát bất cẩn có thể làm thất lạc mất những phần chủ yếu để nghiên cứu và phục hồi lại những tổng thể mà ngày nay người ta được chiêm ngưỡng”(1).

Mười năm sau (1882), một nhân vật có tên là Milne Edwards đề nghị được đứng ra xây dựng một bảo tàng dành cho giới nghiên cứu tại Sài Gòn. Lời đề nghị của ông đã được Hội đồng thuộc địa tiếp nhận và biểu quyết tán thành nguyên tắc xây dựng một bảo tàng ở Nam Kỳ. Nhưng đến năm 1883, theo mệnh lệnh của Bộ trưởng bộ Hải quân, nhà bảo tàng nghiên cứu bị biến thành nhà thương mại. Năm 1887, thống đốc Le Mire De Vilers cho xây dựng một ngôi nhà với ý định để tổ chức bảo tàng. Nhưng khi vừa mới hoàn thành thì Phụ tá Thống đốc buộc phải lấy ngôi nhà đó làm chỗ ở và như thế vừa mới ra đời nhưng bảo tàng Sài Gòn đã bị dùng cho mục đích khác.

Hội nghiên cứu Đông Dương vẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tài chính nhưng Hội quyết định tự xây cho mình một nhà bảo tàng ở Sài Gòn. Ngày 15 tháng 12 năm 1898, toàn quyền Paul Doumer đã sáng lập ra “Ban thường trực khảo cổ Đông Dương” tiền thân của Trường Viễn Đông Bác cổ. Sau khi tiến hành một loạt thám sát trong phạm vi cả nước, Ban thường trực đã xây dựng một bảo tàng đầu tiên tại số nhà 140 phố Pellerin (ngày nay là phố Paster).

Năm 1902, việc di dời thủ đô hành chính từ Sài Gòn ra Hà Nội đã kéo theo những công sở trong đó có Trường Viễn Đông Bác cổ ra Bắc kỳ, do đó việc xây dựng bảo tàng ở Nam Kỳ bị gián đoạn. Trước thực tế đó, người ta quan tâm tới số phận của những hiện vật hiện đang được lưu giữ tại số nhà 140 phố Pellerin. Nhiều giải pháp để bảo vệ những hiện vật này được đặt ra nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời, người ta vẫn ủng hộ việc thành lập bảo tàng.

Ngày 15/3/1904, toàn quyền Paul Beau đã nhắc lại dự án thành lập nhà bảo tàng Nam Kỳ, ông đã lưu ý với phụ tá Thống đốc về sự cần thiết phải cứu vãn những kho tàng khảo cổ ở Đông Dương, ngoài ra ông cũng gợi ý với chính quyền thành phố nên đóng góp kinh phí cho việc xây dựng một bảo tàng ở đây. Gợi ý của ông được đưa ra trước Hội đồng Thuộc địa (tháng 8) và Hội đồng Thành phố (tháng 12), tuy nhiên đều bị hai Hội đồng thoái thác vì liên quan đến vấn đề kinh phí. Như vậy đây là lần thứ hai việc đề nghị xây bảo tàng một cách chính thức bị thất bại.

Tình trạng những hiện vật của Trường Viễn Đông Bác cổ trong tình trạng “không chốn dung thân” đã thôi thúc chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Dương đề nghị với Hội đồng Thành phố cấp một khu đất nằm trong vườn bách thảo để Hội xây dựng một ngôi nhà trong đó có thư viện, phòng nghiên cứu và bảo tàng. Ý kiến này đã được chấp thuận nhưng vì khả năng không đủ nên hội đã phải hủy bỏ dự án xây dựng của mình.

Ngày 17/11/1908, ông O.Berquet khi đó là chủ tịch Hội đã xin Thành phố một phần đất ở Trường thi cũ để xây dựng bảo tàng nhưng không thành công. Cứ như vậy các ông Hội trưởng đã nhiều lần đề nghị với hội đồng thành phố về việc cấp đất cho Hội nghiên cứu Đông Dương để làm chỗ nương náu cho những bộ sưu tập nhưng đáp lại chỉ là sự cự tuyệt hoàn toàn.

Những năm từ 1909 đến năm 1923, trong phạm vi 3 nước Đông Dương, các bảo tàng được thành lập liên tục như: năm 1909, Viện bảo tàng Hà Nội được thành lập; năm 1919, thành lập tại Phnôm-pênh Viện bảo tàng An-be Xa-rô; năm 1923, xây dựng Bảo tàng Khải Định ở Huế.

Một sự kiện có tác động mãnh mẽ đến sự ra đời của Bảo tàng Sài Gòn, đó là ngày 18/2/1927 - TS.Victor Thomas Holbe từ trần. Ông là người say mê sưu tầm, sau hơn 40 năm, ông đã sở hữu những bộ sưu tập cổ vật quan trọng. Người ta lo lắng sau khi ông mất, số hiện vật này sẽ dần bị phân tán, do vậy một Hội nghị được tổ chức và quyết định mua lại số hiện vật trên với số tiền là 45.000 đồng (một số tiền rất lớn tại thời điểm đó). Sau khi mua xong, “sưu tập sẽ được giao lại cho chính phủ Nam Kỳ để đưa vào khu vực tài sản không được bán”. Với một số tiền lớn như vậy nên Hội nghị đã tiến hành quyên góp, chỉ sau 3 tháng đã quyên góp đủ số tiền trên. Chính sự hưởng ứng nồng nhiệt này, ông Blanchard de la Brosse (khi đó là thống đốc Nam Kỳ) đã viết “chỉ cần 3 tháng là cái thứ trưng cầu dân ý này có hiệu quả, xứ Nam Kỳ đã chứng tỏ là mình quan tâm tâm một cách nồng nhiệt những nghệ thuật cổ”. Và có lẽ, chính những điều trên đã thôi thúc ông Blanchard de la Brosse kí quyết định thành lập viện Bảo tàng Sài Gòn vào ngày 24/11/1927 do ông Jean Bouchot làm Giám đốc, đến ngày 8/6/1928 viện được đổi tên thành “Viện bảo tàng Blăng-sa Đơ La Brô-xơ” (Musée Blanchard de la Brosse). Ngày 1/1/1929 bảo tàng chính thức được khánh thành.

Bảo tàng Blanchard de la Brosse (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay) tại Nam kỳ những năm mới khánh thành.

Viện này được đặt dưới sự kiểm soát khoa học của Trường Viễn Đông Bác cổ và dưới quyền của Thống đốc Nam Kỳ. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn đổi tên thành Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam (tại Sài Gòn). Dưới chế độ Sài Gòn, Bảo tàng cũng có những quy chế riêng trực thuộc Viện Khảo cổ của Bộ quốc gia Giáo dục (sau này là Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên) chính quyền Sài Gòn.

Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn

(Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay) thời kỳ trước năm 1975.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, bảo tàng được chuyển lại cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với mong muốn có một Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho nhân dân Sài Gòn và các tỉnh phía Nam hiểu được lịch sử nước nhà, nên chính quyền Thành phố Sài Gòn đã đề nghị với Sở Văn hóa Thông tin và Ban lãnh đạo Bảo tàng xây dựng đề án thành lập Bảo tàng Lịch sử. Ngày 22/2/1979, Sở Văn hóa Thông tin lập tờ trình đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập Bảo tàng - chính thức đặt nền móng cho sự ra đời một Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy tính đến nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua lịch sử với chặng đường 36 năm và hơn 80 năm tồn tại với tư cách nhất quán là một cơ quan bảo tồn di sản với dòng chảy thời gian khởi đầu từ năm 1929. Mặc dù là sự tiếp quản những di sản đã có từ trước, nhưng không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên và người lao động Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên, trở thành một trong những bảo tàng thu hút nhiều khách tham quan tại Việt Nam.

Thu Nhuần

Nguồn:

- Lui Man -Lơ-Rê, "tổng mục lục các sưu tập viện bảo tàng Blăng-sa Dơ La Brô-xơ", 1937, Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: