Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là bảo tàng đứng đầu trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Mặc dù mới được thành lập, song, trước xu thế hội nhập và phát triển hôm nay, Bảo tàng đã rất chú trọng đến hợp tác quốc tế trong mọi hoạt động của mình. Công tác hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khai quật khảo cổ học thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng kể. Cùng với Viện Khảo cổ học và Khoa Lịch sử (Trường ĐHKHXH&NV), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong ba cơ quan nghiên cứu khảo cổ học lớn của cả nước.
Với vị thế ấy, thời gian vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với nhiều quốc gia thực hiện các đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ học trên nhiều vùng miền của tổ quốc.
1. Hợp tác với các viện nghiên cứu khảo cổ học và bảo tàng Trung Quốc
- Phối hợp với Bảo tàng Khu Tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây) tiến hành khảo sát hệ thống di tích tiền sử vùng Tây Bắc Việt Nam. Đồng thời, cùng với Bảo tàng Quốc gia Lào thiết lập chương trình hợp tác ba bên khảo sát và chuẩn bị làm các thủ tục khai quật di tích thuộc thời đại kim khí Lào.
Bảo tàng Khu Tự trị dân tộc Choang là đối tác thường xuyên và liên tục trong nhiều năm qua của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bởi vậy, không chỉ là hợp tác về khảo cổ học mà các hoạt động nghiệp vụ bảo tàng khác như bảo quản hiện vật, giao lưu trưng bày, đào tạo, xuất bản ấn phẩm… diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả.
- Phối hợp với Viện Khảo cổ học tỉnh Tứ Xuyên và Thiểm Tây, nghiên cứu và khai quật di tích Nghĩa Lập (Vĩnh Phúc). Kết quả nghiên cứu tốt đẹp mà các bên tham gia phối hợp thực hiện thu được từ khai quật di tích Nghĩa Lập đã bổ sung thêm những nhận thức quan trọng về tính bản địa của văn hóa Phùng Nguyên, là tiền đề đầu tiên tạo lập nền văn hóa/văn minh Đông Sơn - cơ sở vật chất của nhà nước đầu tiên của cư dân Việt cổ. Đồng thời trên cơ sở nghiên cứu đối sánh, đã góp phần nêu bật sự tương đồng, giao lưu cũng như những khác biệt về truyền thống văn hóa Việt - Trung trong lịch sử mỗi dân tộc.
Dự kiến, ấn phẩm kết quả hợp tác chương trình nghiên cứu này sẽ được hoàn thiện và công bố thời gian tới. Đồng thời hai bên cũng sẽ hoạch định cho hợp tác tiếp theo.
- Phối hợp với Bảo tàng tỉnh Vân Nam tiến hành khảo sát hệ thống di tích, di vật thuộc văn hóa Đông Sơn, nghiên cứu đối sánh về văn hóa truyền thống Việt - Trung trong bối cảnh lịch sử cách ngày hơn 2.000năm với việc hình thành các quốc gia cổ đại trong khối Bách Việt xưa.
Ngoài ra, hợp tác với Trung Quốc của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn được thể hiện trong các hoạt động, giao lưu học thuật với Viện Di sản văn hóa Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Quảng Đông, Bảo tàng gốm sứ Giang Tây…
2. Hợp tác với các viện nghiên cứu khảo cổ học và bảo tàng Hàn Quốc
- Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc là đối tác chính của chương trình hợp tác Việt-Hàn. Hai bên đã ký kết văn bản hợp tác 2008 - 2013 và tiếp theo sẽ là 2013-2018. Với chương trình kéo dài này, hai bên đã có hợp tác sâu sắc và hiệu quả. Trọng tâm của chương trình là nghiên cứu, khai quật các di tích thuộc thời kỳ hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam và Hàn Quốc cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Trên cơ sở đó đã khai quật các di tích Mả Tre (2008), Đình Tràng (2011) (Đông Anh, Hà Nội). Kết thúc khai quật, hai bên chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học và đã xuất bản các ấn phẩm công bố kết quả nghiên cứu.
Cùng với các chuyên gia khảo cổ Hàn Quốc khai quật di chỉ Đình Tràng, Đông Anh, Hà Nội.
Sự hợp tác hiệu quả hơn thể hiện ở kết quả khai quật di tích Bãi Cọi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), đã thu thập nhiều cứ liệu khoa học góp phần khẳng định tính chất văn hóa của di chỉ mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh, niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 năm, có giao lưu và ảnh hưởng với văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh đó còn tiến hành khảo sát phạm vi rộng để tìm hiểu dấu tích cư trú của cư dân Bãi Cọi.
Và tích Bãi Cọi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Toàn bộ hiện vật cùng các cụm mộ chum, mộ đất được đưa sang Hàn Quốc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, phục dựng chuẩn bị cho cuộc trưng bày về di tích Bãi Cọi tại Hàn Quốc vào năm 2014.
- Thực hiện chương trình hợp tác Việt - Hàn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc thực hiện chương trình khảo sát thường niên với các đợt nghiên cứu tại các địa điểm, di tích cảng thị cổ như Vân Đồn (Quảng Ninh); Phố Hiến (Hưng Yên); Lạch Trường (Thanh Hóa); Hội Thống (Hà Tĩnh); thương cảng Thanh Hà, Bao Vinh (Thừa Thiên-Huế); cảng cổ Thị Nại (Bình Định); khảo sát các làng nghề đóng thuyền truyền thống ở Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chương trình hợp tác đã thu được kết quả khả quan, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nghiên cứu trên lĩnh vực di sản biển, cũng như lịch sử, văn hóa giữa hai quốc gia Việt - Hàn. Hiện nay, đang chuẩn bị xuất bản ấn phẩm kết quả hợp tác nghiên cứu.
- Phối hợp với Viện Di sản Văn hóa Quốc gia Hàn Quốc tiến hành giao lưu, trao đổi và nghiên cứu đối sánh về loại hình và táng thức mộ chum Việt - Hàn. Hai bên đã tổ chức hội thảo quốc tế chuyên đề giới thiệu khái quát về thành tựu khảo cổ học Việt - Hàn tại Gyueongju (Hàn Quốc) vào năm 2008.
3. Hợp tác với các trường đại học Nhật Bản
Đó là sự hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia với các trường đại học Đông Á và đại học Satami trong việc tiến hành khảo sát khu vực thành cổ Luy Lâu. Kết quả đã bước đầu đánh giá hiện trạng di tích và lập bản đồ phân bố di tích thành cổ Luy Lâu cũng như nghiên cứu hệ thống các di tích mộ táng khu vực phụ cận, đánh giá được trữ lượng nghiên cứu và vị trí dự kiến khai quật trong năm 2014. Hai bên cũng đang chuẩn bị tài liệu cho hội thảo về hệ thống di tích mộ gạch và giai đoạn lịch sử đầu Công nguyên ở Việt Nam (ảnh 3,4).
Cùng các chuyên gia Nhật bản khảo sát di tích mộ Hán tại Luy Lâu (Bắc Ninh).
4. Hợp tác với Viện Khảo cổ học Đức
Đây là chương trình hợp tác mới được thiết lập năm 2011. Mở đầu cho hợp tác này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã cử cán bộ sang học tập tại Đức, là điều phối viên cho chương trình hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Đức. Hướng nghiên cứu tiềm năng thời gian tới mà phía Đức quan tâm hợp tác sẽ là khai quật các di tích thuộc văn hóa khảo cổ học Tiền - sơ sử ở miền Đông và Tây Nam bộ. Hai bên đã cùng với Viện Khảo cổ học và Cục Di sản Văn hóa tổ chức thành công hội thảo về thành tựu khảo cổ học Việt Nam. Vào năm 2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia trở thành đối tác chính cho dự án trưng bày tại Đức về di sản văn hóa khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội.
Cùng với hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khảo sát thực địa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng các đối tác đã chú trọng và gắn nghiên cứu với đào tạo, hợp tác và giao lưu cho các cán bộ chuyên môn. Hàng năm, ngoài việc tham gia hội thảo, hội nghị các bên đối tác đều cử cán bộ của mình tham gia các khóa tập huấn, nâng cao trình độ và cập nhật phương pháp, quan điểm mới về khảo cổ học .
Cùng chuyên gia Viện khảo cổ học Đức khảo sát khu vực di tích Mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng).
Tham quan trao đổi tại Bảo tàng Khảo cổ học Đức.
Tóm lại, thời gian qua, mặc dù mới là những năm khởi đầu cho các chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu về khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới thành lập, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhiều đợt nghiên cứu, khai quật đã được tiến hành chính là sự hiện thực hóa các văn bản ký kết cũng như mong muốn, nguyện vọng của các bên tham gia. Kết quả hợp tác nghiên cứu ấy đã góp phần quan trọng trong việc làm sâu sắc hơn nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa dân tộc mang tính “thời sự” của khảo cổ học Việt Nam đang đặt ra. Đồng thời qua đó, góp phần khẳng định và quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam giàu truyền thống lịch sử, có nền văn hóa lâu đời và đậm bản sắc.
Thời gian tới đây, với các nhiệm vụ được giao, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ phát huy hơn nữa năng lực của mình, trong đó công tác hợp tác quốc tế nghiên cứu khảo cổ học sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ với việc tiếp tục tìm hiểu về các nền văn hóa, các thời kỳ trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Các vấn đề về các văn hóa khảo cổ học thời sơ sử sẽ là những ưu tiên nghiên cứu, qua đó nhằm đánh giá và nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của chúng với việc hình thành các nhà nước đầu tiên ở Việt Nam cũng như trong trào lưu của khu vực và trên thế giới. Việc nghiên cứu, phát huy tiềm năng di sản văn hóa biển Việt Nam cũng cần đẩy mạnh.
Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, từ phương pháp, kinh nghiệm và thực tiễn nghiên cứu của các đối tác, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang xác lập qui trình nghiên cứu hệ thống hơn, từ việc xác định phạm vi và đối tượng nghiên cứu đến điều tra, khảo sát và khai quật khảo cổ; tiến hành phục chế, phục dựng bảo quản; đồng thời với quá trình ấy là việc xây dựng đề tài, trưng bày chuyên đề, biên soạn và xuất bản ấn phẩm công bố rộng rãi tới công chúng. Trong mỗi chương trình nghiên cứu đều gắn và hướng tới công chúng bằng việc tổ chức trưng bày và xuất bản ấn phẩm.
TS. Nguyễn Văn Đoàn- PGĐ Bảo tàng LSQG