Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/10/2013 17:47 434
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Gốm hoa nâu, người phương Tây thường gọi với cái tên Iron Brown hoặc Inlaid – Brown, hay người Trung Quốc, Nhật Bản vẫn hay dùng là “thiết hội”, ra đời khá sớm ở Việt Nam. Sự hiện diện của những di vật gốm hoa nâu, trong những địa tầng khá chuẩn xác, quanh khu vực thành cổ Hà Nội và trong nhữn khu mộ cổ, có niên đại đáng tin cậy của người Mường ở tỉnh Hòa Bình và Hà Tây, cùng với những thẩm định theo phương pháp so sánh, đối chiếu loại hình, có thể cho phép khẳng định, gốm hoa nâu Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, thế kỷ 11 – 13, với một kỹ thuật khá lạ lẫm trong truyền thống gốm men nói chung và gốm Việt nói riêng.

Ngay từ khi mới khai sinh, gốm hoa nâu Việt Nam đã đượm hơi thở và sức sống của thời đại – một thời đại được mệnh danh là thời kỳ Phục hưng của văn hóa và văn minh Việt, sau đêm trường Bắc thuộc, để rồi “ ta lại là ta ”, chính nhờ vào sự chống trả quyết liệt của văn hóa bản địa trước văn hóa ngoại lai, để bảo tồn truyền thống và sự mềm dẻo tiếp nhận văn hóa bên ngoài, để làm giàu văn hóa nước nhà.

Tính từ thời đại ấy được hiện hình rõ nét qua các sản phẩm nhỏ nhắn, xinh xắn với sự mềm mại, thanh thoát, có phần hơi tỉa tót pha chút rậm rạp trong những đồ án hoa văn, mà đây đó, chúng ta đã gặp trên nghệ thuật điêu khắc đá, hay trên đôi ba tác phẩm kim hoàn cực kỳ hiếm hoi và quý giá được phát hiện trong một ngôi mộ công thời Lý ở Hưng Yên.

Thạp có nắp, gốm hoa nâu thời Lý

Sang thời Trần, thế kỷ 13 – 14, gốm hoa nâu Việt Nam vẫn giữu nguyên kỹ thuật cũ, nhưng lại xuất trình một bộ sưu tập đa dạng hơn, thông qua một tập hợp những di vật khá to lớn, đồ sộ, được sản sinh từ văn hóa “ ăn sóng nói gió ”, mặn mòi sắc thái biển khơi. Đây chính là nhân lõi tinh thần chùm phủ và chi phối lên hầu hết các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, tím ngưỡng, nghệ thuật kiến trúc,….của thời đại này. Gốm hoa nâu thời Trần cũng gặp không ít những chi tiết quen thuộc của hoa sen, hoa cúc, nhưng không mềm mại và tỉa tót như thời Lý. Những hoa văn hình người, muông thú, thủy tộc xuất hiện với tần xuất dầy qua những nét khắc vẽ sống động, đầy chất ngẫu hứng, mang đậm phong cách hội họa giải phẫu.

Bên cạnh yêu tố thời đại, rất nhiều yếu tố và mô típ hoa văn trang trí gốm hoa nâu thời Trần mang đậm hồi âm của quá khứ nghìn năm. Đông Sơn như một tia sáng chói lòa, dọi từ quá khứ, tưởng như bị lãng quên, xuyên qua màn đêm hơn thiên niên kỷ, về góp mặt với nghệ thuật thời đại này, tạo nên một sức sống phục hưng. Đông Sơn như một mạch nước ngầm, tràn đầy khí nóng, chuyển tải nghệ thuật của hơn nghìn năm trước, tươi tắn, hòa quyện với nghệ thuật thời Trần, tạo nên một tinh thần mới – tinh thần “ sát thái ” chống xâm lăng. Tuy nhiên, nếu như trên trống đồng, các họa tiết cũng như các trường cảnh được khuôn cứng trong các băng hẹp, khiến ta có cảm giác chặt chẽ đến bức bối, thì trên hoa văn đồ gốm hoa nâu thời đại này, sự cởi mở, phóng khoáng, không chỉ trên hình họa, mà ngay cả trên bố cục, được mặc sức tung hoành, tưởng như không có sự kiểm soát. Đây chính là nét độc đáo trong hội họa gốm Việt Nam nói chung, mà không chỉ trên gốm hoa nâu.

Thống gốm hoa nâu thời Trần

Đến cuối thời Trần – Lê Sơ (thế kỷ 14 – 15), gốm hoa nâu Đại Việt dần tàn phai, nhường chỗ cho gốm men hoa lam phát triển rực rỡ như một cuộc cách tân của gốm Việt. Những phát hiện về các trung tâm sản xuất gốm ở Hải Dương, cùng với sưu tập gốm trên tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Hội An – Quảng Nam), có thể chứng minh cho nhận định thuyết phục ấy. Thế nhưng, trong cuộc cách tân ấy, gốm hoa nâu lại dường như có một xu thế khác, dần tiếp thu kỹ thuật và hội họa gốm vẽ lam, nhằm đáp ứng quan niệm thẩm mỹ mới và yêu cầu của thị trường. Xét cho cùng, sự chuyển đổi để thích hợp, cũng không nằm ngoài phạm trù cách tân, khiến cho hoa nâu truyền thống mang một sắc vẻ mới, hao hao giống gốm vẽ lam, nhưng vẫn không cự tuyệt với sắc màu truyền thống.

Ang gốm hoa nâu thời Trần - Lê sơ.

Đến thời Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn, tương đương với các thế kỷ 16, 17, 18 và 19, gốm hoa nâu Việt Nam với tư cách là một dòng gốm không còn nữa, nhưng sắc nâu truyền thống dường như không thể tuột khỏi tư duy thẩm mỹ của người thợ gốm Việt. Nó được đạp vụn ra, sắp xếp lại, điểm xuyết trên họa tiết gốm men nhiều màu của thời Mạc, thời Nguyễn, như những thành tố của gốm nhiều màu Việt Nam. Đương nhiên, để có được sự hòa sắc đầy ấn tượng trên đồ gốm thời Mạc, mà ta được chiêm ngưỡng qua các lư hương, chân đèn với sự phối kết màu táo bạo, cũng như sự nhuần nhuyễn của gốm nhiều màu Bát Tràng thời Nguyễn, đọng hằn lại những đôi lọ lục bình, nậm rượu, thì ngay từ thời Trần – Lê Sơ gốm tam thái, ngũ thái với màu đỏ nâu vẽ trên men kết hợp với màu lục, màu vàng, màu xanh coban năng lửa dưới men, vẫn là màu gây ấn tượng trên bảng màu đa sắc ấy.

Cùng với màu nâu được sử dụng trang trí hoa văn, như gốm hoa nâu được phân tích với đôi dòng ít ỏi nêu trên, thì cũng màu nâu gốc ôxit sắt, người thợ gốm còn sử dụng nó như một sắc màu chủ đạo, tạo nên gốm men nâu độc đáo.

Men nâu hoa văn chân chim, và hoa nâu da báo, dường như chỉ là sản phẩm gốm của hai triều đại Lý và Trần, sang đến thời Lê Sơ, không còn nữa, trong khi màu nâu quen thuộc vẫn được sử dụng, thậm chí, sử dụng khá nhiều trong phổ hệ gốm men nâu thời Lê Sơ, để rồi tồn tại đến thời Nguyễn, như một gam màu đầy ấn tượng trong trung tâm gốm Bát Tràng nổi tiếng ở đồng bằng Bắc Bộ.

Cùng với gốm Bát Tràng, Móng cái, Cậy, Ngói, ….Phù Lãng đã làm khơi dậy sắc màu của làng gốm truyền thống Việt Nam.

Có thể nói, gốm Phù Lãng, Kinh Bắc được xem như một bức tượng đài, là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại của dòng gốm men nâu. Màu nâu Phù Lãng được sử dụng chủ yếu trên cái lư hương, chân đèn, có một sắc độ khá đặc trưng, ít ai có thể nhầm lẫn, vì màu nâu ấy được khai thác từ quặng tại chỗ, nên có màu vàng da lươn rất Việt.

Trên cây đại thụ gốm sứ Việt Nam gần 2000 năm tuổi, được vun trồng trên mảnh đất phù sa màu mỡ, tưới tắm từ văn minh các dòng sông, nằm ở vị trí địa lý ngã tư đường, nên gốm sứ Việt nói riêng, văn hóa Việt nói chung, luôn có sự tiếp thu yếu tố ngoại sinh, để làm giàu thêm cho bản sắc truyền thống. Trên gốm hoa nâu, chẳng những ta gặp lại những yếu tố mỹ thuật truyền thống mà còn nhận ra những sắc màu chuyển tiếp của mỹ thuật Champa. Bởi vậy, cây đại thụ gốm Việt có điều kiện phát triển, xum xê tỏa bóng, với những cành nhánh vươn dài, cứng khỏe, mà ta có thể thấy trên gốm hoa nâu, gốm nâu độc sắc, gốm men ngọc, gốm hoa lam…Nhưng, cũng có những cành cộc, chột thui vì nguyên nhân chủ quan và khách quan của lịch sử. Những cành, nhánh ấy đan cài nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình đi lên để tạo ra một bản sắc riêng biệt, có vị trí xứng đáng trên thế giới.

Gốm hoa nâu phải chăng là một trong những cành chủ của cây đại thụ ấy?

Thanh Nhàn (tổng hợp)

Nguồn: Phạm Quốc Quân, “ Gốm hoa nâu Việt Nam từ một góc nhìn ”, Gốm hoa nâu Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Kỳ vọng tìm được nhiều hiện vật quý ở bãi cọc Bạch Đằng

TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Kỳ vọng tìm được nhiều hiện vật quý ở bãi cọc Bạch Đằng

  • 17/10/2013 00:00
  • 316

Viện Khảo cổ học Việt Nam đang tiến hành khai quật tại khu vực bãi cọc Yên Giang (phường Yên Giang) và khu vực cánh đồng thuộc phường Hải Yến, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Nhân dịp này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (LSQG) về sự quan tâm của giới nghiên cứu cũng như công chúng trước một di tích còn rất hạn chế về hiện vật khảo cổ.