Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/09/2013 00:00 390
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Xây dựng bản đồ khảo cổ (BÐKC) là mắt xích quan trọng đầu tiên trong việc ngăn chặn tình trạng xâm hại di tích khảo cổ bởi nhu cầu phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh… Theo kế hoạch, đến tháng 6.2014, BÐKC Bình Ðịnh sẽ hoàn thành.

Cần thiết và ý nghĩa

Bình Định là một trong những địa phương có mật độ di tích phân bố dày và trải khắp tỉnh, đặc biệt là di tích văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa - đối tượng nghiên cứu chính của ngành khảo cổ. Trước tác động của môi trường, thiên nhiên, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa, nhu cầu xây dựng các công trình, khi chưa có BĐKC hay rộng hơn là quy hoạch khảo cổ, các di tích, di chỉ khảo cổ rất dễ bị xâm phạm, thậm chí “xóa sổ”. Tâm lý chung của nhà đầu tư lẫn đơn vị thi công thường rất ngại khi “đụng” phải dấu tích khảo cổ trong quá trình thi công. Giải pháp thường thấy là các đơn vị bỏ qua “chướng ngại vật” và tiếp tục thi công, dẫn đến cấu trúc tầng văn hóa của di tích bị phá vỡ, biến dạng, hiện vật hư hỏng, thất thoát vì bị xúc chuyển đi nơi khác hoặc vùi lấp dưới công trình.

BĐKC góp phần giữ lại những hiện vật có giá trị để phục vụ nghiên cứu.

- Trong ảnh: Hiện vật thu được từ đợt khai quật tại di tích khảo cổ Lai Nghi (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) tiến hành từ tháng 7-9.2013.

“Ở tỉnh ta, có không ít ví dụ cho thấy vấn đề nghiên cứu khảo cổ phải nhường đường cho nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Tiêu biểu như khi xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội chúng ta đã không tiến hành thăm dò, khai quật di tích Hội Lộc nằm trong đó; rồi nhiều trống đồng đã vô tình phát lộ trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện ở huyện Vĩnh Thạnh; hay việc khai thác cát nhiều năm qua đã làm biến dạng, đẩy di tích Truông Xe (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) vào tình trạng không còn khả năng phục vụ nghiên cứu… Khi có BĐKC, những “việc đã rồi” tương tự sẽ được hạn chế đáng kể”, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đinh Bá Hòa cho biết.

Mặt khác, việc lập BĐKC cho mỗi địa phương đã được quy định thành luật, tại khoản 1 và 2 Điều 37, Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009). BĐKC là giải pháp tránh xung đột và hài hòa giữa vấn đề bảo tồn văn hóa và nhu cầu phát triển xã hội. Thông qua BĐKC, giúp xác định và khoanh vùng những khu vực có khả năng phát lộ hiện vật khảo cổ nếu bị tác động. Khi có nhu cầu xây dựng các công trình tại khu vực này, sẽ chủ động và ưu tiên cho công tác thăm dò, khai quật, thu thập hiện vật, phục vụ công tác nghiên cứu trước.

Quản lý và bảo tồn di sản tốt hơn

Nhận thức tầm quan trọng và chuẩn bị cho việc lập BĐKC, từ nhiều năm qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được giao nhiệm vụ khảo sát, đo tọa độ, xây dựng nội dung, hình ảnh, đánh giá hiện trạng hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ trên toàn tỉnh. Tháng 6.2013, Bảo tàng đã ký hợp đồng với Trung tâm hỗ trợ phát triển Công nghệ thông tin Bình Định để bắt tay vào xây dựng BĐKC.

BĐKC Bình Định hoàn thành là một website, trên đó thể hiện đầy đủ hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Mỗi điểm khảo cổ được thể hiện trên bản đồ bao gồm tọa độ, địa điểm, loại hình di tích, giai đoạn lịch sử và quan trọng nhất là hiện trạng di tích.

Được biết, bước đầu sẽ có khoảng 70 điểm khảo cổ thuộc hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Chămpa được đưa vào BĐKC. Cụ thể, 12 di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh, gồm: động Cườm, động Ca Kông, động Công Lương, động Bàu Năng, Đồng Lao, Chánh Trạch, Gò Lồi, Truông Xe, Hội Lộc, Gò Cây Thị, di tích nằm trong khu vực đồi hồ chứa nước Nước Trong, di tích nằm trong khu vực trường An Hưng. Thời kỳ văn hóa Chămpa bao gồm 52 điểm di tích: Gò Vàng, đền tháp Chămpa thôn Vĩnh Lợi, phế tích núi Se Sẻ (I, II), phế tích tháp Núi Chùa, phế tích Thành Chánh Mẫn, Giếng Vuông (I, II, III), di tích Tân Phủ Càn Dương, Phủ Thành Quy Nhơn, phế tích tháp Châu Thành, tháp Phú Lốc, phế tích gò Tháp Mắm, phế tích Thập Tháp, tháp Hòn Chuông, gò Tam Tháp, gò Tháp Mẫm, gò Tháp Miếu, gò Mã Chùa, thành Đồ Bàn - tháp Cánh Tiên, tháp Lộc Thuận, tháp Thông Hòa, tháp An Hòa, tháp Khánh Lễ, Thành Cha, tháp Chà Rây, khu lò gốm Trường Cửu, tháp Tân Kiều, khu lò gốm Gò Cây Me, khu lò gốm Gò Sành, tháp Rừng Cấm, tháp Thủ Thiện, gò tháp Lai Nghi, phế tháp Phú Ân, tháp Hòa Sơn, tháp Dương Long, lò gốm Gò Hời, lò gốm Gò Ké, Gò tháp Tây Vinh, lò gốm Chăm Gò Giang, tháp Bánh Ít, tháp Chà Cây, tháp Xuân Mỹ, tháp Long Triều, tháp Khánh Vân, di tích thành Thi Nại, tháp Bình Lâm, tháp Đôi, vách đá Hải Giang, lũy cổ Phương Mai, cảng cổ Nhơn Hải.

Sản phẩm ngoài bản đồ dạng số hóa gồm 2 bản tiếng Việt và tiếng Anh còn có thêm bản đồ giấy nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của giới nghiên cứu, khách du lịch. “BĐKC không chỉ có ý nghĩa trong công tác hoạch định, phát triển kinh tế hài hòa với vấn đề văn hóa mà còn cung cấp cho giới nghiên cứu khảo cổ tổng thể về sự phân bố, giá trị cũng như hiện trạng hệ thống di tích trong tỉnh. Trên cả nước hiện vẫn chưa có nhiều địa phương nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và đầu tư kinh phí cho công tác này. Vì thế, xây dựng BĐKC là chủ trương đúng đắn, kịp thời, thể hiện sự quan tâm và ưu tiên cho bảo tồn văn hóa của Bình Định”, ông Đinh Bá Hòa cho biết.

SAO LY

baobinhdinh.com.vn

Chia sẻ: