Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/11/2013 00:00 592
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đọc lại những ghi chép của sử biên niên về Thăng Long - Hà Nội, ta biết nơi đây đã có bao công trình với quy mô to lớn, “nguy nga, tráng lệ” được xây dựng liên tục suốt từ thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến hôm nay chúng ta thật khó có thể hình dung về diện mạo “huy hoàng” của chúng, khi các công trình đó chỉ còn là vết tích hay vẫn còn nằm ẩn sâu trong lòng đất, chưa đáp ứng được những mong mỏi của nhân dân và càng không thể phản ánh hết những điều được miêu tả trong sử sách.

Chỉ đến những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, giới nghiên cứu khảo cổ, lịch sử - văn hóa Việt Nam đã có những cơ may khi có dịp tiếp cận và nghiên cứu một cách có hệ thống trên phạm vi rộng lớn nhất về khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long - một di tích đặc biệt quan trọng, tiềm ẩn giá trị lịch sử/văn hoá vô cùng to lớn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã tiến hành liên tục nhiều đợt nghiên cứu và khai quật khảo cổ học, có sự tham gia phối hợp của các nhà khoa học liên ngành. Đến nay, nói tới Thăng Long - Hà Nội, chúng ta không chỉ mong muốn được tham quan, tìm hiểu những gì nằm trong bốn bức tường thành cổ Hà Nội mà đã có thể biết được các công trình kiến trúc cùng dấu ấn sinh hoạt Hoàng cung nằm sâu dưới các lớp đất.

Bản đồ thành Hà Nội cổ thời Nguyễn.

Thông qua các đợt khảo sát, thám sát và khai quật, từ các lớp văn hoá, kiến trúc rất phong phú về di tích và di vật, diện mạo của Thăng Long - Hà Nội, với những thuở “vàng son” kéo dài từ thế kỷ 8 - 9 đến tận ngày nay dần hé lộ cùng biết bao vấn đề lịch sử về các triều đại quân chủ Việt Nam, về vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội...

Thực tiễn nghiên cứu và phát hiện khảo cổ học đã đặt ra cho các nhà quản lý, các cấp các ngành vấn đề làm sao có thể quy hoạch tổng thể việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong thời gian tới, khi toàn bộ các phế tích kiến trúc xuất lộ nay mới được bảo quản tạm thời, còn các công trình kiến trúc hiện tồn trên mặt đất cũng đang từng ngày, từng giờ xuống cấp bởi ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết. Chính vì vậy, cần có những khảo sát đánh giá hiện trạng kỹ lưỡng, xác định rõ nội dung cần bảo tồn, tôn tạo, tạo nên sức thu hút khách tham quan, phát huy tốt giá trị di tích. Đã đến lúc cần có những đề án nghiên cứu khả thi, mang tính tổng thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Có lẽ, rồi đây các nhà quy hoạch kiến trúc và quản lý văn hoá sẽ đưa ra nhiều phương án và giải pháp cho từng hạng mục, đơn nguyên kiến trúc cụ thể, song dẫu thực hiện theo phương án nào thì về cơ bản dự án quy hoạch đó cũng phải nắm vững và làm rõ được các lớp văn hoá/kiến trúc tiêu biểu cho các thời kỳ lịch sử của một Thăng Long - Hà Nội cổ kính, mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc nêu trên.

Các dấu ấn văn hoá thời tiền Thăng Long gắn với lịch sử thành Đại La được phát hiện tại khu di tích 18 đường Hoàng Diệu. Nằm dưới các lớp kiến trúc thời Lý - Trần là các vết tích công trình kiến trúc khá lớn, sử dụng gạch bó chữ nhật và chân tảng kê cột cùng nguyên cả các cột gỗ lớn. Tình hình phát hiện đó đã bổ sung cho nhận thức của chúng ta qua ghi chép của sử thành văn về việc dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Tại các điểm khai quật khác ở di tích 18 đường Hoàng Diệu, đều phát hiện được chứng cứ vật chất thời kỳ này nằm sâu trong lòng đất.

Song do phải bảo tồn các lớp kiến trúc thời kỳ sau nên phần lớn các dấu tích của thời kỳ ấy mới chỉ được ghi nhận, dường như vẫn còn khá mờ nhạt. Chúng ta vẫn chưa xác nhận và phục dựng được một đơn nguyên kiến trúc nào. Đây là một vấn đề rất hấp dẫn khi tìm hiểu về lịch sử Thăng Long Hà Nội và cần được tiếp tục nghiên cứu. Chính bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy tác dụng dấu ấn văn hoá thời kỳ này có lẽ trước hết chỉ là ở một vài vị trí trong khu 18 đường Hoàng Diệu như một sự ghi nhận sinh động trên thực địa cùng các tư liệu minh họa bằng hồ sơ, bản ảnh và bản vẽ....

Mặt bằng kiến trúc cung điện Hoàng thành Thăng Long sau khi khai quật khảo cổ.

Đậm đặc và đáng lưu ý hơn cả là việc bảo tồn và phát huy giá trị các dấu tích kiến trúc văn hoá Thăng Long thời Lý - Trần - Lê. Đây là giai đoạn mà gần đây giới khảo cổ học đã có những khám phá quan trọng. Việc nghiên cứu được tập trung ở các điểm di tích như Hậu Lâu, Đoan Môn, Bắc Môn và đặc biệt là đại công trường khai quật 18 đường Hoàng Diệu. Tại đây, đã tìm thấy dấu vết nhiều công trình kiến trúc có quy mô to lớn chính là hệ thống các cung điện, lầu gác nằm ở phía tây điện Kính Thiên, được xác định có liên quan trực tiếp đến vua và Hoàng tộc cùng bộ sưu tập di vật là các loại vật liệu kiến trúc trang trí rồng, phượng và gốm sứ cao cấp cũng như các dấu tích sinh hoạt cung đình. Kết quả nghiên cứu đã xác định và khôi phục phần nào diện mạo một số đơn nguyên kiến trúc liên quan trực tiếp tới khu vực Hoàng thành Thăng Long xưa. Những phát hiện này có giá trị rất to lớn đã nhận được sự đánh giá và ghi nhận của giới nghiên cứu cũng như công chúng trong thời gian qua. Hiện nay, toàn bộ các vết tích kiến trúc văn hoá đang được bảo tồn tại chỗ, việc đề xuất phương án bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị của các vết tích kiến trúc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, làm nức lòng nhân dân cả nước vào dịp Thăng Long - Hà Nội kỷ niệm 1000 năm tuổi.

Nếu như trước đây, dấu ấn thời Lý và Trần còn được phát hiện lẻ tẻ, lại chủ yếu là phát hiện ngẫu nhiên, nên việc bảo tồn cũng như phát huy giá trị là không thể thì nay, thông qua những phát hiện mới này, đã đến lúc chúng ta có đủ cơ sở để xây dựng một bảo tàng ngoài trời với một không gian khá bề thế tới hàng chục nghìn m2. Việc xây dựng bảo tàng ngoài trời sẽ làm phong phú thêm loại hình di tích về Thăng Long xưa trong mối liên hệ với quần thể di tích cận kề như: Cột cờ, Đoan Môn, Bắc Môn, Kính Thiên, Hậu Lâu, chùa Một Cột, các di tích thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội trường Ba Đình, Hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Dấu tích nền móng kiến trúc thời Lý- Trần trong khu di tích Hoàng thành.

Tuy nhiên, việc trưng bày này cũng đòi hỏi được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, không hẳn chỉ bởi không gian lớn, việc xử lý mái nhà che, kính lát, các cấu kiện... mà điều chính yếu là cấu trúc địa tầng nơi đây vốn không ổn định, thường xuyên chịu tác động ngập nước vào mùa mưa, cộng với các lớp kiến trúc/văn hoá chồng chất nên cần có giải pháp đồng bộ cùng với hệ thống thoát nước tốt, bảo dưỡng, bảo quản định kỳ. Tất cả những yêu cầu đó đòi hỏi nguồn kinh phí lớn thường xuyên, với sự hỗ trợ đặc biệt những điều kiện về kinh tế - xã hội.

Từ trước đến nay, nói tới dấu ấn Thăng Long, dường như di tích văn hoá kiến trúc thời Lê được coi là một điểm nhấn với sự hiện diện của điện Kính Thiên với đôi bậc thềm rồng được trang trí tinh xảo thực sự là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho thời kỳ này. Tuy nhiên, dấu ấn Thăng Long - Hà Nội thời Lê không chỉ có vậy. Chúng ta còn tìm thấy vết tích của nhiều công trình kiến trúc có quy mô rất to lớn bấy lâu nằm sâu trong lòng đất, nay mới được khảo cổ học làm xuất lộ.

Cùng với các di tích trên bề mặt, các di tích khảo cổ học đã tạo nên một diện mạo kiến trúc, văn hoá thời Lê vô cùng phong phú với sự xuất hiện của nhiều công trình, mà dấu vết còn lại là các loại hình vật liệu kiến trúc (gạch ngói, các loại trang trí kiến trúc có số lượng rất lớn) cho thấy chúng là các bộ phận cấu thành của các công trình kiến trúc Hoàng cung.

Móng kiến trúc và gia cố chân tảng thời Lý- Trần trong khu di tích Hoàng thành.

