Ai cũng học! Lúc nào cũng học! Ở đâu cũng học! và Bảo tàng Lịch sử quốc gia như một trung tâm học tập suốt đời (Kỳ 1)
I. Nhu cầu hiểu biết là nhu cầu bản năng vốn có của con người
Trong quá trình phát triển, con người không ngừng học hỏi, tiếp thu tri thức của nhân loại. Vậy học là gì? Học là một quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy kiến thức cho bản thân mình từ thầy cô giáo, bạn bè, trên tư liệu sách vở... Điều đó cho thấy, nhu cầu hiểu biết là nhu cầu bản năng của con người. Đối với trẻ em, hiểu biết để tích lũy tri thức phục vụ việc học tập, thi cử đạt được kết quả tốt. Người trưởng thành, hiểu biết để nuôi dạy con cái, cách ứng xử giữa mọi người trong cuộc sống hàng ngày, làm việc có hiệu quả và đạt năng suất cao hơn. Đối với người già, hiểu biết để truyền dạy cho con cháu, chia sẻ với bạn bè những kinh nghiệm sống mà mình đã tích lũy được và làm cho tinh thần minh mẫn hơn, yêu đời hơn. Vì vậy, việc học là rất cần thiết và có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người chúng ta trong cuộc đời. Theo báo cáo “Học tập: một kho báu tiềm ẩn” của Jacques Delors, người đứng đầu Ủy ban quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI thì mục đích học tập mà UNESCO đề xướng là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”1. Đây là một trong những nhận định cụ thể và chính xác đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của công chúng trên toàn thế giới.
Đ/c Đỗ Mười - Nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tham quan bảo tàng
Theo kết quả điều tra công chúng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 2012, thì xấp xỉ 61% khách tham quan đến với Bảo tàng là phục vụ học tập, nghiên cứu và đi theo tổ chức đoàn thể. Bởi Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống anh dũng kiên cường chống giặc ngoại xâm trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng, Bảo tàng là kho tri thức khổng lồ mà ở đó công chúng có thể học hỏi được nhiều điều phục vụ cuộc sống của mình. Hơn nữa, nhu cầu lưu giữ không chỉ có ở bảo tàng mà nhu cầu gìn giữ những giá trị truyền thống, kỷ niệm về những gì đã qua luôn tồn tại trong mỗi con người bởi điều đó đã làm giàu tri thức con người, nuôi dưỡng tâm hồn và làm cho cuộc sống của họ tốt hơn và có ý nghĩa hơn. Vì vậy, người Việt Nam có câu: “Ôn cố nhi tri tân” (có nghĩa: ôn cái cũ để biết những điều mới, lấy xưa phục vụ nay).
Công chúa Thái Lan và các sĩ quan ưu tú tham quan, học tập tại bảo tàng
II. Con người có thể làm giàu tri thức của mình ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hình thức... và bảo tàng là nơi con người có thể học tập mọi thứ và học tập suốt đời
2.1. Công chúng có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc và mọi hình thức…
Con người không chỉ đến trường mới được học tập. Họ có thể học tập được ở gia đình, ở các trung tâm văn hóa, cơ quan, ở nhà ga thậm chí là ở chợ, đường phố...
Họ không chỉ học tập từ thày cô giáo mà còn có thể học từ: ông bà, bố mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, những người xung quanh mình...
Và có thể học tập, thu nhận kiến thức dưới mọi hình thức: dạy - học, tự học, giao tiếp, trao đổi, trải nghiệm…
Chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử tại bảo tàng
2.2. Bảo tàng là gì? Tại sao công chúng có thể học được mọi thứ và học tập suốt đời ở bảo tàng?
Mặc dù, đến nay, trên thế giới còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về chức năng của bảo tàng nhưng có một điều mà nhiều nhà bảo tàng học đều thống nhất đó là, bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, tồn tại lâu dài để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, mở rộng đón công chúng; bảo tàng thu nhận, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục, học tập và thưởng thức.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các bảo tàng, đặc biệt là các bảo tàng hiện đại ở châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, bảo tàng còn là một trung tâm văn hóa, là nơi gặp gỡ, giao lưu, giải trí và thưởng ngoạn…
Và đến nay, chúng ta đã dần khẳng định vai trò to lớn của bảo tàng đó là, bảo tàng còn là trung tâm học tập suốt đời.
Lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu lịch sử Việt Nam nhân dịp hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời
2.3. Bảo tàng Lịch sử quốc gia - nơi công chúng có thể học tập mọi thứ và học tập suốt đời
Nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đa dạng, xuyên suốt, phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội theo tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến nay; nó mang tính toàn diện, toàn quốc, đa dân tộc; thể hiện nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Lịch sử là kho tàng tri thức mà ở đó, chúng ta có thể học được mọi điều.
Đặc biệt, nội dung trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia cơ bản trùng lặp/giống với nội dung chương trình học của học sinh phổ thông từ Tiểu học đến Trung học phổ thông.
Cụ thể:
Cấp | Lớp | Chương trình môn Lịch sử tại trường học | Nội dung trưng bày BTLSQG (Cơ sở 1: BTLSVN cũ) | Nội dung trưng bày BTLSQG (Cơ sở 2: BTCMVN cũ) |
Tiểu học (cấp 1) | Lớp 4 | Lịch sử VN thời kỳ dựng nước đầu tiên đến triều Nguyễn | Phần Trưng bày từ thời kỳ dựng nước đầu tiên đến triều Nguyễn | |
Lớp 5 | Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1975 | | Phần trưng bày Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1975 |
Trung học cơ sở (cấp 2) | Lớp 6 | Lịch sử VN từ thời tiền sử đến năm 938 | Phần trưng bày từ thời tiền sử đến năm 938 | |
Lớp 7 | Lịch sử VN từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 19 | Phần trưng bày Lịch sử VN từ 938 đến đầu thế kỷ 19 | |
Lớp 8 | Lịch sử VN từ 1858 đến đầu thế kỷ 20 | | Phần trưng bày Lịch sử VN từ 1858 đến đầu thế kỷ 20 |
Lớp 9 | Lịch sử VN từ năm 1930 đến năm 2000 | | Phần trưng bày Lịch sử VN từ năm 1930 đến năm 2000 |
Trung học phổ thông (cấp 3) | Lớp 10 | Lịch sử VN từ thời Nguyên thủy đến thế kỷ 19 | Phần trưng bày Lịch sử VN từ thời Tiền sử đến thế kỷ 19 | |
Lớp 11 | Lịch sử thế giới Cận hiện đại | | |
Lớp 12 | Lịch sử VN từ năm 1919 đến 1975 | | Phần trưng bày Lịch sử VN từ năm 1919 đến 1975 |
Trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đón tiếp và phục vụ một số lượng khách khá đông trong nước và ngoài nước tại bảo tàng và ngoài bảo tàng (khoảng 100,000 - 300,000 lượt khách mỗi năm) cho mọi đối tượng công chúng khác nhau như: trẻ em (gồm: học sinh, nhóm trẻ em đi theo gia đình vào các ngày nghỉ, lễ, tết); thanh niên, người trưởng thành (gồm; sinh viên, đoàn thể cơ quan, tour du lịch); người già (gồm những người đi theo đoàn thể, tổ chức, tour du lịch, gia đình). Theo kết quả điều tra công chúng năm 2012 tại bảo tàng Lịch sử quốc gia cho thấy, khách tham quan đến bảo tàng phục vụ cho chương trình học tập, công việc chiếm gần 62%. Trong đó, học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng chiếm 60% trong tổng số khách tham quan bảo tàng.
Các đối tượng khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia: đa dạng về lứa tuổi, thành phần, lĩnh vực công tác…Đây chính là ưu thế để Bảo tàng Lịch sử quốc gia có thể xây dựng các chương trình giáo dục, các chương trình dành cho công chúng đa dạng, phong phú, hấp dẫn và cũng là đặc điểm nổi bật, là tiềm năng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia mà không phải bảo tàng nào ở Việt Nam cũng có đượcnhưng cũng là thách thức cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia làm sao phát huy tốt nhất tiềm năng, vai trò của mình trong sự nghiệp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đặc biệt là thế hệ trẻ học đường và trở thành một địa chỉ giáo dục tin cậy, một điểm đến hấp dẫn công chúng.
Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan
Phó trưởng Phòng Giáo dục, Công chúng - BTLSQG
Tham khảo: Delors, Jacques. 1998. Learning: The Treasure Within. Report to the UNESCO International Commission on Education for the Twenty-First Century. UNESCO. www.unesco.org/delors/delors_e.pdf