Thứ Năm, 16/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/01/2017 00:00 420
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Và cuộc tương phùng tương ngộ với Phan Bội Châu tại Huế

Và cuộc tương phùng tương ngộ với Phan Bội Châu tại Huế

Anh hào nghĩa khí vốn là đồng tác giả của tác phẩm Hải ngọai huyết thư nổi tiếng, hẳn hai cụ có nhiều điểm tương đồng để thành đôi bạn tri âm tri kỷ sau khi Phan Bội Châu từ Nhật về nước, rồi lại cùng tuyên truyền cho sự nghiệp cứu nước, dù rằng Phan không hoạt động ở trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng tâm huyết của hai chí sĩ tưởng như hòa nhập với nhau trong những vần thơ đi thẳng vào trái tim đồng bào.

1

Chí sĩ Lê Đại (1875-1951).

Và những năm 30 của thế kỷ XX, hai cụ thư từ cho nhau vẫn chưa thỏa nguyện nên Phan Bội Châu an trí ở Bến Ngự đã mời Lê Đại vào Huế hàn huyên. Tình bạn đậm đà xiết bao nỗi mừng mừng vui mà bàn việc nước thì bao tâm tư chất chứa. Kỷ niệm bạn ở lại xứ Huế, cụ Lê Đại động viên bạn và mình: “Ngọc chưa cháy núi còn nguyên chất/ Rồng dẫu dìm ao vẫn ngóc đầu/ Hãy biết ngày nào còn chửa chết/ Thơ ngâm ngất ngưởng rượu say nhào”. Phan Bội Châu đáp từ mà rằng: “Còn trời còn đất còn ta chứ/ Núi đổ sông nhào bấy sẽ hay”. Lý tưởng mang chữ Thánh hiền ra cứu đời, giúp nước, các cụ vẫn giữ trọn, tiết tháo, trung trinh, nhưng khi các cụ đành “nghĩ đến non sông ngẩn mặt ngồi” (Cùng cụ Phan Bội Châu uống rượu dưới thuyền sông Hương) là lúc ôm lòng đau đớn lắm. Ba năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử này, Phan Bội Châu mất ở Huế, Lê Đại làm thơ “khóc cụ Phan Bội Châu”: “Mới năm kia tôi cùng say với Cụ trên sông Hương, được thấy chí sĩ hung hoài, ruột tới khi già còn vẫn sắt/ Vừa tháng trước cụ gửi cho tôi bức ảnh chót, ước mong anh hùng sắc tướng, tượng sau lúc chết cũng thành đồng”. Huyết thư tung hoành ngọn bút năm xưa, huyết lệ khóc bạn lúc đó, kết thành chữ để lại cho đời. Tình bạn tình đồng chí sâu nặng suốt cuộc đời thăng trầm của hai đấng trượng phu xả thân cứu nước, trọn vẹn nghĩa tình, mấy ai có được?

Một tấm lòng với nước non

Cách mạng Tháng tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Cụ đến Bắc bộ phủ trò chuyện và đề nghị cụ gặp ông Nguyễn Hải Thần vốn có tình giao hảo cố tri, để mời ông hợp tác với chính phủ. Cụ đã vui vẻ nhận lời, về thảo thư để trao tận tay Nguyễn Hải Thần. Theo con cháu cụ là Lê Thế Dân và Lê Chân Hùng thuật lại, bức thư đó, cụ đưa Hồ Chủ tịch xem trước và Người vui vẻ nói: Cụ đã cao niên mà xem ra văn khí còn trên cả thanh niên một bậc nữa”. Nhưng cuộc hợp tác không thành, Nguyễn Hải Thần chống phá chính quyền cách mạng và cuộc Tổng tuyển cử bầu quốc hội. Cụ tức cảnh “Xem đám bài Tây đừng mắc bợm/Xúm quang đâu đó rặt cò mồi”.

Đời sống tự do độc lập của Hà Nội thu tháng Tám đã thổi vào tâm trí Cụ bao niềm vui và nhận thức mới, khi được làm công dân của nước Việt Nam độc lập, điều mà Cụ và các đồng chí khi hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã mơ ước, không kể gông xiềng và án chung thân đi đày Côn Đảo. Cụ làm thơ mừng các cháu tết Trung thu. Đây là bài thơ lạ trong di cảo của Cụ để lại. Lạ, bởi lúc này, Cụ đã 70 xuân, nhưng bầu tâm sự u uất của Cụ như được xóa đi hết. Cụ như trẻ lại; hồ hởi đón chào bình minh thời đại mới: Tết trung thu này/Vui thực là vui: Có cờ độc lập/ Treo khắp mọi nơi/ Có đền khánh hạ/ Sáng rực góc trời/ Có ghế dân quyền/ Mời chị em ngồi/ Có chè Dân chủ/ Mời các cụ xơi…”.

Từ đây, thơ Cụ Xứ Lê mang hơi thở của cuộc kháng chiến. Tuy đã ngoài 70 xuân, nhưng cụ vẫn tham gia tổ chức Việt Nam Văn hóa Hiệp hội, mong làm con tằm nhả tơ cho đời. Hội mở trường dạy chữ Hán, chính là để học cái tinh túy của Đạo Nho: nhân– nghĩa - lễ - trí - tín mà phục vụ nhân dân. Một số bài thơ chữ Nôm làm trong thời gian này, làm nên nét đặc sắc của thi đàn Hà Nội lúc đó. Văn tế ngày Thánh hóa đức Trần Hưng Đạo dịp hoàn thành trùng tu đền Ngọc Sơn là một áng thơ bi hùng, rung động bao trái tim yêu nước. Nhân sự kiện Đền Ngọc Sơn được trùng tu năm 1951, ca ngợi Trần Hưng Đạo văn tài võ lược: “Đương Mông Cổ mấy đạo quân xâm lấn quốc thế lâm nguy/ Thoắt Chương Dương một ngọn giáo tung hoành, địch quân tan tác”, cũng chính là ngầm khích lệ dân theo gương anh hùng của Đức Thánh Trần mà chống Pháp “Mong một mai vũ trụ hòa bình, quang phục được ngàn năm Tổ quốc”

Thơ chữ Hán, có một số bài do Cụ Xứ Lê tự dịch, vẫn giữ khí phách của Hải ngoại huyết thư, ngoại 70 xuân vẫn muốn truyền bầu máu nóng chống giặc xâm lăng cho hậu thế. Cụ làm thơ chữ Hán truy điệu Kỳ ngoại hầu Cường Để, mất ở Nhật Bản ngày 5-4-1951 và tự dịch; nhưng đặc sắc nhất, hay nhất mảng thơ dịch thời kỳ này là bản dịch bài Quý khứ lai từ (Về vườn) của Đào Tiềm - thi hào kiệt xuất đời đông Tấn và bài Phú, Tiền Xích Bích của Tô Thức (1036-1101) - thi nhân nổi tiếng đời Tống. Thể thơ song thất lục bát nhuần nhị của Lê Đại đã thổi được khí chất thanh cao của Đào Tiềm trong bài từ và tinh thần Nho - Lão của Tô Thức trong bài phú vào những câu thơ thuần Việt tinh tế tuyệt vời: “Ngang dòng nước xuống trắng phau/ Da trời sắc nước một màu sáng tinh/ Thuyền một lá mênh mông sóng vỗ/ Lửng lơ dường cưỡi lá buông xuôi” hoặc “Duy trăng núi với gió sông/ Tai nghe thành tiếng, mắt trông nên màu”.

Bảy tháng sau khi làm bài truy điệu Cường Để, Cụ Lê Đại ra đi ngày 18-11-1951 trong niềm thương tiếc, kính phục của nhân sĩ Hà Thành, một nhân cách tùng bách. Tạp chí Văn hóa tùng biên đăng tin buồn số 12 năm 1951, đau xót tiễn biệt: “Tuy trời mưa mà các giới xa gần đi đưa đám cụ có trên 5, 7 trăm người. Các bạn trong Việt Nam Văn hóa Hiệp hội còn nhắc câu nói cuối cùng của Cụ với một bạn trẻ trong ngày kỷ niệm đức Hùng Vương: “Ưu quốc chi ngôn, quốc chi sở đoản/ Ái quốc chi ngôn, quốc chi sở trường”. Câu đó thực tỏ rõ nỗi lòng ưu tư viễn lự của một nhà chí sĩ lúc nào cũng lo việc nước và kỳ vọng vào những người chân chính yêu nước”.

Ông Lê Chân Hùng, sinh năm 1936, là cháu đích tôn của Cụ, được Cụ đặt hiệu là Tôn Long. Ông học chữ Nho Cụ dạy từ khi 6 tuổi và noi theo gương cụ, trở thành giáo sư Vật lý của trường Sư phạm Hà Nội, giữ nếp nhà Nho gia thanh bạch. Kho tàng văn thơ với các thể loại phong phú bằng chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ của cụ, nhờ có ông Lê Chân Hùng gìn giữ mà hôm nay, chúng ta có được khoảng 100 bài thơ, phú, câu đối, thơ dịch... góp phần quan trọng vào dòng văn học của dân tộc đầu thế kỷ XX. Năm 1959, trong tác phẩm “Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX”, giáo sư Đặng Thai Mai đọc một số bài của Lê Đại, đã có đánh giá cao về Cụ là “Một trong những người giỏi quốc văn, những tay bút lưu loát, hùng hồn chan chứa nhiệt tình cách mạng”.

Ths. Phạm Kim Thanh

Bảo tàng lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Chí sĩ Lê Đại người thổi hồn vào “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu (Phần 1)

Chí sĩ Lê Đại người thổi hồn vào “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu (Phần 1)

  • 24/01/2017 00:00
  • 482

Từ khi ra đời đến nay, Hải ngoại huyết thư - áng thơ bất hủ của Phan Bội Châu như tiếng gọi thống thiết của non sông đất nước, giục lớp lớp dân Việt đứng lên chống giặc xâm lăng, đòi quyền sống trong tự do độc lập. Những câu thơ chữ Hán của Phan Bội Châu được chí sĩ Lê Đại dịch ra thơ chữ Nôm, thể song thất lục bát với nghệ thuật thần tình, linh diệu. Bài thơ như huyết lệ nhỏ máu, in tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 đã đến với muôn vạn trái tim.