Chính bởi sự phong phú của dấu ấn văn hoá thời Lê, nên có thể trước mắt ưu tiên nghiên cứu và đi đến phục hồi điện Kính Thiên trên cơ sở kiến trúc hiện tồn cùng với các tài liệu đối sánh có liên quan (các bản vẽ thời Pháp về khu vực này), đồng thời với việc phục hồi quy mô, bố cục cũng nên từng bước nghiên cứu về nội thất trang trí bên trong của toà điện, mặc dầu đây là một yêu cầu khó bởi chúng ta không có tài liệu liên quan (hay mẫu) làm cơ sở đối sánh... Vì lẽ đó, trước mắt, sau khi được phê duyệt tôn tạo, phục hồi điện Kính Thiên sẽ trở thành nơi trưng bày các di vật khảo cổ học khai quật trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề xử lý trưng bày trong di tích cần lưu ý, không làm ảnh hưởng đến di tích, làm mất đi vẻ đẹp và sự thâm nghiêm.

Ngoài các dấu tích văn hoá thuộc các thời kỳ nêu trên, trong khu Hoàng thành còn có hệ thống các di tích và dấu ấn văn hóa thời Nguyễn, khi Thăng Long đã trở thành tỉnh/thành Hà Nội (Cột cờ, Lầu Công chúa...). Các công trình kiến trúc này hiện đã được tôn tạo khá khang trang, phần nào cho thấy một giai đoạn chuyển đổi từ Thăng Long để thành Hà Nội, ở đó có sự thay đổi về vị trí vai trò, đi liền là sự dịch chuyển, thu hẹp về không gian so với thành Thăng Long.

Những di tích có liên quan đến thời kỳ này còn lại không nhiều. Thật khó để có thể hình dung về quy mô và cấu trúc của thành cổ Hà Nội, trong khi các mặt tây, đông và nam không còn vết tích. Mặc dầu vậy, với các bản vẽ với độ cao của tường thành hiện tồn thì khả năng phục hồi các vòng thành không phải bất khả thi. Tuy nhiên, các phố Lý Nam Đế, Trần Phú đều là khu vực dân cư, khó bề giải toả. Vì vậy, trước mắt cần tập trung nối dài đoạn thành phía bắc cùng với cổng, giúp người xem có thể hình dung đầy đủ hơn phần nào về quy mô của toà thành cổ.

Thềm rồng điện Kính Thiên trong khu di tích Hoàng thành.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến hệ thống các ngôi biệt thự do người Pháp xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20, cũng đã trở thành di sản về một Hà Nội cũ, bên cạnh Hà Nội cổ xưa rất cần được khảo sát, đánh giá hiện trạng để sử dụng làm văn phòng, các chức năng dịch vụ cho thành cổ. Bên cạnh đó là các lô cốt bê tông và trại lính, có lẽ nên phá bỏ tạo sự thoáng đãng cho toà thành...

Trong khu vực Hoàng thành còn có hệ thống các công sở, đặc biệt là nơi làm việc của Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc trải qua thời gian nay cũng trở thành các di tích rất cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, trong không gian thực tế những kiến trúc này tương đối đồ sộ, vì vậy, cần nghiên cứu, khảo sát để đưa ra giải pháp tối ưu như sử dụng một góc, hay mô hình thu nhỏ, để người xem có khái niệm hay sự cảm nhận đủ gây ấn tượng về các di tích đó.

Như vậy, mặc dầu hàm chứa trong mình những giá trị lịch sử to lớn với các lớp văn hoá/kiến trúc, song khu di tích Hoàng thành thành Thăng Long có thể được hiểu gồm hai nhóm loại hình di tích chính cần được bảo tồn:

- Nhóm di chỉ khảo cổ học, bảo tồn tại chỗ/ngoài trời (trong đó đặc biệt nhất là khu di tích 18 Hoàng Diệu và phụ cận).

- Nhóm di tích hiện tồn trên mặt đất (Điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cửa Bắc, Cột cờ, Lầu Công chúa...).

Chúng tôi rất vui mừng khi Hoàng thành Thăng Long đã trở thành thành khu di sản đặc biệt quan trọng, nhiều cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước đã xây dựng những kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo khu di tích Hoàng thành Thăng Long, trong đó đã bao quát và lột tả những giá trị cơ bản lịch sử/văn hoá Thăng Long - Hà Nội. Đây là vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa lịch sử - văn hóa và chính trị to lớn, đã có sự phối hợp liên ngành, tạo nên tính thống nhất về quan điểm, phương pháp xử lý của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để việc trùng tu, tôn tạo đạt được hiệu quả.

Nhân dân thủ đô và cả nước vô cùng tự hào và vui mừng vì trước thềm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã vinh dự trở thành di sản văn hóa được thế giới tôn vinh, là biểu trưng cho lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung và lịch sử Hà Nội nói riêng vô cùng độc đáo, phong phú và hấp dẫn. Việc tiếp tục nghiên cứu, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhằm xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

TS. Nguyễn Văn Đoàn-Phó Giám đốc BTLSQG

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ: