Hội nghị Paris bốn bên khai mạc ngày 25-1-1969 là một sự kiện chính trị ngoại giao nổi bật của Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975. Để đi đến hội nghị này là cả một diễn trình đấu tranh rất phức tạp của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cách mạng miền Nam với phía Mỹ và chính quyền tay sai.
Tháng 1-1967, sau những thắng lợi vang dội của quân và dân hai miền Nam Bắc đã tạo ưu thế cho ta, Nghị quyết Trung ương 13 đã quyết định mở mặt trận ngoại giao để tạo cục diện vừa đánh vừa đàm, và kéo Mỹ xuống thang chiến tranh. Chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 13 là buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện của ta. Mỹ đòi “đàm phán vô điều kiện”, ta chủ trương vừa đánh vừa đàm. Nhưng ta cũng luôn tuyên bố đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì cuộc nói chuyện mới có thể tiến hành được.
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ 13 kết thúc, Việt Nam tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhằm làm cho các nước anh em, trước hết là Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ sách lược đánh - đàm của Việt Nam.
Tháng 1-1968, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 quyết định thực hiện Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, chính thức mở ra một giai đoạn mới vừa đánh vừa đàm, phù hợp với truyền thống lịch sử Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân đã buộc Tổng thống Mỹ Johnson, vào đêm 31-3-1968 đã phải công khai tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam khi chưa một mục tiêu nào của cuộc chiến tranh này được thực hiện.
Ngày 3-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố: “Sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện”.

Bộ trưởng Xuân Thủy và các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tại cuộc gặp gỡ giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ về hòa bình tại Việt Nam, Paris, ngày 13/5/1968.
Ngày 13-5-1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức họp phiên đầu tiên. Do lập trường cương quyết của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mỹ buộc phải ngồi nói chuyện chính thức với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và từ tháng 6-1969 là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Đây cũng là sự kiện đã được lịch sử ghi nhận là mốc đánh dấu thời điểm bắt đầu của tiến trình đàm phán Paris về Việt Nam.
Suốt 6 tháng sau đó, lập trường của hai bên hoàn toàn khác nhau về giải quyết vấn đề Việt Nam. Cuộc đấu tranh “4 bên hay 2 bên” - thành phần chính thức của Hội nghị - đã được đưa ra đấu tranh và có ý nghĩa chính trị rất lớn.

Đoàn đại biểu Chính phủ Hoa Kỳ tại cuộc nói chuyện chính giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ về hòa bình tại Việt Nam, Paris, ngày 13/5/1968.
Ngày 18-1-1969, phiên họp đầu tiên của Hội nghị Paris về Việt Nam khai mạc tại phòng họp của Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris - Thủ đô nước Pháp. Bốn đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bàn về việc chuẩn bị cho phiên họp toàn thể lần thứ nhất.

Phiên họp đầu tiên của “Hội nghị Paris về Việt Nam”, năm 1969.
Ngày 25-1-1969, vào hồi 10 giờ 30 phút sáng, Hội nghị bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Đại lộ Kleber, Paris, Cộng hòa Pháp. Trưởng đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Trần Bửu Kiếm đã đưa ra lập trường năm điểm, thực chất là tuyên bố chính trị và bốn tháng sau ngày 8-5-1969 đưa ra giải pháp toàn bộ mười điểm về vấn đề miền Nam Việt Nam. Đây là giải pháp hoàn chỉnh đầu tiên được đưa ra tại Hội nghị bốn bên. Để đối phó lại, ngày 14-5-1969, Tổng thống Ních xơn đưa ra kế hoạch tám điểm với nội dung chính là việc rút quân Mỹ với việc rút quân miền Bắc và giữ chính quyền Sài Gòn, đồng thời tăng cường chi viện cho chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc nhân dân Việt Nam phải thương lượng dưới sức ép của bom đạn Mỹ.
Lập trường của bốn bên mà thực chất là của hai bên Việt Nam và Mỹ, ở giai đoạn đầu rất mâu thuẫn và cách xa nhau, làm cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn đàm phán tại Hội nghị đến mức nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng. Việt Nam yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân và vũ khí khỏi miền Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam; phía Mỹ cũng muốn chấm dứt chiến tranh nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn, nghĩa là Mỹ tiếp tục thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, điều Mỹ không làm được trên chiến trường.

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Phiên khai mạc Hội nghị bốn bên về Việt Nam tại Paris, ngày 25/1/1969.
Trong thời gian này, trên chiến trường, cả Việt Nam và Mỹ đều tìm mọi cách để giành thắng lợi quyết định về quân sự, nhằm thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh dựa trên thế mạnh mà hai phía đang giành giật trên bàn đàm phán nhưng chưa đạt kết quả. Đối với Việt Nam, “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn Hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”.
Từ sau ngày 25-1-1969 cho đến ngày 27-1-1973, Hội nghị Paris về Việt Nam tiếp tục là cuộc đấu tranh ngoại giao đầy khó khăn, gian khổ và cam go, nhưng tinh thần vì độc lập, tự chủ, dĩ bất biến, ứng vạn biến của nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở Thủ đô nước Pháp hướng trọn vào mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” để lật nhào chính quyền tay sai, thống nhất đất nước.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn:
- Hồng Thịnh, “Ngày 25-1-1969: Hội nghị Pari bốn bên khai mạc”, Việt Nam những sự kiện lịch sử nổi bật (1945-1975), H. Khoa học xã hội, 2015, tr. 161-166.
- “Chiến thuật đàm phán hai phe - bốn bên”, Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn, H. Chính trị quốc gia, 2012, tr. 151-195.