Đông Sơn, một văn hoá khảo cổ rất đa dạng và thống nhất trong nội dung và hình thức thể hiện. Hơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu về văn hoá Đông Sơn, khảo cổ học Việt Nam đã có những khám phá đầy lý thú. Văn hoá Đông Sơn ẩn chứa sức hấp dẫn đối với bất cứ ai trên con đường "lần tìm" về bản sắc văn hoá Việt cổ.
Đông Sơn, một văn hoá khảo cổ rất đa dạng và thống nhất trong nội dung và hình thức thể hiện. Hơn 90 năm phát hiện và nghiên cứu về văn hoá Đông Sơn, khảo cổ học Việt Nam đã có những khám phá đầy lý thú. Văn hoá Đông Sơn ẩn chứa sức hấp dẫn đối với bất cứ ai trên con đường "lần tìm" về bản sắc văn hoá Việt cổ.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong hàng loạt các chương trình nghiên cứu, phát hiện và trưng bày về văn hoá Đông Sơn, đã đem lại cho công chúng những nhận thức mới, đầy đủ hơn về văn hoá này thông qua những hiện vật mới sưu tầm. Qua hàng trăm hiện vật mới thu thập, với đầy đủ các chất liệu phản ánh sinh động đời sống vật chất và tinh thần của người Đông Sơn. Trong số ấy đáng kể hơn cả là sưu tập trống đồng (đặc biệt các trống ở Tây Nguyên, trống minh khí và trống nhỏ ở Thanh Hoá, Yên Bái, Lào Cai); sưu tập đĩa và tượng đèn hình voi, hình bò, hình người (đặc biệt là cây "vũ trụ" ở Làng Vạc) và hàng loạt các bộ sưu tập vũ khí, trang sức... Trong "ngồn ngộn" những tư liệu mới của văn hoá Đông Sơn, chúng tôi chú ý tới một chiếc thạp đồng phát hiện ở bên bờ lở sông Hồng, trong không gian liền kề (Đào Xá) với chiếc thạp đồng Đào Thịnh nổi tiếng ở tỉnh Yên Bái.
Thạp đồng Đào Xá.
Thạp thuộc loại trung bình, dáng quả nhót (đặc trưng của văn hoá Đông Sơn), miệng loe đứng (loại không có nắp) thân thuôn, đáy lõm gần bằng, quai kép hình khuyên tạo nổi hình sống trâu với nhiều gờ nổi. Trải qua thời gian tồn tại, patine của thạp rất bóng, vẫn ánh lên màu xanh biếc xen lẫn màu vàng xám. Thạp gần như nguyên vẹn, chỉ sứt nhỏ phần gờ miệng, với đường kính 25cm; đường kính đáy 22cm; cao 31cm (ảnh). Quan sát các băng hoa văn trang trí phủ kín mặt ngoài thạp có thể nhận thấy đó là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, đồng thời cảm nhận được phần nào "thế giới quan" của người Đông Sơn xưa.
Từ trên xuống dưới, với phong cách chạm khắc nổi và chìm các băng hoa văn và đường chỉ là hình ô trám lồng và vòng tròn đồng tâm (dạng chữ S), vòng tròn tiếp tuyến, răng cưa có núm nổi, chấm nổi... Trong mỗi mô-típ trang trí ấy lại có sự kết hợp tài tình, những biến thể hài hoà tạo nên những đường nét vô cùng uyển chuyển. Nổi trội trong bức tranh sinh động là hai băng văn chủ đạo, là điểm nhấn quan trọng cho toàn bộ tác phẩm. Băng phía trên là hình ảnh chim lạc, chim công trong các tư thế con bay, con đậu, con mỏ dài, mỏ ngắn cắp những chú cá to quá sức với cổ dài cách điệu... như là đại diện cho cả thế giới tầng trên (ảnh). Phía dưới, nằm cách những mô-típ trang trí đan cài là hình ảnh đại diện thế giới loài người với vũ hội (cầu mùa) vô cùng náo nhiệt (ảnh). Con người cũng vẫn với tư thế hoá trang lông chim, theo hướng ngược chiều kim đồng hồ đặc trưng của người Đông Sơn, song, trong vũ hội ấy là sự trình diễn "sưu tập" của các loại nhạc khí và vũ khí. Không chỉ có vậy, nếu như hình các "nhạc công" "vũ công" ở bên dưới choán tới 4/5 băng văn trang trí, thì ở phía trên, nhỏ thôi nhưng rất đáng chú ý là đàn chim lạc mỏ ngắn bay dẫn đường, như hướng đạo cho toàn bộ các hoạt động của con người.
Về cơ bản các mô-típ trang trí thể hiện trên thạp giống với lối bố cục trên các trống đồng nhóm sớm (trống Hoàng Hạ), song sự đặc sắc ở chỗ có lẽ đây là lần đầu tiên những trang trí ấy được thể hiện sinh động trên thạp đồng - một trong những loại hình di vật đặc trưng của văn hoá Đông Sơn.
Nếu như trước đây, khi nói về thạp đồng người ta thường biết tới chiếc thạp Đào Thịnh nổi tiếng kích thước to lớn, hoạ tiết trang trí và đặc biệt là những khối tượng tròn trên nắp thạp phản ánh tín ngưỡng phồn thực, thì nay với chiếc thạp mới tìm thấy ở Đào Xá này lại cho chúng ta những hiểu biết mới về cách biểu đạt đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người Việt cổ hơn hai nghìn năm trước. Song, sự đặc sắc ấy khi được xem xét toàn diện lại không chút gì xa lạ trong phức hệ di vật Đông Sơn rất thống nhất trong nội dung và hình thức thể hiện.
Thạp đồng là loại vật dụng rất đỗi gần gũi với đời sống sinh hoạt của người Đông Sơn. Cho dù sử dụng trong đời sống thường nhật hay trong các nghi lễ tôn giáo, mai táng... song, vượt lên trên hết đó là nơi gửi gắm bao tâm tư, ước vọng của cư dân lúa nước Việt cổ, sâu sắc hơn là quan niệm về thế giới nhân sinh cao cả, mà cho đến hôm nay không hẳn trong mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng nhận/hiểu.
Và như vậy, văn hoá Đông Sơn rực rỡ vẫn còn những tiềm ẩn cần khám phá.
Một số hình ảnh về thạp đồng:
Trang trí chim đi bộ.
Trang trí chim mỏ dài cùng băng vòng tròn đồng tâm.
Trang trí chim, vằn răng cưa, ô trám lòng cùng vòng tròn đồng tâm.
Trang trí người nhảy múa cùng ô trám lồng và răng băng cưa.
Vũ điệu người hóa trang lông chim, nhảy múa.
TS.Nguyễn Văn Đoàn