Trong số các vị vua Lê sơ an táng ở rừng Lam Sơn, hiện nay lăng mộ của vua Lê Nhân Tông vẫn chưa xác định được vị trí. Từ đầu thế kỷ 20, các học giả người Pháp như Cadière, Gaspardone và Bezacier đã quan tâm khảo sát và tìm hiểu vị trí lăng mộ Lê Nhân Tông khi đó đã không còn chút vết tích.
Trong số các vị vua Lê sơ an táng ở rừng Lam Sơn, hiện nay lăng mộ của vua Lê Nhân Tông vẫn chưa xác định được vị trí. Từ đầu thế kỷ 20, các học giả người Pháp như Cadière, Gaspardone và Bezacier đã quan tâm khảo sát và tìm hiểu vị trí lăng mộ Lê Nhân Tông khi đó đã không còn chút vết tích.
|
Toàn cảnh khu lăng mộ |
Trong khi tìm hiểu Bezacier được người dân trong khu vực chỉ dẫn đến khảo sát ở khu vực đồi Luồng, thuộc làng Dao Xá, nằm cách khu trung tâm Lam Kinh khoảng gần 1km về phía đông bắc. Mặc dù không tìm thấy vết tích gì, song Bezacier cho nhiều khả năng lăng mộ vua Lê Nhân Tông ở khu vực này.
Trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học, phục vụ trùng tu - tôn tạo khu di tích Lam Kinh, việc xác định vị trí lăng mộ vua Lê Nhân Tông, nhằm khôi phục đầy đủ hệ thống lăng mộ các vua và Hoàng hậu thời Lê sơ đã trở nên cấp thiết.
Khi tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi cho rằng hệ thống lăng mộ các vua ở Lam Kinh được bố trí theo trật tự hàng chiêu - mục (trái - phải), lấy lăng mộ vua Lê Thái Tổ làm chuẩn, và như vậy Mục lăng của vua Lê Nhân Tông sẽ nằm về phía tây. Trên cơ sở đó chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực địa và chọn khu vực Đồi Xà Cừ thám sát tìm lăng mộ Lê Nhân Tông. Đây là quả đồi nằm ở phía tây khu trung tâm Lam Kinh, có nhiều cây xà cừ và lim, phía trước là hồ Tây, sau là lăng mộ Lê Hiến Tông và rừng lim cổ thụ. Kết quả thám sát chỉ tìm thấy một số vật liệu và trang trí kiến trúc, còn dấu tích liên quan đến lăng mộ tuyệt nhiên không có. Như vậy, ghi chép của sử sách về Mục lăng của vua Lê Nhân Tông vẫn còn là ẩn số ? và phân bố theo trật tự chiêu - mục trên thực địa vẫn chưa được lý giải.
Cùng với việc thám sát ở khu Đồi Xà Cừ, công việc khảo sát được tiến hành ở khu vực đồi Luồng, đã phát hiện được những viên gạch dạng múi bưởi xây hầm mộ, đặc biệt là những mảng hợp chất xây hầm mộ.
Đồi Luồng là quả đồi dạng "bát úp" khá phổ biến ở miền địa hình nơi đây, nằm gần khu vực các lăng mộ của vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông và Hoàng Hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Dưới chân các quả đồi này là hệ thống sông suối cổ, nay vẫn còn vết tích. Phía trước là hồ Đẻn, phía sau là núi Trọc hay núi Choé, nhân dân trong vùng còn lưu truyền câu “Đầu gối núi Choé, chân đạp cửa Khâu” phản ánh tư duy phong thuỷ khi chọn đất xây cất mồ mả. Cửa Khâu nay là cánh đồng thuộc làng Dao Xá, xã Xuân Lam. Đây vẫn còn một con suối nhỏ nhập với dòng chảy của sông Ngọc đổ ra sông Chu qua cầu Trê (Đầm), đầu kia nối với hồ Đẻn (hồ Phú Lâm). Theo lời kể dân gian thì vào khoảng đầu thế kỷ 20, nơi đây còn có bia mộ ?, sau đó bia bị ném xuống hồ này. Phía xa là núi Choé hay núi Trọc.
Như vậy, kết quả khảo sát khảo cổ học cùng với tài liệu dân tộc học đã cho phép dự đoán về vị trí lăng mộ vua Lê Nhân Tông ở khu vực đồi Luồng là có cơ sở. Tuy nhiên, dường như vẫn cần có thêm những chứng cứ bổ sung (ảnh).
Tháng 10 năm 2004, trong khi nạo vét và tôn nền làm đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua khu Lam Kinh (Thọ Xuân - Thanh Hoá) công nhân Đội 12 (Tổng Công ty xây dựng đường Hồ Chí Minh) đã phát hiện được con rùa đá đội bia, nằm sau 0,7m ở đỉnh đồi Luồng. Rùa thuộc loại nhỏ, đã vỡ mất đầu, dài còn lại 1,05m, rộng 0,94m, lỗ ngõng cắm bia kích thước 46 x12,5 x15cm (sâu). Đá vôi màu trắng xám, rùa 4 móng.
|
Rùa đội bia mới phát hiện ở đồi Luồng |
Khu vực phát hiện thuộc địa phận thôn Phú Lâm, khu vực giáp ranh với Lam Sơn. Nơi đây có truyền thuyết, nơi có bia đá, tượng con giống thì thuộc về đất thuộc Lam Sơn, còn không có là thuộc đất làng Phú Lâm (truyền thuyết này gợi nhớ cuộc xung đột giữa họ Lê (Lợi) và họ Đỗ (Phú), làng Choán và làng Rào...). Có lẽ chính vì vậy mà vào khoảng đầu thế kỷ 20, người dân làng Phú Lâm đã đập phá con giống, còn văn bia thì đạp đổ và vứt xuống hồ Đẻn (hồ Phú Lâm).
Việc phát hiện được rùa đá đội bia đã cho thấy những giả thiết và suy luận về vị trí lăng mộ vua Lê Nhân Tông ở khu vực đồi Luồng là có cơ sở.
Từ kích thước của rùa, có thể xác định kích thước của bia thuộc loại nhỏ, tương đương với bia mộ vua Lê Thái Tông.
Nếu như vị trí lăng mộ vua Lê Nhân Tông nằm ở đồi Luồng, thì rõ ràng hệ thống lăng mộ Lam Kinh trên đại thể đã tuân thủ trật tự hàng chiêu - mục, còn lăng mộ vua Lê Nhân Tông là ngoại lệ. Có thể lý giải trường hợp này bởi cái chết không bình thường của ông, bị Nghi Dân giết hại và cướp ngôi.