Tôi là một người, trong số ít các đại biểu được giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia mời tham dự hội nghị ANMA – một hội nghị được tổ chức luân phiên, hai năm một lần của Hiệp hội các Bảo tàng Quốc gia châu Á, mà năm 2013 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Hội nghị ấy có nhiều chương trình, trong đó có khai mạc phòng trưng bày “Châu Á – Những sắc màu châu văn hóa”, với sự góp mặt những cổ vật tiêu biểu, xuất sắc của các quốc gia thành viên, được tuyển chọn từ kho cơ sở của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, vốn là tài sản quý giá, được sưu tầm từ nhiều thế hệ, kể từ khi Bảo tàng Louis Finot được thành lập vào những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Phòng trưng bày lộng lẫy, với sự góp mặt của nhiều quan khách và người tham quan, chứng tỏ sự hấp dẫn của châu Á đa sắc màu, được hội tụ và tỏa sáng thông qua những giá trị văn hóa, lịch sử của những cổ vật, được bàn tay của những đồng nghiệp Bảo tàng quốc gia biến ảo, qua ánh sáng lung linh huyền diệu của phòng trưng bày, khiêm tốn nhưng sang trọng.
Dẫu đông đúc, nhưng tôi vẫn nhận ra một nhóm những người vây quanh một chum sứ men trắng vẽ hoa lam. Đó là những người bạn Hàn Quốc, đang bình luận về những cổ vật của họ và đặc biệt hướng tới chiếc chum cao khoảng 60cm, có dáng điệu đà, thanh thoát, vẽ nhiều tầng hoa văn, nhưng ấn tượng và chủ đạo nhất là băng vẽ rồng ở thân. Không thu hút sao được, khi chiếc chum ấy có niên đại thế kỷ 17, được chế tạo với tiêu chuẩn Hoàng cung, do những người thợ gốm Hoàng gia chế tạo từ các “lò quan” của thời đại ấy, khiến cho màu xanh cô-ban sáng trong với những nét vẽ tỉa tót theo lối công bút, được hiển lộ trên một nền trắng nuột nà, không một chấm tàn nhang, chẳng kém gì đồ sứ hoa lam Trung Quốc cùng thời, do cung đình triều Minh sử dụng. Lẫn trong tiếng thầm thì nhỏ, to cùng với quan sát thái độ ngạc nhiên đến tột cùng của những người bạn Hàn Quốc, tôi nhận ra, đó là một kiệt tác của gốm sứ Triều Tiên, để rồi hồi cố về câu chuyện, cũng liên quan tới chiếc chum này gần một thập niên trước.
Năm 2004, chiếc chum này cũng đã một lần được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và lần ấy, tôi có dẫn đoàn cán bộ của Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc lên tham quan, nhân chuyến đoàn sang làm việc và kí kết với Cục Di sản Văn hóa Việt Nam tại Hà Nội.
Ông Cục trưởng và đoàn tùy tùng khoảng 8 người đã bị hút hồn với chiếc chum, đứng lặng người hàng giờ trước đó, để rồi ông yêu cầu tôi và cả đoàn chụp cơ man ảnh với nó, cứ như thể không còn cơ may nào được gặp lại. Ông bảo rằng, đây là một trong bộ đôi đồ cung đình của Hoàng gia Hàn, mà mấy chục năm qua, giới nghiên cứu nước tôi luận bàn và đặt ra một câu hỏi, một chiếc nữa đang ở đâu, phải hồi hương bằng bất cứ giá nào, để “Châu về Hợp Phố”. Mấy chục năm tìm kiếm, tưởng như vô vọng, nay được thấy trong một hoàn cảnh bất ngờ, khiến ông xúc động đến tột cùng, nhận được qua ánh mắt, cử chỉ và giọng nói toát ra từ các đồng nghiệp.
Tôi nói với đoàn rằng, đây là cổ vật, trong số những sưu tập cổ vật của các học giả Pháp sưu tầm từ những năm 20 của thế kỷ trước, trong quá trình chuẩn bị cho việc thành lập Bảo tàng cổ vật Viễn Đông ở Hà Nội. Trong sổ gốc của người Pháp để lại, có nói rõ mua về từ Trung Quốc và họ nhầm tưởng đây là đồ sứ thời cuối thời Minh. Những học giả Pháp một phần có lý khi đặt chiếc chum này trong phức hợp gốm sứ thời cuối thời Minh, thế kỷ 17, khi những ảnh hưởng, giao thoa văn hóa, đặc biệt là đồ gốm sứ giữa Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản và Việt Nam giai đoạn này có sự giống nhau lạ kỳ. Tuy nhiên, sự khác biệt vẫn có thể nhận ra, qua những nét vẽ, màu men và chất liệu, nếu có sự so sánh trên từng tiêu bản và từng sưu tập. Thế nhưng, với chiếc chum này, sự khác lạ rất rõ ràng vì đó là đồ dùng của Hoàng gia với những đặc trưng riêng biệt.
Dường như, vẫn còn sự nuối tiếc, qua một sự hội ngộ bất ngờ giữa quý nhân và quý vật, ông Cục trưởng băn khoăn vì sao, chiếc chum ấy sang Trung Quốc và sang trong hoàn cảnh nào?
Tôi đưa ra một giả thiết, cũng giống như Việt Nam, chiến tranh hoặc nghèo khó, nhiều cổ vật đã ra đi, mà Hàn Quốc cũng một thời như thế, hẳn là nỗi đau của những dân tộc cùng số phận, cần phải sẻ chia, theo đó, những tài sản như thế này, dù ở bất cứ đâu, cũng cần được phát huy tới công chúng như là những giá trị của nhân loại.
Hai cuộc trưng bày cho một chiếc chum trên đây của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam hẳn là điều minh chứng và chắc chắn ông Cục trưởng sẽ mãn nguyện với việc làm này.
TS.Phạm Quốc Quân