Bản Chiềng thuộc huyện Nong Han, tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan. Vào những năm 60 – 70 của thế kỷ 20, di chỉ Bản Chiềng đã được phát hiện và khai quật. Số lượng hiện vật thu được ở đây rất lớn bao gồm các chất liệu đá, gốm, đồng, sắt, thủy tinh và xương. Di chỉ Bản Chiềng trở nên nổi tiếng và có vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu thời đại Kim khí ở Đông Bắc Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Bản Chiềng thuộc huyện Nong Han, tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan. Vào những năm 60 – 70 của thế kỷ 20, di chỉ Bản Chiềng đã được phát hiện và khai quật. Số lượng hiện vật thu được ở đây rất lớn bao gồm các chất liệu đá, gốm, đồng, sắt, thủy tinh và xương. Di chỉ Bản Chiềng trở nên nổi tiếng và có vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu thời đại Kim khí ở Đông Bắc Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Những đồ gốm vẽ màu lạ và đẹp mắt tìm được trong di chỉ này đã thu hút sự chú ý của mọi người và nhanh chóng trở thành biểu trưng của văn hóa Bản Chiềng.
Tháng 10 năm 2005 cùng với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Thừa Thiên – Huế, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiếp nhận 3 chiếc bình gốm màu Bản Chiềng do ông Nguyễn Tấn Phước – Việt kiều tại Thụy Sĩ, hiện là Giám đốc Bảo tàng Asia- Africa tặng. Ba chiếc bình gốm này đều được vẽ màu đỏ nâu tren nền trắng ngà hoặc vàng nhưng với 3 kiểu dáng và trang trí khác nhau.
1. Bình mang số đăng ký LSb 32777 có vành miệng loe rộng, thân hình quả trứng, chân đế cao, hơi loe và lõm sâu. Vành miệng, trôn và phần trong chân đế tô đỏ nâu. Quanh thân và chân đế trang trí nhiều đường chỉ đỏ. Kích thước: đường kính miệng 21cm; đường kính đế 17,5cm; chiều cao 24cm.
2. Bình số LSb 32778 có miệng loe, cổ eo cao, thân hình cầu, đế tròn hơi lõm và không chân. Vành miệng, vai và 1/3 thân dưới tô đỏ nâu. Quanh cổ vẽ nhiều đường chỉ đỏ và băng chữ S nằm ngang bằng những họa tiết đường cong uốn lượn mềm mại. Kích thước: đường kính miệng 15,7cm; đường kính đế 6cm, chiều cao 21,5cm.
3. Bình số LSb 32779 có miệng hơi loe, cổ ngắn, thân hình cầu, chân đế cao, loe rộng và lõm sâu. Quanh cổ và chân đế vẽ 3 băng vạch thẳng hướng tâm. Thân trang trí các ô gần hình quả trám được tạo bởi các đường cong uốn lượn bên trong vẽ nhiều hình cánh hoa lồng. Kích thước: đường kính miệng 12,5cm, đường kính đế 13cm; chiều cao 16,6cm.
|
|
Về niên đại của 3 chiếc bình này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Khi mới phát hiện, trong cuốn “Thai Ceramics from the Art gallery of South Australia”, Adelaide, xuất bản năm 1977, Dick Richards cho rằng loại gốm vẽ màu này có niên đại khoảng 3000 năm trước CN. Thời gian sau, nhiều tác giả nghiên cứu về khảo cổ Đông Nam Á đã nghi ngờ, cho rằng niên đại trên là quá sớm. Với bài “Xem xét lại niên đại Bản Chiềng” (The Ban Chiang chronology revised) (trong Kỷ yếu của Hội nghị lần thứ nhất các nhà Khảo cổ học Đông Nam Á ở Tây Âu – Viện Khảo cổ học – Trường Đại học Luân- đôn do BAR International series xuất bản năm 1990, trang 125) Joyce White cho rằng niên đại là 300 trước CN đến 100 năm sau CN. Năm 1991, Ban Khảo cổ, Vụ Nghệ thuật Thái Lan xuất bản cuốn “Ban Chiang Heritage” cũng cho rằng niên đại loại gốm vẽ màu này là 300 năm trước CN đến 200 sau CN. Hai tác giả Charles Higham và Rachaine Thosarat trong cuốn “Prehistoric Thailand from Early settlement to Sukhothai” do River Books xuất bản năm 1998, trang 184 cho rằng niên đại không thể quá 1000 năm trước CN.
Ba chiếc bình gốm quý này đã bổ sung hiện vật cho kho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giúp các nhà nghiên cứu có thêm tiêu bản để so sánh, đối chiếu với nền văn hóa bản địa Việt Nam thời Tiền sử và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.