Thứ Năm, 16/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/12/2015 00:00 422
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đó là liệt sĩ Trần Thành, người con của phố cổ Hàng Vôi đã anh dũng hi sinh ngày 23/12/1946 trong cuộc chiến đấu bảo vệ Trụ sở Bộ Tổng tham mưu tại 18 phố Nguyễn Du. Hình ảnh của người chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng trước khi xung trận đã được phóng viên Mặt trận Hà Nội ghi lại chỉ trong khoảng khắc ngắn ngủi, hiện vẫn đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Năm 2001, anh được Nhà nước, Bộ Quốc phòng truy tặng danh hiệu cao quí: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuổi thơ của anh diễn ra êm đềm trong ngôi nhà 44 Hàng Vôi. Con phố cổ thời ấy giáp bờ sông Hồng, ngày đêm nhộn nhịp tấp nập người buôn bán đưa hàng từ bến ô tô Long Biên xuống, hoặc từ canô cập bến Cầu Đất lên, gồng gánh hàng qua Hàng Mắm, Hàng Muối, Lò Sũ, Hàng Vôi vào các phố ta, phố Tây. Và cũng chính từ ngôi nhà thân yêu của mình, người thanh niên học sinh trường Bưởi đã sớm theo anh trai Nguyễn Văn Tỉnh (tức nhà báo Văn Lang) tham gia hoạt động ủng hộ Việt Minh rồi đứng trong đội ngũ Thanh niên cứu quốc. Những cuộc phá kho thóc ở phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân), tuyên truyền rải truyền đơn trên các đường phố và rạp hát của Đội Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, kêu gọi nhân dân đánh Pháp đuổi Nhật như ngọn triều dâng cao đã thôi thúc Trần Thành lao đi trong cơn lốc cách mạng “một ngày bằng hai mươi năm”. Anh cùng các bạn Thanh niên Cứu quốc ở khu phố đi mít tinh trên quảng trường Nhà hát lớn chiều 17/8/1945 và hoà vào dòng người cuồn cuộn đi giành lại quyền sống trong tự do, độc lập. Cách mạng thành công, Trần Thành say mê trong cuộc sống mới, gia nhập Đội Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu - thanh bảo kiếm của Thành uỷ Hà Nội bảo vệ Đảng, Bác và chính quyền non trẻ. Hăng hái, nhiệt tình, anh sớm được tổ chức chọn đi học Trường Quân chính Bắc Sơn (khoá I), nơi đào tạo cán bộ chính trị trình độ sơ cấp của quân đội. Ra trường, anh được phân công về đại đội 3 tiểu đoàn 77.

Tháng 12/1946, Mặt trận Hà Nội được chia thành 3 liên khu phố để tạo thành thế trận “Trong đánh ngoài vây, trong ngoài cùng đánh”, do đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy. Tiểu đoàn 77 có ba đại đội nhận nhiệm vụ bảo vệ các vị trí quan trọng của Liên khu II như Bộ quốc phòng (nay là trường Trưng Vương), Trại Vệ quốc đoàn Trung ương (nay là Cục cảnh vệ 41 Hàng Bài) Ga Hàng Cỏ, Đồn Thuỷ, Đại đội 3 do đồng chí Bảo Cường làm Đại đội trưởng, Lê Ngọc Tấn là chính trị viên điều trung đội Trần Thành đến gác thay đơn vị cảnh vệ bảo vệ Bộ tổng Tham mưu đã rút ra hậu phương, phải chốt giữ bảo vệ vị trí 18 Nguyễn Du là trụ sở của Bộ.

Nhân dân phố Mai Hắc Đế, Hà Nội dựng chướng ngại vật chặn bước tiến của quân Pháp trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12-1946.

Đêm 19/12/1946, quân dân Hà Nội chủ động tấn công thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc. Tại 18 Nguyễn Du, các chiến sĩ vừa phối hợp với đơn vị bạn chặn đánh địch ở mặt trận Liên khu II, vừa tranh thủ thời gian củng cố thêm công sự. Tổ chống tăng được bố trí phía trước và cách trụ sở khoảng 50m, hướng về phía ngã năm Hàng Kèn (nay là Bà Triệu - Nguyễn Du) là hướng chính địch sẽ tấn công. Trong nhà, thương binh từ một số nơi được đưa về đây để sơ cứu rồi chuyển xuống Quỳnh Lôi và làng Sét. Đến ngày 21/12, địch đã lần lượt chiếm các vị trí quan trọng ở phía bắc Liên khu II. Sáng 23/12, chúng bắt đầu thọc xuống phía nam liên khu bằng cuộc tấn công quy mô lớn xuống Chợ Hôm và Bộ tổng tham mưu. Trên hướng chính diện, một đại đội lính lê dương mũ đỏ có 4 xe tăng và xe bọc thép yểm trợ, theo đường Bà Triệu rồi quặt vào phố Nguyễn Du. Ở phía đông, sau khi phá ụ chiến đấu của ta trên ngã năm Lê Văn Hưu - Lò Đúc - Phan Chu Trinh - Hàn Thuyên - Hàm Long, một đại đội có xe tăng từ phố Nguyễn Công Trứ và Lê Văn Hưu tấn công sang 18 Nguyễn Du, bị bộ đội và tự vệ, sinh viên cứu quốc chặn đánh quyết liệt. Sau khi chiếm được nhà 63 dốc Hàng Kèn (nay là dốc Bà Triệu), xe tăng dẫn đường cho bộ binh địch quyết chiếm trụ sở Bộ Tổng tham mưu. Trần Thành lập tức ra lệnh cho một chiến sĩ lao vọt khỏi công sự, ôm bom ba càng nhằm xe tăng lao tới, nhưng chưa tới mục tiêu, anh đã hi sinh trên trận địa. Lại một chiến sĩ nữa xông lên và hi sinh. Đau đớn và căm thù giặc cao độ, Trần Thành nhằm đúng lúc chiếc xe cách cổng trụ sở 50m, ôm bom ba càng đâm thẳng vào sườn xe. Xích xe đứt, cả khối thép chềnh ềnh trên phố. Trần Thành bị thương, nhưng anh bình tĩnh dùng lựu đạn ném vào bọn lính đang hò la bắt sống anh và hi sinh anh dũng ngay trước cổng trụ sở. Mát Chư, người sĩ quan Nhật vốn là tiến sĩ văn học đã tình nguyện ở lại Việt Nam, học cùng trường quân chính Bắc Sơn với Trần Thành, là trung đội phó hạ lệnh cho các chiến sĩ ôm khẩu trung liên nhả đạn; đồng thời, 200 quả lựu đạn lọ mực do công binh xưởng Phan Đình Phùng sản xuất thật hữu hiệu trong trận chiến không cân sức. Ba giờ chiều, địch điên cuồng câu đạn súng cối vào vị trí. Trần Thành, Mát Chư cùng 16 chiến sĩ của trung đội và 12 tự vệ đã hi sinh để bảo vệ Bộ Tổng tham mưu và bảo vệ tính mạng của 30 thương binh đang điều trị trong đó. 45 tên địch phải đền tội trong cuộc chiến đấu ác liệt này.

Chiến sĩ quyết tử Trần Thành ôm bom ba càng đánh phá xe tăng của thực dân Pháp, Hà Nội cuối năm 1946.

Bom ba càng, quyết tử quân Hà Nội dùng chống xe tăng Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12-1946. (Ảnh chụp HV)

Tấm gương hi sinh lẫm liệt của trung đội trưởng Trần Thành được nêu trước toàn quân của Mặt trận Hà Nội. Trường quân chính Bắc Sơn nêu cao tinh thần chiến đấu quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của anh trong lễ phát động phong trào thi đua “luyện quân lập công” cho cán bộ học viên nhà trường. Tháng 2/1947, lớp học chính trị do Trung ương mở cho cán bộ trung cấp được lấy tên là lớp học Trần Thành.

Ths. Phạm Kim Thanh

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Câu chuyện treo cờ Tổ quốc trên đỉnh Cột cờ đêm 9/10/1954

Câu chuyện treo cờ Tổ quốc trên đỉnh Cột cờ đêm 9/10/1954

  • 09/10/2015 00:00
  • 449

Chiều ngày 10/10/1954, lễ chào cờ mở đầu cuộc duyệt binh long trọng, hùng tráng đã diễn ra trên sân Cột cờ Hà Nội. Trên đỉnh Cột cờ, lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trong nắng Thu Hà Nội mới được giải phóng. Nhưng ai đã treo cờ đêm 9/10/1954 và lá cờ đã được treo như thế nào để đón chào bình minh của trang sử mới thì chỉ đến năm 2008, khi tiếp chuyện Đại tá-PGS-TS Nguyễn Thuận, nguyên chủ nhiệm bộ môn Xây dựng công trình quốc phòng, Học viện Kỹ thuật quân sự, một trong những người trực tiếp tham gia treo cờ đêm đó, chúng tôi mới được biết người treo lá cờ Tổ quốc đêm lịch sử là tiểu đội trưởng một tiểu đội công binh- ông Trần Văn Giai.