Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/11/2014 00:00 421
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Vương quốc Champa được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ II sau CN, trên cơ sở phát triển của nền văn hóa Sa Huỳnh, kết hợp với các yếu tố từ bên ngoài, nhất là thương mại và tôn giáo từ Ấn Độ. Có thể nói, Ấn Độ giáo du nhập vào Champa từ khá sớm. Bi ký đầu tiên tìm thấy tại vùng đất Panturankar (Quảng Nam – Đà Nẵng) là bia Bvadravacmani (thế kỷ IV) đã xác định sự ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo Ấn Độ vào vùng đất này. Tuy nhiên, Ấn Độ giáo khi vào Champa đã được bản địa hóa, mang những đặc trưng riêng. Siva là vị thần đầy uy thế trong lịch sử tôn giáo – tín ngưỡng Chăm và người Chăm có sự ưu ái đặc biệt với thần Siva: các văn bia cổ khắc chữ Phạn (Sanskrit) trong thung lũng Mỹ Sơn đã tôn Siva là “chúa tể của muôn loài”, “là cội rễ của nước Champa”. Với 128 bia ký quan trọng của Champa mà hiện nay được biết, thì có đến 92 thuộc Siva giáo, 5 nói về Brahma, 7 nói về Phật, 3 nói về Vishnu, điều này chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của thần Shiva trong đời sống của người dân vương quốc cổ.

Hầu hết hình tượng thần Siva trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa đều được tạo tác từ nguồn sa thạch có kết cấu bền chắc nên việc thể hiện các đường nét hoa văn tinh xảo như kiểu tượng Khmer và Java là một điều khó khăn. Các pho tượng Siva Champa phần lớn có dáng gồ ghề, tập trung thể hiện ở mặt trước, sau lưng còn nguyên cả khối đá với những nhát đục chưa hoàn thành. Đề tài về Siva thường thể hiện độc lập, đây cũng là một đặc trưng bản địa hoá trong văn hoá Chăm. Thần Siva (theo nghĩa tiếng Phạn là “tốt lành”) là một trong ba vị thần chính của Ấn Độ giáo. Từ đó phát sinh ra những trường phái khác nhau, có phái thờ thần Shiva, phái thờ thần Vishnu, phái thờ thần Brahma. Ấn Độ giáo thừa nhận Shiva là một vị thần có chức năng hủy diệt, tuy nhiên hủy diệt ở đây phải được hiểu một cách biện chứng linh hoạt, nghĩa là hủy diệt để sáng tạo rồi bảo tồn. Vì vậy, đôi khi Siva lại mang cả chức năng sáng tạo và bảo tồn. Có thể nói, thần Siva là một tính cách của phức tạp và mâu thuẫn tồn tại bên nhau một cách hợp lý và thống nhất. Theo thần thoại nguyên thuỷ, hình thức khởi đầu của Shiva là cột lửa hình Linga (dương vật), qua đó hình tượng Siva được tôn thờ với nhiều hình thức khác nhau: dưới dạng nhân hình (hình người) và dưới dạng biểu tượng Linga hoặc Mukhalinga (linga có mặt người). Trong văn hóa Champa, thần Siva là hình tượng được tôn sùng mạnh mẽ nhất và được phản ánh đậm nét trong nghệ thuật điêu khắc đá với số lượng khá lớn tượng và phù điêu, kéo dài qua nhiều giai đoạn với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Phù điêu thần Siva thuộc phong cách Tháp Mẫm hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia là một tác phẩm vô giá, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc đá Champa vào thế kỉ 12.

Tượng thần Siva thế kỷ 12 hiện vật khai quật tại Tháp Mẫm.

Thần Siva trên phù điêu thuộc phong cách Tháp Mẫm (thế kỷ 12) được tạc với dáng hình một vũ nữ, đầu đội mũ hình chóp có 3 tầng, đang ngồi trong tư thế hai chân chùng xuống. Thần có bốn tay, một tay cầm đinh ba, một tay cầm kiếm, hai tay chụm nhau giơ lên khỏi đầu như đang cầu nguyện trong tư thế rất đặc biệt; ở hai tay còn lại, tay trái cầm cây đinh ba có cán, tay phải cầm một thanh kiếm. Cổ tay và hai cánh tay cũng được trang trí nhiều vòng trang sức, hai tai chảy dài đến cằm và đeo những vòng trang sức, đặc biệt cổ thần Shiva đeo cườm nổi. Đầu thần đội miện có gắn những hạt cườm chạy quanh trên đỉnh miện. Khuôn mặt thần được tả chân một cách đặc biệt. Vẻ đẹp của thần được nhấn mạnh với đôi mắt hơi xếch, mở to. Thần Siva có 3 mắt, mắt thứ nhất tượng trưng cho mặt trời (ban ngày), mặt thứ hai tượng trưng cho mặt trăng (ban đêm). Ngoài hai con mắt chính, giữa trán có đính huệ nhãn - đó là con mắt thứ ba để thần nhìn thấu suốt về cuộc sống hiện tại và tương lai. Hai hàng lông mày của thần được kéo dài từ tâm trán đến vành tai, hai tai chảy dài đến cằm và đeo những vòng trang sức. Quanh bụng thần Siva đeo một vòng cườm, phần dưới có đeo một dây thắt lưng và mặc sampot chảy dài từ bụng đến gót chân, giống hình chiếc lưỡi uốn cong. Đây là đặc trưng trang phục trong điêu khắc tháp Mẫm. Trên sampot được trang trí những hoa văn hình tam giác và hình zích - zắc, loại hoa văn ngày nay vẫn còn lưu lại trên vải dệt của một số dân tộc ít người ở cao nguyên miền Trung Việt Nam. Phía sau lưng thần là một tấm dựa lưng được trang trí theo hình ngọn lửa, đây là một bố cục mới lạ trong điêu khắc Champa mà trước đó chưa hề thấy xuất hiện. Bắp tay trên có trang trí hình lá đề thể hiện cho quyền uy và sức mạnh của thần Siva. Việc thần Siva ở đây được thể hiện dưới dạng một vũ nữ nói lên vai trò của người phụ nữ trong xã hội rất quan trọng, nó biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, cho tín ngưỡng phồn thực cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân Champa.

Phù điêu thần Siva có 4 tay thuộc phong cách Tháp Mẫm hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong những tác phẩm đẹp và có giá trị, góp phần làm phong phú kho tàng nghệ thuật điêu khắc Champa mang phong cách tháp Mẫm - đó là giai đoạn mà nền điêu khắc Champa đạt đến trình độ cao trong cách tả thực, làm phong phú thêm cho sự hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Phan Thị Chiên (Phòng GDCC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: