Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/08/2013 00:00 307
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Mộ gạch là loại hình mộ táng gắn liền với quá trình đô hộ của các triều đại phương Bắc trong gần một thiên niên kỷ đầu Công nguyên trên đất nước Việt Nam. Loại hình mộ táng này được phát hiện và khai quật ở nhiều nơi, tập trung nhiều ở những trung tâm một thời được coi là sở lị của chính quyền đô hộ như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa…

Gần đây trong quá trình cải tạo đất canh tác và di dời mộ phần, người dân thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện một ngôi mộ gạch. Nhận được thông tin trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh cùng với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiến hành khảo sát. Kết quả đã xác định được ngôi mộ có quy mô lớn , kết cấu của ngôi mộ góp phần nghiên cứu sâu rộng hơn về loại hình mộ táng thời kỳ Bắc thuộc trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đoàn khảo sát của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia do Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền làm trưởng đoàn cùng các cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm được sự giúp đỡ của Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, phòng Văn hóa huyện Đông Triều và Ủy ban nhân dân xã Yên Đức cùng bà con thôn Đức Sơn. Công việc đã được triển khai theo đúng kế hoạch.

Vị trí địa lý, quá trình phát hiện

Mộ cổ Đức Sơn nằm ở tọa độ 21o01”06,3” vĩ bắc và 106o38”16,1” kinh đông; độ cao 18m so với mực nước biển. Cách khu mộ cổ Mạo Khê khoảng 18km về phía Đông Nam, cách thị trấn Đông Triều khoảng 20km, thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Thôn Đức Sơn được bao bọc bởi dải núi đá Phượng Hoàng ở phía Bắc và sông Đá Vách (sông Kinh Thầy) ở phía Nam.

Theo các cụ cao niên trong thôn kể lại: Xưa thôn có tên là Thiên Liêu, bằng chứng là trên tấm bia gắn vào núi đá trong khuôn viên chùa Đức Sơn ghi rõ “Thiên Liêu Sơn”. Và theo truyền thuyết dân gian trong vùng nơi đây là vườn của vua gắn với sự tích vua nhà Trần đến đây khảo sát địa thế chuẩn bị chho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông. Cuộc kháng chiến giành thắng lợi, nhà Trần đã cho lập ấp và chọn vị trí xung quanh núi Phượng Hoàng để làm vườn thượng uyển mà dấu tích còn lại là 3 chữ Hán “Thiên Long Uyển” được khắc trên vách đá dưới chân núi Phượng Hoàng mà nhân dân trong vùng vẫn lưu truyền.

Mộ cổ Đức Sơn nằm giữa dãy núi Phượng Hoàng cách chân núi về phía Nam khoảng 300m. Khi đoàn đến khảo sát, tiến hành khai quật mộ đã bị đào phá. Hiện trạng ngôi mộ là một gò đất cao hơn mặt bằng xung quanh khoảng 2,5m; đường kính 14 - 15m.

Toàn cảnh khu Mộ gạch cổ Đức Sơn, Quảng Ninh (ảnh báo cáo khai quật).

Trên gò mộ nhìn bao quát, phía Nam có dãy núi Quỳ Khê (Thủy Nguyên) làm tiền án, dòng sông Kinh Thầy làm ngoại minh đường, phía sau có dãy núi Phượng Hoàng làm hậu chẩm. Hệ thống núi đồi, sông suối…hài hòa. Nơi đây là vị trí đắc địa về phong thủy được người xưa lựa chọn để đặt mộ yên giấc ngàn thu.

Khai quật khu mộ gạch cổ Đức Sơn. Quảng Ninh (ảnh báo cáo khai quật)

Trong quá trình điều tra và khai quật đoàn công tác đã phát hiện đượccấu trúc mộ như sau:

Gò mộ: Đất đắp có hình gần tròn, đường kính 14m, cao 2,5m so với mặt bằng xung quanh.

Những xuất lộ ban đầu khi khai quật khu mộ cổ Đức Sơn (ảnh báo cáo khai quật)

Hầm mộ: Dạng cuốn vòm chạy dài theo hướng Bắc Nam, cửa mở hướng Nam, mặt bằng có cấu trúc hình chữ thập (+), bố cục 3 gian chính (thất) nằm thẳng hàng theo trục Bắc Nam, ngăn cách và kết nối nhau bởi các nhịp trụ tường xây cuốn vòm theo mái. Nền hầm mộ được lát gạch với những viên gạch hình chữ nhật.

- Gian ngoài cùng (tiền thất)

Dài 1,27m; rộng 1,7m; cao 1,92m, vòm cửa tiền thất xây cuốn bằng 2 lớp gạch cao 1,68m; rộng 1,2m; phía trên vòm xếp cuốn thêm 6 lớp gạch cao 1,35m; rộng 2,2m tạo thành vòm cửa giả, có độ cao tương ứng với vòm mái gian trung thất, đồng thời tạo độ cao ảo làm tăng vẻ bề thế to lớn của ngôi mộ. Lớp vòm đã bị phá hủy 1 khoảng chính giữa rộng 0,50 – 0,90m, đây có thể là kết quả của việc đào trộm mộ những năm về trước.

- Gian giữa (trung thất):

Dài 1,8m; rộng 3,65m; cao 3,71m. Ở 2 góc chéo nhau (góc đông nam và tây bắc) của gian này, mỗi góc xây nhô ra ở độ cao 0,70m (tính từ nền) đây là vị trí đặt đèn. Điểm đặc biệt là vòm mái được xếp từ 4 phía và chụm lại ở đỉnh mái. Quan sát thấy gian trung thất được xây cầu kỳ và phức tạp nhất.

- Gian trong cùng (hậu thất):

Dài 4,25m; rộng 2,06m; cao 2,40m. Đây là gian đặt quan tài, tuy nhiên quá trình khai quật không phát hiện thấy dấu tích gì của quan tài hay hài cốt. Gian này bị đào phá nhiều nhất, đất bên ngoài tràn vào kín cả gian. Sau khi bóc từng lớp đất cho thấy gian hậu thất không còn dấu vết của quan tài, có lẽ mộ đã được cải táng từ trước đó rất lâu. Về cuối tường mộ của gian hậu thất, từ hàng gạch thứ 6 người xưa đã tạo một vòm cuốn, tạo thành một gian nhỏ, đây có thể là ngăn chứa đồ tùy táng.

Di vật tìm thấy trong phạm vi hố đào và bên trong hầm mộ chủ yếu là vật liệu kiến trúc, những mảnh đồ gốm men, đồ sành và đồ đất nung…

Bình gốm men, di vật khai quật mộ gạch cổ Đức Sơn (ảnh báo cáo khai quật)

Phù điêu đất nung, di vật khai quật mộ gạch cổ Đức Sơn (ảnh báo cáo khai quật)

Vật liệu xây dựng: gạch chữ nhật và gạch múi bưởi

Về niên đại: Ngôi mộ này có niên đại thời Đông Hán( Tk I – tk III sau CN).

Chủ nhân: Ngôi mộ là người Hán hoặc bộ phận nhỏ người Việt giàu có, có mối liên hệ với chính quyền đô hộ và tiếp thu văn hóa Hán, người quá cố được an táng là nữ (theo truyền thống người phương Đông, tả nam hữu nữ).

Do bối cảnh phát hiện và yêu cầu cấp thiết khai quật, nên đợt khai quật lần này chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu kết cấu bên trong, cách thức xây dựng ngôi mộ và vấn đề liên quan khác.

Lê Thị Huệ (Tổng hợp)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chia sẻ: