Thứ Tư, 30/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/08/2015 00:00 747
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Những ngày tháng khó khăn chuẩn bị ra báo

Báo "Việt Nam Độc lập" (VNĐL) là một tờ báo cách mạng sau các tờ "Le Paria" (Người cùng khổ), "Thanh niên", "Thân Ái" đều do Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Có thể nói VNĐL là một tờ báo được phát hành lâu nhất trong các tờ báo cách mạng, nhưng lại là tờ báo được ra đời nhanh nhất. Từ lúc dự định đến lúc xuất bản - chỉ trong vòng 1 tháng (tức là từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 1941) (1). Biết bao gian truân, vất vả của những người làm báo trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn ở căn cứ địa cách mạng Cao Bằng khi mà vận nước đang ở thế "Ngàn cân treo sợi tóc".

Sau hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng được thành lập, ra sức phát triển các đoàn thể cứu quốc ngày càng lớn mạnh, rồi lại phải gấp rút chuẩn bị đội ngũ cán bộ quân sự để dần tiến tới vũ trang toàn dân, thành lập quân đội cách mạng. Trước mắt là phải tập trung lực lượng để củng cố Tỉnh Đảng bộ Cao Bằng. Lúc này phương tiện tuyên truyền cổ động của tỉnh Cao Bằng chưa có gì. Ngay một tờ báo cũng không có. Trước tình hình này, Bác Hồ chủ trương cần tổ chức xây dựng một tờ báo lấy danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng. Đầu tháng 7/1941, tỉnh Cao Bằng nhận được lệnh chuẩn bị bằng mọi cách, trong một tháng để báo có thể xuất bản được. Theo chỉ thị của Bác, đồng chí Vũ Anh về gặp tỉnh uỷ lâm thời và làm việc với các đồng chí trong ban Việt Minh tỉnh, truyền đạt lại ý kiến của Bác, cùng thảo luận rất kỹ về những khó khăn và thuận lợi của việc ra báo: Có những thứ có thể tự mua sắm lấy như giấy, mực để in báo. Riêng mực thì phải cho người về Hà Nội mua(2).

Báo "Việt Nam độc lập", cơ quan Tuyên truyền của Việt Minh Cao Bằng. Số 101, 01/8/1941.

Nhưng khó nhất là làm sao tìm chọn một đồng chí đảng viên, thanh niên hăng say và tuyệt đối trung thành với cách mạng, lại phải biết viết chữ trái (chữ ngược) trên mặt đá rồi in phải chữ lại trên mặt giấy báo. Khó thứ hai là việc tìm ra một phiến đá được mài láng một mặt, rồi phải chuyển phiến đá này tới Khuổi Nậm (Pắc Bó). Khó thứ ba là mọi sự chuẩn bị đều phải hết sức giữ bí mật, đề phòng mật thám theo dõi, phát hiện. Do vậy, để thực hiện những công việc trên phải hết sức cẩn thận, phải kiểm tra giám sát từng việc. Phân công phụ trách ai làm việc gì, không những phải làm tròn nhiệm vụ, đúng kế hoạch, đúng thời gian mà lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng lộ bí mật. Bác Hồ chỉ thị: Nếu làm được nhanh hơn, sớm hơn thì càng tốt và bằng mọi cách để đúng ngày 1/8/1941 số báo đầu tiên của VNĐL phải được ra mắt để kỷ niệm chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Thảo luận và lập kế hoạch với tỉnh ủy Cao Bằng xong, đồng chí Vũ Anh trở lại Khuổi Nậm để báo cáo công việc ngay với Bác. Trước chủ trương gấp rút như vậy, cụ thể như vậy, các đồng chí trong ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, mặc dù rất lo lắng nhưng cũng rất vui mừng phấn khởi, chuyển lời hứa quyết tâm tới Bác qua đồng chí Vũ Anh: Sẽ có đầy đủ phương tiện in ấn trong thời gian đã định. Trong khi chờ đợi có đầy đủ phương tiện xuất bản, Bác yêu cầu xem lại công thức chế biến loại mực viết trên mặt đá của đồng chí Phùng Chí Kiên để chế biến sẵn mực cho đủ dùng. Riêng việc chuẩn bị nội dung thì Bác nhận sẽ đảm nhiệm. Bác lại nói: Mục đích của tờ báo VNĐL là: Phải làm cho nhân dân ta hết dốt nát, biết rõ sự việc từ xa đến gần, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ cụ thể đến khái quát. Từ đó, biết đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật, làm cho Việt Nam độc lập tự do bình đẳng.

Giữ cho báo tồn tại và phát triển

Theo yêu cầu của Bác, tờ báo ra một tháng 3 kỳ vào các ngày 1, 11 và 21. Lúc đầu mỗi kỳ in khoảng 100 bản. In ít như vậy, sau sẽ in nhiều lên theo phong trào cứu quốc mở rộng. Báo bán mỗi tờ giá 1 xu thì hội viên cứu quốc mới ham đọc. Nếu báo không bán mà cho không thì người ta quan niệm là của cho, nên không quý và sẽ không ham đọc. Còn nếu bán báo, hội viên bỏ tiền ra mua thì họ sẽ quý tờ báo. Kích thước của tờ báo theo khổ giấy nhỏ hai trang. Và theo đúng kế hoạch ngày 1/8/1941, số báo đầu tiên của VNĐL đã ra mắt đề là 101.

Khi tờ báo ra đời, quần chúng rất quý trọng và hết lòng ủng hộ, mà cái cách ủng hộ của nhân dân cũng thật mộc mạc và giản dị: Đó là những rổ chanh để pha chế mực in, vài chục quả trứng gà, mấy kg gạo, vài nải chuối, vài rổ khoai, rổ bắp, v.v... cho anh em biên tập bồi dưỡng. Ngoài ra, nhân dân còn tìm mọi cách để che mắt địch. Họ nhận nhiệm vụ đi mua giấy, mực cho "toà báo". Chưa bao giờ lại thấy quần chúng thi đua nhau mua báo, đọc báo nhiều như vậy. Hội viên nào chưa đọc được báo thì họ quay ra học chữ để đọc cho được báo và vô tình – chính tờ báo lại là người cổ động học viên chống nạn mù chữ.

Bên cạnh các thuận lợi trên, tờ báo cũng gặp không ít khó khăn: Địa điểm in ấn báo ở giữa rừng núi, xung quanh là đồng bào các dân tộc ít người phần lớn chưa biết đọc, biết viết. Dụng cụ in báo thì quá thô sơ. Vật liệu dùng để in báo lại rất khó kiếm. Để tồn tại được, báo đã phải tăng giá. Lúc đầu là 1 hào, sau tăng lên 1 hào rưỡi. Có lúc vì giấy mực in thiếu thốn quá nên báo phải tạm dừng in như số 182, ngày 1-12-1943 có tin: “Xin lỗi độc giả, báo không ra được vì không có giấy”. Tuy nhiên, có lúc mỗi kỳ báo in được từ 600-700 bản.

Đến số báo 185 (01/01/1944), báo phải rút đi từ mỗi tháng 3 kỳ xuống còn 2 kỳ. Cứ như vậy, thuận lợi phát huy, khó khăn khắc phục, báo VNĐL vẫn kiên trì nhẫn nại chuyển tải thông tin tới các đoàn thể cứu quốc. Sức mạnh tuyên truyền của tờ báo thật kỳ lạ! Nó đáp ứng được rất nhiều vấn đề cấp thiết trước mắt của Mặt trận Việt Minh lúc bấy giờ. Các cán bộ chuyên trách đã dựa vào nội dung tờ báo mà vận dụng trong công tác của mình hàng ngày. Càng về sau, tác dụng tuyên truyền của báo càng lớn.

VNĐL đã sống trong lòng quần chúng và phong trào cách mạng một cách tự nhiên như vậy.

Từ khi ra đời đến 12/8/1942 hầu như số báo nào, bài xã luận và bài thơ vần cũng đều là của Bác Hồ viết. Trước ngày lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các nước trong phe Đồng minh chống Nhật, Bác đã bàn giao lại cho đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách báo. Đầu năm 1943, Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng thành lập thì VNĐL trở thành cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh liên tỉnh.

Báo Việt Nam Độc Lập – vũ khí tuyên truyền hữu hiệu

Báo VNĐL thường có các mục xã luận, tin trong nước, Tin quốc tế, Vườn văn...Báo dùng cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, giản dị, có tranh minh họa, sử dụng văn vần giúp mọi tầng lớp quần chúng dễ đọc, dễ hiểu.

Báo thường đăng các bài lên án tội ác của thực dân Pháp:

“Đế quốc Pháp thật là ác nghiệt

Làm dân ta như điếc, như mù

Làm ta dở dại, dở ngu

Biết gì việc nước, biết đâu việc đời” (VNĐL số 101)

Hay

“Giặc Nhật cưỡi cổ giặc Tây

Giặc Tây cưỡi cổ một bầy dân Nam” (VNĐL số 102)

Dân tộc ta, nhân dân ta muốn sống thì phải mau mau đoàn kết lại, đánh đuổi Pháp- Nhật. VNĐL chú trọng đem những bài học lịch sử của tổ tiên ra giáo dục nhân dân noi gương hy sinh chiến đấu vì nước.

“Toàn dân ta đều nhất trí đồng tình

Đoàn kết chặt chẽ như ngôi sao năm cánh

Đoàn kết chặt thì sức mình chắc mạnh

Chắc đánh ta lũ đế quốc Nhật – Tây

Chắc làm cho non nước Việt Nam này

Sớm phất phới cờ Việt Nam độc lập” (VNĐL số 107)

VNĐL viết về yêu cầu đoàn kết chung cả nước, cả dân tộc, đồng thời đi vào từng giới, từng tầng lớp xã hội, khai thác những mâu thuẫn của họ với phát xít Nhật – Pháp và đề ra nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập tự do cho toàn dân tộc và quyền lợi riêng của giới mình, tầng lớp mình như Dân cày chân lấm, tay bùn, sưu cao thuế nặng:

“Dân ta không có ruộng cày

Bao nhiêu đất tốt về tay đồn điền...

Mai sau thực hiện chương trình:

Việt Nam nông dã tất canh kỳ điền” (VNĐL số 103)

Phụ nữ vốn có truyền thống đấu tranh vẻ vang, lâu đời, sát cánh cùng nam giới chống xâm lược, đoàn kết trong mặt trận Việt Minh “làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng” (VNĐL số 104). Trẻ con vì vận nước gian nan mà không được học hành, khó nhọc vất vả kiếm miếng ăn, do đó cũng phải tham gia cứu quốc:

“Bao giờ đuổi hết Nhật -Tây

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng” (VNĐL số 106)

Nhà giàu của cải nhiều, nhưng nhà có mà nước mất, ra luồn vào cúi, vận mệnh trong tay kẻ thù thì có thể phút chốc hóa thành người tay không cho nên:

“Muốn cơ nghiệp khỏi suy đồi

Phải lo cứu giống, cứu nòi mới nên

....

Cứu nước tức là cứu nhà

Giàu mà như thế mới là giàu khôn” (VNĐL số 112)

Quần chúng đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Bị địch khủng bố không tránh khỏi tư tưởng hoang mang, dao động. Báo VNĐL đã viết hàng loạt bài về chống khủng bố, kiên quyết giữ vững phong trào, phân tích khủng bố không phải bây giờ mới có. Báo ra số đặc biệt chống khủng bố (số 162) biểu dương những địa phương chống khủng bố giỏi, những cán bộ đi sát phong trào, bảo vệ cơ sở cách mạng.

Số 120 có bài “Súng ở đâu” phân tích: đoàn kết cần hơn súng, đoàn kết tức là súng, nhấn mạnh sức đoàn kết là yếu tố cơ bản nhất để đánh kẻ thù, là tiền đề tạo ra vũ khí cho quần chúng cách mạng.

Họa bản báo Việt Nam Độc Lập, cơ quan Tuyên truyền Việt Minh Cao Bắc Lạng. Số ra ngày 25/5/1945.

VNĐL số 121 đăng bài “Bao giờ khởi nghĩa” chỉ đạo tư tưởng cách mạng, định hướng cho quần chúng biết thời cơ, điều kiện, thời điểm tiến hành khởi nghĩa thành công. Để chỉ đạo tư tưởng và hoạt động của cán bộ, báo dành mục riêng “Những điều cán bộ cần biết” (số 136 và 137) chỉ ra cách làm việc ra sao, phải giữ gìn kỷ luật và bí mật thế nào, khi bị địch khủng bố thì trấn tĩnh tinh thần, phải làm gương cho quần chúng.... Số 187, 188, 189 hướng dẫn cán bộ về công tác bí mật, tổ chức liên lạc giao thông bí mật, về chống khủng bố và phải có thái độ kiên quyết trước sự khủng bố của địch.

VNĐL hướng dẫn tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Việt Minh cấp xã đến tỉnh từ việc thành lập, tổ chức đại hội các cấp, phổ biến kinh nghiệm hoạt động, sinh hoạt...

Báo luôn bám sát sự thay đổi, tình hình chính trị trong nước và có bài bình luận về những sự kiện chính trị quan trọng: tình hình chuyển biến ở Đông Dương, trong triều đình Huế.. (số 208, 213)

Những tấm gương chiến đấu, hoạt động xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ luôn được VNĐL biểu dương, cổ vũ kịp thời:

“Làm giỏi thì được mề đay

Chúng ta đều phải xắn tay mà làm” (Số 134)

Hoặc những đồng chí hy sinh vì nghĩa lớn trong nhà tù của giặc, trên đường đi công tác hay mất vì bệnh tật....đều được báo đưa tin khá nhiều. (số 116, 143, 149, 154, 150...)

Về tình hình quốc tế, VNĐL viết những tin ngắn gọn, dễ hiểu, điểm thơ, ca về diễn biến chiến tranh thế giới, Pháp đầu hàng Đức (số 101), Pháp đầu hàng Nhật (số 103), Liên Xô chống Đức (số 102, 109, 116,156, 179...), chiến thắng của phe Đồng Minh (số 110, 192, 196...), kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai (số 214, 215, 216. 226)..

Rulô và bàn đá dùng in báo Việt Nam Độc Lập và những tài liệu khác của Đảng những năm 1941-1942.

Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, sự tồn tại, phát triển và vai trò của báo VNĐL xuất bản cách nay 74 năm, chúng ta mới hiểu tại sao tờ báo lại có được sức truyền cảm lớn như vậy. Và cũng rất cảm động khi được nhìn lại những phương tiện in ấn báo VNĐL hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia! Đó là bàn đá in, rulô in, con dấu đóng tên báo VNĐL và sản phẩm của nó là 125 số báo và 3 họa bản ra tháng 5, 6,7 - 1945 đang được bảo quản tại Bảo tàng. Sưu tập báo VNĐL là những hiện vật gốc quý, luôn được nhiều nhà nghiên cứu, công chúng quan tâm, tìm hiểu, đánh giá với niềm trân trọng ./.

Tường Khanh (Ban Xây dựng ND&HTTB)

Chú thích:

(1).Hồi ký của đồng chí Vũ Anh - Tài liệu lưu tại BTLSQG
(2).Hồi ký của đồng chí Vũ Anh - Tài liệu lưu tại BTLSQG

(1

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: