Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập ngày 26/9/2011 theo quyết định số 1674/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (BTCMVN) và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSVN). Cùng điểm lại những dấu ấn quan trọng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong quá trình hình thành phát triển.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, một số người Việt Nam mới bắt đầu làm quen với khái niệm bảo tàng khi chính quyền Pháp ở Đông Dương thành lập Trường Viễn Đông Bác cổ vào những năm 1900. Năm 1910 bảo tàng đầu tiên được thành lập, đó là Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương, đến năm 1932 bảo tàng này được đổi tên thành bảo tàng Louis Finot để trưng bày, giới thiệu các bộ sưu tập cổ vật thuộc các nền văn hóa Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ , Miến Điện, Nhật Bản, Nhật Bản, Inđônêxia, Thái Lan, Tây Tạng… Bảo tàng Louis Finot là bảo tàng đầu tiên, sau này là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Ngày 22/4/1958, nhà nước ta chính thức tiếp quản Bảo tàng Louis Finot và xúc tiến nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, chuyển đổi nội dung từ Bảo tàng Nghệ thuật sang Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để mở cửa đón khách tham quan từ ngày 3/9/1958, với nội dung trưng bày trong khung niên đại từ thời Tiền sử đến Cách mạng tháng tám năm 1945 (nhưng thực chất là trưng bày đến năm 1858).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đang xem bản dập đúc mặt trống đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), tháng 2/1961.
Ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cần sớm xây dựng BTCMVN. Ngày 06/1/1959 BTCMVN ra đời, với nội dung trưng bày lịch sử Việt Nam thời kỳ cận - hiện đại, trở thành bảo tàng đầu tiên do người Việt xây dựng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem hệ thống trưng bày thường trực Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), tháng 1/1959.
Từ khi thành lập đến nay, BTLSVN và BTCMVN trên con đường xây dựng và trưởng thành đã không ngừng phấn đấu để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ văn hóa, chính trị, đã tạo lập được một vị thế văn hóa có ý nghĩa trong xã hội. Các hoạt động sưu tầm, bảo quản và trưng bày giới thiệu hàng trăm hiện vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, nhiều sưu tập hiện vật có giá trị lớn về lịch sử - văn hóa - khoa học, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển (BTLSQG 56 năm, BTCMVN 55 năm), hai bảo tàng đã không ngừng đóng góp và quảng bá những giá trị văn hóa của dân tộc. Sự cống hiến đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận.
Các tầng lớp nhân dân đến tham quan Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) sau khi khánh thành,1/1959.
Những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước giành tặng BTLSVN
- Huân chương Lao động hạng ba, năm 1975.
- Huân chương Lao động hạng nhất, năm 1986.
- Huân chương Độc lập hạng ba, năm 2008.
- Giấy khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã có thành tích suất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm 2013.
Những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước giành tặng BTCMVN.
- Huân chương Lao động hạng ba, năm 1967.
- Huân chương Lao động hạng nhất, năm 1974.
- Huân chương Độc lập hạng ba, năm 1987.
- Huân chương Độc lập hạng nhì, năm 1994.
- Huân chương Độc lập hạng nhất năm 2004.
- Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009.
- Bằng khen của Thủ tường Chính phủ 3 năm 2005 2007.
- Cờ thưởng Luân lưu của Chính phủ năm 1991,1993,1999, 2003, 2006.
- Cờ thưởng Luân lưu của Bộ năm 1989, 1990, 1991, 1994, 1995, 1996, 1997, 1998, 2000, 2001, 2002, 2004, 2005, 2007.
Với trình độ phát triển dân trí và những yêu cầu ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa của công chúng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nước ta xứng đáng và cần có một Bảo tàng lịch sử quốc gia với quy mô lớn, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới để có điều kiện bảo tồn và phát huy tốt nhất những giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc.
Theo đó tháng 1/1994, Tổng bí thư Đỗ Mười trong buổi đến thăm và làm việc với BTCMVN đã đề cập đến vấn đề nghiên cứu sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG).
Chín năm sau, ngày 20/6/2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin có Quyết định số 1845/QĐ-BVHTT thành lập Ban nghiên cứu xây dựng đề án BTLSQG gồm 9 ủy viên.
Tháng 12/2006, Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng BTLSQG được thành lập, do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng Ban. Tiếp đó ngày 18/1/2007, Bộ xây dựng thành lập Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng BTLSQG. Ngày 15/9/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Ban xây dựng nội dung và Hình thức trưng bày BTLSQG. Ngày 17/5/2010 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề cương tổng quát Nội dung và Hình thức trưng bày BTLSQG. Và thời khắc ghi dấu mốc son trong lịch sử phát triển của ngành Bảo tàng Việt Nam, đó là vào ngày 26/9/2011, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập BTLSQG trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức thành công Hội nghị Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á tại Hà Nội, tháng 10/2013.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề “Buổi đầu của nền văn hóa cổ Việt Nam- Bình minh trên sông Hồng” tại Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, 4/2014.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức khai quật khảo cổ di tích Gò Cấm Mít, Hòa Vang, Đà Nẵng, năm 2012.
Việc thành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một tất yếu của sự phát triển ngành bảo tàng Việt Nam. Ba năm 2011 - 2014, là một quảng thời gian không dài, nhưng đã đóng góp nhất định trong việc khai quật, giữ gìn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc.
Thu Nhuần (tổng hợp)
Nguồn:
1.Đặng Hòa, “Một mốc son lịch sử của ngành bảo tàng Việt Nam”, Thông báo khoa học 2012, Bảo tàng lịch sử quốc gia, nxb Văn hóa - Thông tin, 2012.
- “Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - 50 năm một chặng đường”, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 2008.
- “50 năm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam 1959 - 2009”, 2009.