Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/11/2014 00:00 473
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước nên cuộc sống định canh định cư đã được định hình từ lâu trong đời sống của cư dân nông nghiệp, và cũng chính vì vậy mà ngôi nhà có một giá trị đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Việt. Ngôi nhà chính là tổ ấm bảo vệ con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên và là yếu tố đảm bảo cho một cuộc sống ổn định lâu dài. Ngôi nhà không chỉ phản ánh đời sống vật chất mà còn phản ánh đời sống tinh thần phong phú của cư dân nước ta.

Qua những tư liệu lịch sử, khảo cổ học cho thấy, ngay từ thời văn hóa Đông Sơn, với địa lí, khí hậu vùng nhiệt đới, nguyên liệu tự nhiên sẵn có như: gỗ, tre, nứa, lá... cư dân Đông Sơn đã dựng nên những ngôi nhà phù hợp với khí hậu nhiệt đới của nước ta thời kỳ này, đó là nhà sàn và nhà đất. Những ngôi nhà cư dân Đông Sơn thường được dựng trên những gò đất cao bên dòng sông, ở đồng bằng hoặc rải rác ở vùng trước núi gần nguồn nước để đón khí hậu trong lành, tránh lũ lụt, thú dữ, thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi, và đặc biệt là nơi mở hội (cúng tế, vui chơi), giao thông thuận tiện... Những nơi cư trú của cư dân Đông Sơn thường không giống nhau. Có những địa điểm rộng tới hàng chục vạn mét vuông như ở di chỉ Chính Nghĩa (Việt Trì, Phú Thọ); Đông Sơn, Núi Sỏi (Thanh Hóa)... song có những địa điểm chỉ rộng vài nghìn mét vuông như ở di chỉ Hữu Châu (Thanh Oai, Hà Nội), Phú Hậu (Lâm Thao, Phú Thọ)...

Cột nhà sàn, văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 – 2.000 năm.

Khi nghiên cứu về kiến trúc cư trú của cư dân Đông Sơn, cũng như Thời đại Hùng Vương, nhiều tác giả đã cho rằng: Nhà ở trong nơi cư trú của cư dân Đông Sơn là nhà sàn. Kiểu nhà này rất thích hợp với điều kiện ở trên nền đất dốc và sống giữa cây rừng, cùng thiên nhiên nhiệt đới gió mùa của người thời Hùng Vương. Nguyên liệu làm nhà là gỗ, tre, nứa. Đặc điểm của nhà là kiểu kiến trúc tựa vào bộ khung cùng mái cong hình thuyền và sàn thấp, đuôi mái gối sát sàn nhà, thang lên nhà đặt ở mặt trước nhà. Cạnh nhà ở, có cả nhà kho. Đó cũng là nhà sàn, thấp, tròn, mái hình mui thuyền. Có thể cũng có nhà trệt đất, với bếp đun đào khoét ngay trên nền nhà được phát hiện ở di chỉ Văn Điển (Hà Nội), Gò Mun ( Phú Thọ), Thiệu Dương (Thanh Hóa)...

Đặc biệt, qua hai chiếc cột nhà sàn được phát hiện tại di tích Đông Sơn (Thanh Hóa) năm 1939 và năm 1959 cùng những hình khắc trang trí trên trống đồng hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là minh chứng rõ ràng nhất về kiến trúc nhà ở của cư dân Đông Sơn thời kỳ này.

Hai chiếc cột nhà sàn có chiều cao 3m và 5m, là những hiện vật quý và hiếm. Cột nhà sàn được làm bằng chất liệu gỗ lim, một loại gỗ có độ bền vững phù hợp với chức năng kết cấu chính, tạo sự vững chắc cho ngôi nhà. Trên thân cột có nhiều vết đục đẽo để bắc sàn làm nhà.

Dựa trên hình ảnh nhà sàn trang trí trên trống đồng còn cho thấy, nhà sàn văn hóa Đông Sơn gồm 2 loại, đó là nhà sàn mái cong hình thuyền, nhà sàn mái tròn. Những hình trang trí ở ngôi nhà sàn mái cong rất độc đáo, ở hai bên đầu nóc nhà sàn có trang trí hình đầu chim, bên trong nhà là những người đánh trống, thổi kèn,... qua đó cho thấy nhà sàn không chỉ là nơi cư trú, sinh hoạt mà còn là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa tinh thần của cư dân Đông Sơn thời kỳ này. Hơn nữa, những ngôi nhà sàn thường có mái cong hình thuyền bởi con thuyền có vai trò quan trọng trong cuộc sống của cư dân Đông Sơn như: phương tiện đi lại chủ yếu sử dụng trong chiến đấu, trong phương thức mai táng với mong muốn những chiếc thuyền sẽ đưa họ về thế giới bên kia...

Tại di tích Đông Sơn, đã phát hiện nhiều di vật bằng đồng như: thạp, rìu, giáo, và nhiều mảnh gốm... chứng tỏ sinh hoạt, sản xuất chủ yếu được tập trung ở nhà sàn.

Những ngôi nhà sàn mái cong vút hình dáng con thuyền là kiến trúc độc đáo của văn hóa Đông Sơn, mà ngày nay hình dáng của nó người ta còn nhận ra qua các ngôi đình người Việt như đình Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội), đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội)... cũng như loại hình nhà sàn vẫn còn hiện diện ở nhiều dân tộc cư trú trên dải đất Việt Nam.

Ở miền Bắc, đó là ngôi nhà sàn người Mường (Hòa Bình), người Tày (Yên Bái)... Nguyên liệu để dựng nhà sàn gồm nhiều loại gỗ quý như: gỗ trai, chò chỉ, nghiến, sến, táu, dổi, de, đinh, lát... Ngoài gỗ để làm các chi tiết chính, nhà sàn còn được sử dụng các loại tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách... Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông nhưng phổ biến là tròn; chân cột thường được chôn xuống đất nhưng cũng có nơi dùng các hòn đá tảng để kê. Việc dựng ngôi nhà sàn cần rất nhiều công phu. Để chuẩn bị đủ nguyên liệu: cột, ván, sàn, cọ... người ta phải vào rừng sâu, lên núi cao để kiếm tìm loại gỗ tốt lâu năm. Thời gian lo nguyên liệu có thể vài ba tháng nhưng cũng có khi tới cả vài năm. Nhà sàn có diện tích sử dụng rất lớn, chia thành các gian và mỗi gian đều có chức năng riêng: Gian giữa dùng làm bàn thờ, để cầu nguyện ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình an lành, ấm no và hạnh phúc. Còn các gian phụ được dùng để sinh hoạt, để đồ đạc… Diện tích sử dụng những ngôi nhà sàn cũng thể hiện địa vị xã hội, sự giàu có của chủ nhân ngôi nhà. Nơi đây không chỉ gắn liền với phong tục tập quán, sinh hoạt thường ngày của người dân mà trở thành nơi bà con trong dòng tộc gặp gỡ đoàn tụ, hội họp, lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần trong cuộc sống. Vì thế, ngôi nhà sàn có giá trị tinh thần thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người.

Vết tích nhà sàn ở di chỉ Bưng Thơm (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Ở miền Trung, đó là vết tích nhà sàn của cư dân Champa được phát hiện ở Duy Xuyên (Quảng Nam) và những ngôi nhà sàn của người Chăm H’Roi ở Bình Định hay các dân tộc ở Tây Nguyên ngày nay, cho thấy loại hình nhà sàn vẫn được cư dân các tỉnh miền Trung Việt Nam ưa chuộng sử dụng. Người Chăm H’Roi cũng rất chú trọng đến độ bền vật liệu, thông thường họ chọn các loại gỗ tốt như xay, kiền kiền, trắc, muồng ... để dựng nhà. Về cấu trúc, nhà sàn người Chăm H'Roi thường có hình dáng vuông, cân đối. Trong kết cấu nhà, họ chú trọng đến bộ mái và nóc nhà; hai mái nhà được liên kết với nhau thông qua đòn nóc đẽo gọt công phu. Hai mái có độ dốc lớn để chống mưa gió. Người Chăm cho rằng, nóc là biểu tượng của ngôi nhà. Sự tồn tại của nóc nhà là sự tồn tại của ngôi nhà. Cửa sổ được trổ ở hai phía đầu hồi nhà. Bước lên cầu thang là một khoảng sân hẹp lộ thiên trông như một cái hành lang. Khoảng sân này ngoài dùng để phơi phóng còn có tác dụng làm cho ngôi nhà thêm xinh xắn...

Ở miền Nam, các di tích nhà sàn được phát hiện có niên đại khá sớm cách ngày nay khoảng 2.500 – 2.000 năm. Từ văn hóa Đồng Nai trong di tích Bưng Thơm (Bà Rịa, Vũng Tàu) và một số di tích ở ND11 TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai... đã phát hiện những nền, kết cấu nhà sàn cùng một số di vật khác cho chúng ta thấy được nhà ở đây thường là loại nhà sàn thấp, có thềm sân nhỏ được bó bằng cọc ngắn, của nhà quay ra hướng Đông, gắn với các rạch nước. Kết cấu nhà ở đây khá đơn giản, bao gồm hệ cọc đỡ sàn và cột gác mái bằng cành hoặc thân cây nhỏ đường kính dưới 25cm. Sàn và mái cũng là những cành cây, thân cây nhỏ hoặc ván... liên kết với hệ cọc đỡ sàn hoặc cột gác mái bằng dây buộc kết hợp với mộng ngoàm hoặc chạc cây tự nhiên hình chữ “Y”. Mái và vách quanh nhà nhiều khả năng được che chắn bằng lá dừa nước...

Một phần kết cấu của nhà sàn, ở di chỉ Bưng Thơm (Bà Rịa – Vũng Tàu), văn hóa Đồng Nai, cách ngày nay khoảng 2.500 – 2.000 năm.

Những ngôi nhà sàn không chỉ hiện diện ở nhiều dân tộc cư trú ở Việt Nam mà còn khá phổ biến ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, cho thấy nét tương đồng trong kiến trúc nhà ở của cư dân trong khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng.

Những ngôi nhà sàn không chỉ phản ánh môi trường sinh sống của cư dân Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm mà đến tận bây giờ ngôi nhà sàn vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Cho dù cuộc sống có nhiều thay đổi, những những nếp nhà sàn vẫn hiện diện như để lưu giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan ( Phó trưởng phòng GDCC)

CN Phạm Thị Huyền ( Phòng GDCC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: