Chiều ngày 10/10/1954, lễ chào cờ mở đầu cuộc duyệt binh long trọng, hùng tráng đã diễn ra trên sân Cột cờ Hà Nội. Trên đỉnh Cột cờ, lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trong nắng Thu Hà Nội mới được giải phóng. Nhưng ai đã treo cờ đêm 9/10/1954 và lá cờ đã được treo như thế nào để đón chào bình minh của trang sử mới thì chỉ đến năm 2008, khi tiếp chuyện Đại tá-PGS-TS Nguyễn Thuận, nguyên chủ nhiệm bộ môn Xây dựng công trình quốc phòng, Học viện Kỹ thuật quân sự, một trong những người trực tiếp tham gia treo cờ đêm đó, chúng tôi mới được biết người treo lá cờ Tổ quốc đêm lịch sử là tiểu đội trưởng một tiểu đội công binh- ông Trần Văn Giai.
Khi tôi biết sự thật về câu chuyện treo cờ do chính Đại tá Nguyễn Thuận kể thì ông đang từng ngày từng tháng chiến đấu với bệnh nan nguy. Thật vô cùng cảm động, khi nhìn thấy ông nén cơn đau của bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, cố gắng đến chân Cột cờ, chứng minh sự thật với cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự vào dịp Đại lễ Thăng Long- Hà Nội 1000 năm tuổi.
Bài viết này thay tâm hương, tôi kính cẩn dâng lên hương hồn ông.
Mở đường thắng lợi để “tiến về Hà Nội”
Tháng 2/1950, 15 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Thuận nhập ngũ gia nhập đại đội 270 tiểu đoàn 333 thuộc Cục Công binh. Từ đó, tuổi thanh xuân của anh gắn liền với công việc mở đường phục vụ các chiến dịch, bắt đầu là chiến dịch Biên giới thu đông 1950. Kỷ niệm đầu đời của người lính trẻ là gạo đã mốc xanh thổi cơm lên mùi chua nồng ăn với măng luộc chấm giềng giã trộn muối; một viên ký ninh chia ra mấy người uống, chống chọi với những cơn sốt rét run bần bật.
Đại tá Nguyễn Thuận - một trong những người trực tiếp tham gia treo cờ
tại Cột cờ Hà Nội, đêm 9/10/1954.
Để phục vụ cho các chiến dịch lớn tiếp theo, tháng 3 năm 1951, Đại đoàn Công -Pháo 351 gồm trung đoàn Công binh 151và hai trung đoàn pháo binh ra đời. Ông xúc động đọc câu ca dao đầy bi tráng: “Xương Công đã bắc nên cầu, Máu Pháo đã nhuộm đỏ màu non sông”. Lá cờ Mở đường thắng lợi mà Bác Hồ tặng trung đoàn Công binh 151 sau chiến dịch Tây bắc 1952 đã thấm bao mồ hôi xương máu của các liệt sĩ. Rồi ông kể tiếp: Đúng ngày ta mở màn đánh Him Lam, 13/3/1954, anh Trần Văn Giai và tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Bằng khen Huân chương chiến sĩ hạng Hai và hạng Ba. Ngày về Thủ đô giải phóng, chúng tôi đã đeo huân chương trên ngực cùng huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ, chụp ảnh kỷ niệm trong niềm vui, niềm tự hào của người lính bộ đội Cụ Hồ đấy.
Và đêm treo cờ trên đỉnh Cột cờ
Tại Đại Từ, để chuấn bị chu đáo mọi mặt cho công tác tiếp quản Thủ đô, trung đội công binh 52 do ông Phạm Gia Công làm Trung đội trưởng được trên điều động từ tiểu đoàn 555 sang tiểu đoàn 444 phục vụ cho Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 về Hà Nội. Lúc này, ông Trần Điển là tiểu đội trưởng tiểu đội 2 kiêm chi uỷ viên, ông Thuận là tiểu đội phó; cả hai được điều sang đại đội 313 do ông Phạm Đình Thăng làm Đại đội trưởng. Đường về Hà Nội qua cầu Bầu - Mai Lĩnh - Đan Phượng - Diễn đã vắng bóng thù. Tại điểm tập kết ở Diễn, đại đội trưởng Phạm Đình Thăng giao nhiệm vụ cho ông Phạm Gia Công nhiệm vụ rất quan trọng: ngay trong đêm 9/10/1954, phải dựng lại cột thép trên đỉnh tháp cột cờ Hà Nội đã bị địch phá để đúng 15h30 chiều 10/10/1954, anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô kéo cờ trong lễ chào cờ mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
Khi thành phố lên đèn, trung đội 52 từ trại lính cũ của Pháp ở phố Lý Nam Đế nhanh chóng triển khai nhiệm vụ: một tiểu đội do trung đội phó Nguyễn Văn Đại chỉ huy ra ga Hàng Cỏ nhờ công nhân hoả xa giúp đỡ làm một cột thép ống đường kính khoảng 9-10cm, dài 12m. Anh em ở Ga Hà Nội giúp bộ đội rất tận tình, có cả dây cáp, thép buộc, dây chão, dụng cụ và cho hẳn một chuyến xe goòng kéo đến Cửa Nam rồi khênh vào sân Cột cờ dựng ở bệ tam cấp phía vườn hoa Canh nông. Nhớ lại đêm 9/10 /1954 và giờ phút đứng trong lòng tháp cột cờ làm nhiệm vụ lịch sử giao phó, ông Nguyễn Thuận khẳng định: Trong lòng Cột cờ, các bậc lên đỉnh được xây theo hình rẻ quạt xoáy trôn ốc, nếu có tời cũng không dùng được. Vì vậy, để đưa cột thép dài 12m lên đỉnh tháp, chúng tôi phải đứng ở các bậc thang trong lòng tháp giữ chắc một đầu dây cáp, còn đầu kia luồn ra ngoài cửa sổ thả xuống tới bậc tam cấp thứ ba, bộ phận ở dưới buộc chặt dây cáp vào đầu cột thép có puli. Sau đó theo nhịp khẩu lệnh của anh Phạm Gia Công, bộ phận trong lòng tháp đồng loạt kéo. Cột thép nhích dần lên cao. Cứ thế cho tới khi đầu cột thép kề sát thành cửa sổ, anh Giai, anh Điển, anh Phiêu và tôi nhanh chóng túm chặt lấy đầu cột và cố sức vít cho cột nằm ngang trên thành cửa sổ. Theo lệnh của anh Công, anh Giai trèo lên dỡ ra một phần mái ngói, chúng tôi cố lựa luồn được đầu cột thép qua lỗ thủng mà anh Giai vừa dỡ ngói và tì được đầu cột vào chiếc đòn tay bằng gỗ trên mái. Anh Công lệnh tiếp cho anh Giai và tôi chui hẳn lên trên mái ngói và điều thêm một số chiến sĩ, cố hết sức đưa nốt phần cuối cột thép qua thành cửa sổ, đặt được chân cột vào một hốc gạch bọc cột thu lôi, cách đỉnh mái chừng một mét. Sau đó, chúng tôi dùng dây cáp buộc chặt sắt vào chân cột thu lôi theo kiểu “đánh con nín” như hồi làm cầu phao qua sông Đà lên Điện Biên Phủ. 10 giờ đêm, lá cờ lớn mang từ Đại Từ về vẫn để trong sọt tre, đã được tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 444 Nguyễn Sanh Dạn cho người mang đến chân cột cờ. Lá cờ theo puli được kéo lên đỉnh cột thép trong niềm hân hoan vô bờ của tất cả anh em trung đội 52 và của rất đông nhân dân Hà nội đang đứng bên vườn hoa Canh nông vẫy chào. Lá cờ treo đêm hôm đó là một kỳ tích của tinh thần và ý chí bộ đội Cụ Hồ. Ông xúc động, lau nước mắt, kể tiếp:
Bốn anh em đứng trên đỉnh tháp kéo cờ gồm: tiểu đội trưởng Trần Văn Giai, tiểu đội trưởng kiêm chi uỷ viên Trần Điển, chiến sĩ Nguyễn Văn Phiêu, và tôi. Nhìn lá cờ tung bay phần phật trên bầu trời tự do, không thể nói hết cảm xúc tự hào, trào nước mắt sung sướng lúc đó. Nhân dân ùa ra vườn hoa Canh Nông (nay là vườn hoa Lê Nin) ngày càng đông, tiếng hò reo không dứt “Hồ Chủ Tịch muôn năm”; “Hoan hô bộ đội Cụ Hồ “… Nhiệm vụ lớn đã hoàn thành, chúng tôi yên tâm nghỉ ngơi. Vậy rồi một sự cố bất ngờ đã xảy ra: gió lớn làm lá cờ tụt xuống theo dây cáp khoảng 1m, mắc lại ở đó. Dây cáp bật ngoài rãnh pu-li và bị kẹt vào khe, giữa miếng sắt ốp pu-li và pu-li. Chúng tôi hết sức bối rối. Anh Lê Viên, Chính uỷ Trung đoàn Thủ đô báo cáo sự cố lên anh Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính. Mệnh lệnh ngắn gọn chuyển đến trung đội 52: Bằng bất cứ giá nào, trung đội Công binh 52 cũng phải treo được lá cờ lên đỉnh cột ngay trong đêm, cố định lá cờ ở đó, không hạ xuống nữa”. Trong khi chờ lệnh, dưới chân Cột cờ, anh em nát óc nghĩ kế. Tiểu đội trưởng Trần Văn Giai, vốn quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa; thuở nhỏ trèo cau rất giỏi, thường phi thân từ ngọn cau này sang ngọn cau kia để xé cau. Anh bật ra sáng kiến và đề xuất với anh Phạm Gia Công: “Cho tôi trèo lên cột thép, đặt lại dây cáp vào pu-li thì sẽ kéo được lá cờ lên”.
Lá cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ Hà Nội ngày giải phóng.
Nhanh chóng cởi bỏ bộ quân phục, chỉ với chiếc kìm và bó dây thép, anh Giai ôm cột thép trơn leo lên. Tôi và anh Phiêu được phân công đứng trên mái ngói dưới chân cột thép, vừa giữ cột, vừa phòng đỡ anh Giai nếu anh ấy bị ngã. Đứng ở tư thế chênh vênh trên mái ngói, tay trái tôi ôm cột thép, tay phải vòng rộng ra, còn anh Phiêu thì ngược lại, tay phải ôm cột thép, tay trái vòng rộng ra, sẵn sàng đỡ anh Giai khi bị ngã, Hai chúng tôi đều rất mỏi, cứ ngửa cổ lên theo dõi nhất cử nhất động của anh Giai, lo sợ và căng thẳng. Còn anh Giai thì quặp chặt chân vào cột thép, một tay ôm cột và lần dây cáp, tay kia cầm kìm, đưa dây cáp dần vào rãnh pu-li. Gió đêm thu ào ào thổi. Hàng giờ trôi đi nặng nề! Cả trung đội như nín thở nhìn theo anh Giai. Khi anh Giai hét xuống: “Được rồi! Kéo!”, anh em nhanh chóng kéo dây cáp, lá cờ theo dây cáp lên cao. Lại tiếng hô của anh Giai vọng xuống: “ Dừng lại, giữ cho chặt!”. Anh em ghì ngay dây cáp vào chân cột, cố định luôn. Tôi vẫn ngửa mặt lên trông chừng anh Giai đang tụt dần xuống từng đoạn một, xoắn buộc dây cáp vào cột thép. Khi chỉ còn cách đầu tôi và anh Phiêu 1m, làm xong nút buộc cuối cùng, anh Giai ngã xuống trong vòng tay chúng tôi, ngất lịm, khắp người trầy xước bầm tím. Lúc đó là mờ sáng 10/10/1954.
Vĩ thanh
Người làm nên kỳ tích treo lá cờ lên đỉnh cột cờ, tiểu đội trưởng Trần Văn Giai cũng như bao cán bộ chiến sĩ đã lặng lẽ chiến đấu hi sinh cho Thủ đô Hà Nội, cho Tổ quốc, chưa một lần được nhắc tên. Và người kể câu chuyện này, Đại tá-TS Nguyễn Thuận, cũng chính là một tấm gương sáng, lặng thầm cống hiến tâm trí cho sự nghiệp bảo vệ đất nước. Những năm 1990-1995, ông lặn lội ra Trường Sa, nghiên cứu và xây dựng bến cảng trong điều kiện khắc nghiệt của biển đảo. Tôi nhớ lời ông tâm sự: “Đêm treo cờ đã đi vào lịch sử; nhưng sức mạnh tiềm tàng, ý chí vô địch của anh bộ đội Cụ Hồ mà anh Trần Văn Giai đã thể hiện trong những giây phút đó, đẹp như một câu chuyện cổ tích giữa thế kỷ XX. Việc bác làm hôm nay, muốn các nhà nghiên cứu đính chính lại một số chi tiết chưa chính xác của lịch sử là trách nhiệm của bác với đồng đội đã khuất”.
Lễ chào cờ tại sân cột cờ Hà Nội, chiều ngày 10-10-1954.
Chúng tôi, thế hệ sinh ra và lớn lên sau ngày Thủ đô giải phóng, nghe câu chuyện ông kể, thấm thía sâu sắc giá trị tinh thần lớn lao của tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cho lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trong ánh sáng độc lập tự do, vẫn hằng có trong mỗi người dân, người chiến sĩ bình dị như ông Trần Văn Giai, Trần Điển, ông Nguyễn Thuận, ông Nguyễn Văn Phiêu, những người đã làm nên kỳ tích trong đêm treo cờ lịch sử.
Ths. Phạm Kim Thanh