Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vừa ra mắt cuốn 'Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn'. Với hình ảnh sinh động, chú giải cẩn thận, dễ hiểu, sách mở ra vẻ đẹp tuyệt vời in đậm dấu ấn mỹ thuật Việt suốt một thời kỳ dài.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vừa ra mắt cuốn 'Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn'. Với hình ảnh sinh động, chú giải cẩn thận, dễ hiểu, sách mở ra vẻ đẹp tuyệt vời in đậm dấu ấn mỹ thuật Việt suốt một thời kỳ dài.
Năm 2007, khi Trần Đình Sơn ra mắt cuốn sách ảnh Những nét đan thanh, giới thiệu 238 hình ảnh đẹp về các loại dĩa trà ký kiểu của người Việt Nam thế kỷ 18-19, các học giả trong nước dành tặng nhiều lời khen cho một nhà nghiên cứu dành trọn tâm huyết quay ngược dòng thời gian để mang vẻ đẹp mỹ thuật cổ Việt Nam đến với người thưởng lãm đương đại.
Không dừng lại ở công trình đầu tiên, ngày 21/2, Trần Đình Sơn tiếp tục ra mắt Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945, do NXB Văn Nghệ ấn hành, khổ 25 x 25,5 cm, được trình bày song ngữ Anh - Việt.
|
Trần Đình Sơn và hai cuốn sách thể hiện sự dày công của ông trong việc sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa Việt Nam qua hình ảnh khảo cổ của các loại đồ sứ ký kiểu. |
Cuốn sách là bộ sưu tập hình ảnh độc đáo đi kèm lời chú thích, diễn giải ý nghĩa về các vật dụng bằng sứ của vua, quan triều Nguyễn: chiếc chén thanh thoát với hoa mai, chim hạc; những bộ ấm trà mang hình ảnh rồng mây uốn lượn đến dĩa, tô khắc những câu văn thơ chữ Hán Nôm độc đáo của một thời kỳ... Dòng thời gian và biến cố lịch sử khiến mỗi sản phẩm phảng phất vẻ đẹp trầm mặc, thanh tao, toát lên phần hồn và tính cách người Việt xưa cũng như quan niệm thẩm mỹ của một thời.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lý giải cụm từ "đồ sứ ký kiểu" được dùng thay cho "đồ sứ men lam Huế", một thuật ngữ vốn không phải do người Việt xưa đặt ra mà do cố học giả Vương Hồng Sển dịch từ cụm tiếng Pháp "bleus de Hue" của một học giả người Pháp say mê nghiên cứu đồ sứ triều Nguyễn.
Trong khi đó, ở cuốn Đại Nam quấc âm tự vị (1895), cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên do Huỳnh Tịnh Của biên soạn, cụm từ "đồ ký kiểu" đã xuất hiện với nghĩa: đồ làm theo kiểu mình gửi. Tên gọi này bắt nguồn từ việc dưới triều Lê - Nguyễn, người Việt thường gửi kiểu vẽ mẫu đồ sứ sang Trung Hoa, Anh, Pháp... để đặt hàng thợ tại đây chế tác. Vào thời ấy, Đàng Ngoài gọi đồ sứ dạng này là "đồ mẫu", còn ở Đàng Trong gọi là "đồ ký kiểu" hoặc "đồ kiểu".
|
Cuốn sách "Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945" do NXB Văn Nghệ ấn hành, khổ 25x25,5 cm, được trình bày song ngữ Anh - Việt. |
Dù đồ sứ của Huế dưới thời Nguyễn phần lớn được đặt hàng từ nước ngoài, cuốn sách của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho thấy những đồ cổ này không phải là đồ Tàu, đồ Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Chúng chính là những sản phẩm của người Việt. Bởi người Việt đã thiết kế chi tiết từng mẫu mã, kiểu dáng gửi sang đặt hàng thợ nước ngoài chế tác. Điều đặc biệt, trên những loại đồ cổ này hầu hết đều được khắc thơ, văn chữ Hán Nôm. Vì thế, chúng trở thành dạng văn bản đặc biệt quý hiếm giúp người đời sau hiểu được tâm tư, tình cảm của tiền nhân.
Vừa in đậm dấu ấn lịch sử lại vừa là vật dụng sinh hoạt hàng ngày của các vua, nên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn chính là một "cánh cửa" mở ra nhiều điều lý thú về ẩm thực, kiểu cách ăn uống của người Việt xưa, và về cả mỹ thuật, văn học.
Trong buổi ra mắt sách tại nhà riêng của Trần Đình Sơn vào ngày 21/2, GS - TS Trần Văn Khê xúc động nói: "Tôi muốn nói lời cảm ơn đến Trần Đình Sơn. Anh đã làm được một công việc hết sức có ý nghĩa trong việc giữ gìn và lưu truyền nét đẹp văn hóa Việt Nam. Cuốn sách này không chỉ dành cho những người mê đồ cổ mà còn dành cho tất cả những ai yêu và muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc".