Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-04-1906 trong gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đó là một vùng quê miền Trung đồng chua, nước mặn, bạc màu, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Nhưng chính mảnh đất cằn cỗi ấy lại có truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng; đã sản sinh ra danh nhân Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và các anh hùng Phan Đình Phùng, Cao Thắng …
Thân phụ đồng chí là cụ Hà Huy Tường, cụ đã đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà trở về nhà dạy học và bốc thuốc. Mẹ là bà Nguyễn Thị Lộc, một phụ nữ nông dân thực thụ quanh năm chân lấm, tay bùn, tần tảo nuôi chồng, nuôi con.
Hà Huy Tập là một trong năm người con trong gia đình, lúc nhỏ tên là Hà Huy Khiêm, còn gọi là Ba. Từ năm 1910 đến 1919 học chữ Nho tại quê nhà và học Tiểu học tại Thị xã Hà Tĩnh. Với tư chất thông minh, tiếp thu nhanh, trí nhớ tốt, năm 13 tuổi, Hà Huy Tập thi đỗ thủ khoa tại trường tỉnh và được đặc cách vào trường Quốc học Huế. Năm 1923, ông tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu và được bổ nhiệm về dạy tại Trường Tiểu học Pháp-Việt thị xã Nha Trang, sau đổi về dạy ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh, Nghệ An vào tháng 9-1925. Ở Vinh, Hà Huy Tập gặp Ngô Đức Diễn, Trần Phú và được kết nạp vào Hội Phục Việt. Thời gian này, Hà Huy Tập tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng cho học sinh, công nhân, nông dân, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Thấy rõ sự phát triển của Hội Hưng Nam và vai trò của Hà Huy Tập, Trần Phú và Trần Văn Tăng, Công sứ Pháp ở Vinh đã chuyển Hà Huy Tập lên dạy học ở Kẻ Bọn (Quì Châu), Trần Văn Tăng ra Trường Tiểu học Pháp-Việt (huyện Yên Thành). Hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, Hội Hưng Nam đã chuyển Hà Huy Tập vào Sài Gòn làm phóng viên cho nhiều tờ báo có xu hướng chống Pháp, trong đó có tờ “An Nam”. Năm 1928, ông trở ra Vinh hoạt động và xây dựng gia đình.
Chân dung cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906-1941).
Ngày 14-8-1928, Hà Huy Tập dự Hội nghị Tổng bộ Tân Việt tại Huế. Sau đó, ông và Phan Đăng Lưu được Tổng bộ cử sang Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động. Được tiếp xúc trực tiếp với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu, ông đã chính thức gia nhập tổ chức này. Tháng 7-1929, Hà Huy Tập được Tổng bộ Thanh niên giới thiệu sang học trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô. Năm 1932, mãn khoá học, đồng chí tìm cách về nước bằng đường hàng hải Mác xây-Sài Gòn. Đến Pa ri, Hà Huy Tập bị chính quyền Pháp trục xuất trở lại Liên Xô. Thời gian ở Liên Xô, đồng chí đã viết cuốn “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương” bằng tiếng Pháp, với bút danh là Hồng Thế Công. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên của người Việt Nam viết về lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.
Đầu năm 1934, Hà Huy Tập theo đường phía Nam Trung Quốc về nước. Tới Ma Cao, Hà Huy Tập cùng Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Dựt thành lập ra “Ban chỉ huy ở ngoài” của Đảng. Ban này có chức năng như Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời, có nhiệm vụ khôi phục lại hệ thống tổ chức và chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội lần thứ Nhất của Đảng.
Chuẩn bị cho Đại hội lần thứ Nhất của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã làm việc không quản ngày đêm để soạn thảo 3 báo cáo chính: tình hình quốc tế, tình hình Đông Dương, tình hình của Đảng, của các tổ chức quần chúng, phong trào cách mạng, những nhiệm vụ trước mắt; các vấn đề tổ chức: công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Cách mạng Tàu, cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Cùng với 3 báo cáo chính, Hà Huy Tập còn chuẩn bị các tài liệu trình bày trước đại hội như: đề cương chính trị về những nhiệm vụ trước mắt của Đảng; chương trình hành động; các điều lệ của Đảng và các tổ chức quần chúng.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3-1935. (Ảnh chụp văn bản).
Bên cạnh đó, để hướng dẫn các đảng bộ trong nước tiến hành công tác trù bị tiến tới đại hội, Hà Huy Tập đã viết bài trước lúc Đại hội Đảng, hướng dẫn nghiên cứu bản chương trình hành động của Đảng đăng trên Tạp chí Bôn-sơ-vích số 10 (tháng 2/1935), trong đó, đồng chí nhấn mạnh: Phải coi bản chương trình đó “là kim chỉ nam cho tất thảy các đảng bộ về đường lý thuyết, tổ chức và thực hành”, “nhiệm vụ của các đảng bộ và các đồng chí là cần nghiên cứu bản chương trình cho tường tế để mà thực hành cho đúng điều kiện thực ở từng địa phương”.
Trong điều kiện hoạt động bí mật, việc chuẩn bị đại hội càng khó khăn hơn và đòi hỏi phải khoa học, khẩn trương. Quá trình chuẩn bị, hơn 100 cán bộ đảng, trong đó có 49 người của Xứ ủy Nam kỳ bị địch bắt; cũng có những kẻ đầu hàng phản bội, gây thêm khó khăn cho việc chuẩn bị tổ chức đại hội. Theo kế hoạch, đại hội dự kiến tiến hành trong 10 ngày, khai mạc vào 18/3/1935. Tuy nhiên, do kinh phí eo hẹp và nhiều khó khăn khác trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, Hà Huy Tập đành phải cho rút ngắn thời gian để phù hợp với tình hình.
Đại hội lần thứ Nhất của Đảng tiến hành trong 5 ngày, từ 27 - 31/3/1935, với sự có mặt của đại biểu thuộc các đảng bộ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Xiêm, Lào, Cao Miên. Hà Huy Tập chủ trì đại hội và đọc báo cáo chính trị, nêu bật tình hình thế giới, tình hình xứ Đông Dương, chính sách mới của đế quốc Pháp và mưu mô mới của bọn thống trị bản xứ, cao trào cách mạng mới, tình hình Đảng và nhiệm vụ của Đảng. Báo cáo chính trị thể hiện sự phân tích sắc sảo, khả năng lý luận xuất sắc của Hà Huy Tập.
Ngày 26-7-1936, Lê Hồng Phong cùng Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Thượng Hải, Trung Quốc để phổ biến Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế cộng sản. Hội nghị đã cử đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư và về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương. Cuối tháng 7-1936, đồng chí Hà Huy Tập cùng cơ quan Trung ương chuyển về Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước.
Với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đưa phong trào tiến lên những bước mới.
Ngày 1-5-1938, Hà Huy Tập bị bắt do có chỉ điểm trong khi tham dự ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn. Toà Tiểu hình Sài Gòn kết án đồng chí 2 tháng tù và 5 năm cấm lưu trú. Tháng 3-1939, đồng chí bị trục xuất về quê và chúng cấm không cho bất kỳ một trường học nào ở Hà Tĩnh nhận Hà Huy Tập làm giáo viên.
Tháng 2-1940, đồng chí lại bị bắt và đưa vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, thực dân Pháp cho rằng Hà Huy Tập có vai trò lãnh đạo rất lớn. Vì vậy, ngày 27-3 và ngày 17-5-1941, Toà án Quân sự đặc biệt Sài Gòn đã kết án tử hình Hà Huy Tập và 6 đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Tay và Nguyễn Văn Huân.
Ngày 28-8-1941, Ông bị xử bắn tại Ngã tư Giếng Nước ở Hóc Môn (Gia Định). Bức thư cuối cùng ông gửi cho gia đình viết “Gia đình bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”.
Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại quê nhà.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên. Cuộc đời của ông khép lại ở tuổi 35 còn tràn đầy sung mãn, nhiệt huyết, hoài bão. Tuy thời gian hoạt động ngắn nhưng ông đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ông đã để lại cho Đảng những bài học quí báu cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng. Ông là người đầu tiên viết lịch sử Đảng, người phục hồi nhanh chóng hoạt động cơ quan lãnh đạo của Đảng sau thời kỳ 1931-1932, tạo nên cao trào mới cho hoạt động công khai và bán công khai 1936-1939. Những di sản của ông luôn trường tồn cùng giai cấp, cùng dân tộc như lời nhắn nhủ của ông “xem tôi như là người còn sống”. “Tôi chả có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động” là câu nói khảng khái, thể hiện khí phách hiên ngang của người cộng sản Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập mãi mãi sáng ngời trong lịch sử dân tộc.
Lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), năm 2009.
Trước tác của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập bao gồm 14 bài viết và văn kiện, 20 tác phẩm sách và báo đã cho thấy trí tuệ uyên thâm, bản lĩnh vững vàng, tài lãnh đạo xuất sắc của ông. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá đồng chí Hà Huy Tập là người đầu tiên tổng kết lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương, người đầu tiên gọi phong trào nông bộ ở Nghệ Tĩnh là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ông cũng là người góp phần tạo nên thành công của cao trào cách mạng dân tộc dân chủ giai đoạn 1936-1939, người đã khôi phục lại các tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ sau cao trào 1930-1931...
Nhà lưu niệm đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm1936-1938 ở Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia năm 1991.
Một hoạt động hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (ảnh Báo Hà Tĩnh).
Năm nay, để kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906-24/4/2016), tỉnh Hà Tĩnh sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập dự kiến diễn ra vào ngày 23/4. Thông qua các hoạt động kỷ niệm nhằm ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, bày tỏ lòng tri ân và tiếp tục khẳng định công lao to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn; tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh.
Minh Vượng (tổng hợp)
Nguồn TLTK:
- Nguyễn Duy Quý: “Hà Huy Tập - Một tấm gương cộng sản sáng ngời”.
- “Hà Huy Tập, người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc”. H. Chính trị quốc gia, 2006.
- Báo Hà Tĩnh ngày 24-2-2016