Tạp chí Cổ vật tinh hoa, số 4 năm 2014 (trang 32 – 39), có đăng bài của Nguyễn Đình Chiến và Lê Thị Thanh Hà về sưu tập đồ sứ vẽ nhiều màu Nhật Bản. Trong sưu tập có khá nhiều hiện vật, với nhiều loại hình, kiểu dáng và đề tài trang trí. Tuy nhiên, tôi đặc biệt lưu tâm tới ba chiếc đĩa, được các tác giả xếp vào kiểu 9a, 9b và 9c, do Bộ Tài chính Việt Nam bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1959, sau một năm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được đổi tên từ Bảo tàng Loui Finot, thời thuộc Pháp.
Tôi cũng chẳng mấy quan tâm tới kiểu dáng của những chiếc đĩa này, mà muốn bàn đến những vấn đề bài viết nêu trên chưa đề cập:
Đây là những chiếc đĩa vẽ nhiều mầu, nung nhẹ lửa, được sản xuất ở Nhật Bản, tại lò Arita vùng Saga, thuộc trung tâm gốm sứ Hizen, đảo Kyushu – hòn đảo lớn thứ ba trong bốn hòn đảo lớn nhất Nhật Bản.
Nói là Arita, nhưng Arita có tới ba dòng gốm: Arita Nabeshima, Arita – Mikawachi và Arita – Koimari. Tôi cho rằng, những chiếc đĩa trên thuộc dòng Arita – Koimari. Sản phẩm Arita – Koimari chủ yếu là sứ men trắng vẽ lam, nhưng đậm đặc và lâu dài hơn cả vẫn là gốm sứ vẽ nhiều màu.
Ở thời kỳ đầu, gốm sứ vẽ nhiều mầu Koimari có phong cách trang trí thô cứng và khuôn mẫu do ảnh hưởng của hoa văn đồ dệt trên vải truyền thống Nhật Bản. Những đường viền bằng vàng, bạc làm cho những họa tiết đơn điệu và thô cứng, dẫu có tăng thêm phần sang trọng cho đồ sứ Koimari, nhưng đã tiêu tốn đáng kể đến kho kim loại hiếm quý này của Nhật Bản lúc đương thời.
Dần dần, gốm sứ vẽ nhiều màu Koimari đã quan tâm khai thác những loại hoa văn đa dạng hơn, ngoài dệt, đó là những hình động vật (chim trĩ, hạc, cá, mèo, chuột) và những con vật thần thoại (rồng, phượng). Đề tài thực vật, mang tính truyền thống của Nhật cũng được lưu ý (hoa cúc, hoa anh đào, lá đỏ). Thiên nhiên, mây trời, sông núi, nhà cửa…cũng được phản ảnh trên gốm sứ màu Koimari.
Với lối vẽ trên ba chiếc đĩa này cùng với sắc màu và chất liệu xương và độ nung gốm, tôi càng tin chúng thuộc sản phẩm giai đoạn sau của Arita – Koimari. Tuy nhiên, đề tài trang trí phong cảnh, lầu gác và các thiếu nữ mang y phục Nhật Bản giữa vườn hoa cúc và đàn chim, hay phong cảnh Phú Sĩ với lầu các, nhân vật và nhà mái tranh nép mình ở chân núi Phú Sĩ lại là một loại, thuộc đẳng cấp khác của sản phẩm, mà tôi sẽ nói tới ở phần sau.
Giai đoạn sau của sứ màu Koimari – Arita là vào thời Minh Trị (1868 – 1912). Đây là thời kì duy tân, có ý nghĩa cách mạng trong lịch sử thời cận thế Nhật Bản, với nhiều cải cách toàn diện, mở ra cho nước này sự phát triển hùng cường. Ba chiếc đĩa trên đây chính là sản phẩm của thời đại hùng cường ấy.
Nguồn gốc, xuất xứ của ba chiếc đĩa là vậy, qua đôi dòng tóm tắt. Thế nhưng, câu chuyện của ba cổ vật này, không dừng lại ở đó. Chúng đi xa hơn, qua dòng ghi chép ngắn ngủi rằng, Bộ Tài chính chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 1959.
Như chúng ta đã biết, hiện vật liên quan tới Bộ Tài chính bàn giao là thuộc Hoàng cung triều Nguyễn, có ngọn nguồn từ việc đoàn chính phủ nước Việt Nam mới, do cụ Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận dẫn đầu vào kinh thành Huế nhận bàn giao ấn tín của vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của lịch sử phong kiến Việt Nam. Ngoài ấn tín, còn khá nhiều bảo vật Hoàng cung. Trên đường từ cố đô ra Hà Nội thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bộ sưu tập buộc phải nằm lại tại các kho dã chiến ở vùng tự do, để rồi, sau 9 năm, mới ra tới Hà Nội, Bộ Tài chính trông coi, quản lý bộ sưu tập này thời gian ngắn, sau đó, đã chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, như đã nói tới ở trên.
Năm 1962, một chiếc ấn vàng đã “không cánh mà bay” xảy ra ở bảo tàng này, cùng với sự kiện máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, sau đó gần 2 năm, do vậy, Chính phủ quyết định phải gửi toàn bộ kho báu vật này vào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Những người thực hiện chỉ quan tâm tới vàng, bạc, ngọc, ngà của kho bảo vật, nên ba chiếc đĩa nằm lại ở bảo tàng, khiến cho Nguyễn Đình Chiến và Lê Thị Thanh Hà, trong bài viết của mình, chưa quan tâm tới sự lưu lạc ấy.
Tôi đoán chắc, sẽ còn nhiều sự lưu lạc tương tự, cần Bảo tàng Lịch sử quốc gia tra cứu để trả về vị trí vốn có của chúng.
Vậy là, ba chiếc đĩa trên đây là cổ vật Hoàng gia triều Nguyễn. Sẽ có hai kịch bản đối với ba bảo vật này:
Đó là đồ dùng của Hoàng gia triều Nguyễn mua, do rung động trước sự lộng lẫy, cao sang của gốm sứ Nhật Bản được xuất khẩu sang Việt Nam và các nước thời bấy giờ. Tôi không mấy tin vào kịch bản này, vì đồ gốm sứ xuất khẩu Nhật không mấy có đề tài đầy chất phương Đông như ba chiếc đĩa trên. Chúng chủ yếu có hình dáng và đề tài Tây phương, do những đơn đặt hàng từ Châu Âu và Nam Mỹ.
Đó là đồ của vua Minh Trị tặng cho Hoàng gia triều Nguyễn Việt Nam, giống như bao thông lệ của vua chúa, vẫn thường làm với các quốc gia lân bang, thân cận. Đề tài trang trí trên ba chiếc đĩa mang tính cung đình Nhật Bản, càng làm cho tôi tin kịch bản này đã xảy ra trong lịch sử.
Như thế, giá trị của ba chiếc đĩa trên đây không chỉ là đồ gốm sứ Nhật Bản. Đó là quà tặng của vua Minh Trị cho Hoàng gia triều Nguyễn. Ý nghĩa vật thể và phi vật thể của chúng sẽ tăng lên bội phần, chứ không phải là những cổ vật đơn thuần.
TS. Phạm Quốc Quân