Thứ Ba, 22/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/09/2015 15:04 987
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong giai đoạn nửa cuối năm 1949 - đầu năm 1950, thành trì vững chắc của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc thế giới là Liên Xô đã có nhiều sự thay đổi trong chính sách đối ngoại, tạo điều kiện có lợi cho cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Cách mạng Trung Hoa thành công, nước CHND Trung Hoa cùng với hàng loạt nước XHCN ở Đông Âu ra đời…đều là những diễn biến có lợi cho tiến trình cách mạng ở Việt Nam.

Sau thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Thu đông 1947, thực dân Pháp đẩy mạnh việc củng cố và mở rông hành lang Đông - Tây, đồng thời với vùng chiếm đóng ở Trung du, đồng bằng Bắc Bộ, củng cố phòng tuyến biên giới phía Đông Bắc. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phá tan âm mưu phong tỏa biên giới phía Bắc của địch, mở đường giao lưu giữa nước ta và các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ về vũ khí, trang bị, vật chất của bạn bè quốc tế. Trước tình hình đó, tháng 6- 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ đạo Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh chuẩn bị chiến trường để quyết định mở Chiến dịch Biên giới.

Thực hiện nhiệm vụ Trung ương Đảng giao, ngày 7-7-2950, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh mở chiến dịch Biên giới Cao - Lạng, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong. Ngày 27-7-1950, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Đảng ủy viên chiến dịch gồm các đồng chí: Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch; Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm cung cấp; Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị và Bùi Quang Tạo. Cùng với đó, các cơ quan giúp việc cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch cũng gấp rút được thành lập…

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đ/c Uỷ viên BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp bàn về tình hình chiến sự của chiến dịch Biên Giới năm 1950. (Từ trái qua phải: Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phương án tác chiến chiến dịch Biên Giới, năm 1950.

Ngày 16-9-1950, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 của quân Việt Minh chủ động đánh cứ điểm Đông Khê với mục đích cô lập Cao Bằng, uy hiếp cứ điểm Thất Khê và phá thế trận phòng thủ của quân Pháp trên đường số 4. Đến ngày 18, cứ điểm Đông Khê hoàn toàn thất thủ, mặc dù đã được không quân yểm trợ. Quân Pháp nhanh chóng điều động quân đội ở Bắc Bộ thực hiện cuộc “hành quân kép”:

- Một cánh do Trung tá Le Page chỉ huy hành quân từ Thất Khê lên nhằm chiếm lại cứ điểm Đông Khê, mở lại đường số 4 và thu hút chủ lực của quân Việt Minh.

- Một cánh do trung tá Charton chỉ huy tiến công từ Cao Bằng xuống gặp Le Page ở Đông Khê.

Trung đoàn 209 (Trung đoàn Sông Lô) của Việt Minh đã hành quân lên Quan Liệt, phía Bắc Đông Khê để chặn đánh binh đoàn Charton. Ngày 6-10, cánh quân của Charton cũng đến được Cốc Xá và bắt liên lạc được với Le Page. Đại đoàn 308 lập tức bao vây chặt Cốc Xá và điểm cao 477. Trung đoàn 209 chặn ở phía Bắc. Phía Nam, Trung đoàn 174 chốt chặn đường rút ở Cốc Tồn - Khau Pia. Sáng sớm ngày 6-10, Trung đoàn 36 bắt đầu tấn công Cốc Xá và đến buổi trưa thì gần như toàn bộ binh đoàn Le Page đã bị xóa sổ chỉ còn 650 trên tổng số 2500 người, số ít còn lại cố chạy sang điểm cao 477 cùng với chỉ huy Le Page. Nhưng tại 477, 5 tiểu đoàn của Đại đoàn 308 và của Trung đoàn 209 đã vây chặt quân Charton. Hai bên giành nhau quyết liệt tại các điểm cao ở đây. Đến chiều, Binh đoàn Charton trở nên rối loạn khi biết tin binh đoàn Le Page đã bị xóa sổ. Charton đã tập hợp những người còn sống sót rút khỏi điểm cao 477, mở đường máu về Nà Cao, nhưng đến chiều thì bị bắt làm tù binh với toàn bộ ban tham mưu. Những quân lính còn lại của Le Page cùng với chỉ huy của mình mất liên lạc với Charton đã tìm cách rút lui theo đường rừng để về Thất Khê nhưng sang ngày 8-10, Le Page cũng bị các quân sĩ của Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 bắt làm tù binh cùng với các sĩ quan tham mưu của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, chiến dịch Biên Giới, ngày 16- 9- 1950.

Tính đến ngày 8-10, bộ đội Việt Minh đã loại khỏi vòng chiến đấu 8 tiểu đoàn quân Pháp, làm sụp đổ kế hoạch phòng thủ biên giới. Trước nguy cơ Thất Khê sẽ bị tiêu diệt như Đông Khê, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã ra lệnh rút khỏi Thất Khê trong rối loạn và chịu đựng những tổn thất nặng nề khi bị 4 tiểu đoàn của Đại đoàn 308 cùng toàn bộ Trung đoàn 174 (Cao Bắc Lạng) truy kích.

Ngày 17-10, Việt Minh chủ động kết thúc chiến dịch. Dưới sự uy hiếp của bộ đội Việt Minh và sự hoang mang của Bộ Chỉ huy Pháp, tới ngày 22-10-1950, quân đội Pháp phải rút hoàn toàn khỏi các cứ điểm còn lại trên đường 4 như: Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn…với thiệt hại nặng về trang bị.

Trong chiến dịch này, Bộ Tổng Tư lệnh đã chuẩn bị chiến trường chu đáo, nghiên cứu nắm địch chính xác, xác định đúng phương châm chiến dịch: “đánh điểm diệt viện”, có kế hoạch tác chiến phù hợp. Sau khi ta đánh “điểm’ Đông Khê, chia cắt lực lượng địch giữa Cao Bằng, Lạng Sơn, chúng buộc phải đưa lực lượng “viện” từ Lạng Sơn lên ứng cứu cho lực lượng bị cô lập, chia cắt ở Cao Bằng, tạo điều kiện để ta thực hiện vận động tiến công, tổ chức chia cát, bao vây tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn hai binh đoàn cơ động Le Page và Charton, đẩy lui binh đoàn De la Beaume đến giải vây.

Hai quan năm Charton (ngồi hàng đầu, mờ) và Le Page (ngồi giữa) bị bắt làm tù binh ngày 7-10-1950 tại chân núi Cốc Xá điểm cao 447 trong chiến dịch Biên Giới.

Những tù binh Pháp bị bắt trong chiến dịch Biên giới.

Sau 29 ngày đêm chiến đấu, ta đã đánh và tiêu diệt gần 10 tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu 8296 tên, thu được 3.000 tấn vũ khí, phương tiện. Chiến thắng Biên giới 1950, không chỉ tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực của quân Pháp mà còn giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, khu căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng, nối liền với Trung Quốc, cùng với các nước XHCN ở Đông Âu và các nước bạn bè yêu chuộng hòa bính trên thế giới. Vòng vây biên giới bị đập tan, hành lang Đông - Tây bị chọc thủng, Kế hoạch Rơ-ve bị sụp đổ…đây là thất bại lớn trong lịch sử chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ, chiến sĩ sau khi kết thúc chiến dịch Biên Giới, năm 1950.

Với đường lối chiến tranh đúng đắn kết hợp với nghệ thuật chiến tranh đạt tới đỉnh cao cùng với sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt đã tạo nên chiến thắng to lớn ngoài dự kiến trong Chiến dịch Biên giới 1950. Thắng lợi to lớn này đã mở ra thời kỳ mới trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược - thời kỳ thế chủ động trên chiến trường nằm trong tay quân đội cách mạng Việt Nam.

Đức Toàn (tổng hợp)

Nguồn:

- Nguyễn Huy Tưởng/ Chiến dich Biên giới Ký sự Cao Lạng Nhật ký chiến dịch. Nxb Thanh Niên. Hà Nội, 2005

- Nhiều tác giả/ Tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh. Nxb QĐND. Hà Nội, 2007.

- T.Lan/ Vừa đi đường vừa kể chuyện. Nxb Trẻ. Tp HCM, 1999.

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ Tổng tập hồi ký. Nxb QĐND. Hà Nội 2006.

www.dangcongsan.vn

www.qdnd.vn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: