Chủ Nhật, 23/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/11/2015 21:21 634
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Aşıklı Höyük là một gò đất nằm bên bờ sông Menlendiz, thuộc miền Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, gần di chỉ Çatalhöyük nổi tiếng.

Có nguồn gốc từ 7500 năm trước CN, di chỉ Çatalhöyük nổi tiếng là một trong những di chỉ lớn và cổ nhất thời kỳ đồ đá mới từng được tìm thấy. Nhưng Aşıklı Höyük thậm chí còn xuất hiện trước di chỉ này, nó xuất hiện vào khoảng 8000 năm trước CN.

Phần còn lại của di chỉ được phát hiện có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 8 trước CN.

Mặc dù di chỉ này ít được biết đến và nhỏ hơn di chỉ Çatalhöyük, các cuộc khai quật khảo cổ học ở Aşıklı Höyük đã cho thấy cách nhìn phong phú về cuộc sống của một thị trấn nhỏ cách đây 10000 năm, di tích này xuất hiện trước cả những kim tự tháp, các công trình tôn giáo theo phong cách Lưỡng Hà, các quảng trường và các công trình kiến trúc trong những thành phố cố rộng lớn nhất ở Lưỡng Hà và Ai Cập.

Di tích này được giáo sư Ian A.Todd nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 1964, thời này vẫn chưa có những cuộc khai quật với quy mô lớn, cho đến năm 1989, dưới sự chỉ đạo của Ufuk Esin, nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Istanbul, cuộc khai quật quy mô lớn mới bắt đầu, và đây là một trong những cuộc khai quật khảo cổ học quan trọng nhất trong khu vực, và hiện nay di chỉ này vẫn đang được nghiên cứu và tìm kiếm.

Những khám phá được phát hiện ở di chỉ Aşıklı Höyük gồm có các cấu trúc nhà ở bằng gạch phơi (loại gạch không nung chín ở lò), ít nhất 400 gian phòng và 70 ngôi mộ nằm dưới sàn nhà được tìm thấy.

Một người trong tư thế co rúm được chôn cất dưới sàn nhà.

Thông thường, những ngôi nhà có một hoặc hai phòng cùng với một lò sưởi, một số phòng được xây dựng bằng những lớp đất.

Thật kỳ lạ, bên trong những ngôi nhà này tương đối tối, vì chúng được xây dựng không có cửa ra vào hoặc cửa sổ. Ông Heval Bozbay, thành viên của đội nghiên cứu di tích Aşıklı Höyük từ năm 2009 cho biết: “Những ngôi nhà này không có cửa ra vào, để vào được bên trong ngôi nhà, cần phải leo lên một cái thang từ bên ngoài, sau đó chui vào một lỗ trên mái để đi xuống cầu thang bên trong. Nguồn ánh sáng duy nhất chính là lỗ hổng trên mái này, cùng với một hoặc hai lỗ ở tường, những lỗ này quá nhỏ để có thể gọi là cửa sổ theo tiêu chuẩn hiện đại”.

Một tảng đá bằng vỏ chai và các hiện vật khác bằng đá bazan, đá granite đã được tìm thấy ở di chỉ.

Nằm trong khu vực có hoạt động địa chất núi lửa từ xa xưa, cư dân trong cộng đồng này dễ dàng tiếp cận với nguồn nguyên liệu phong phú, những chất liệu sinh ra từ núi lửa đã mang lại cho họ những di sản.

Đá Obsidian là một nguồn tài nguyên có giá trị lớn, theo các nhà nghiên cứu, nó có thể trở thành một sản phẩm thương mại giữa cộng đồng này với các cộng đồng xa xôi khác ở SyriaCyprus.

Phát hiện thú vị nhất có lẽ liên quan đến một cấu trúc nhà ở hình vuông, các dấu vết của nội thất bên trong ngôi nhà có trát thạch cao hoàn toàn được sơn màu son đỏ. Những nghiên cứu bên trong ngôi nhà này cho thấy trong từng góc nhà đều có một tảng đá lớn, trên đó có đặt một cọc bằng gỗ. Ông Bozbay cho biết: “các nhà khảo cổ học nghiên cứu cấu trúc này đã phát hiện khả năng nơi này được sử dụng để thực hiện những nghi lễ tôn giáo, các dấu vết còn lại cho thấy có một loại chất lỏng được đổ ngay trong các nghi lễ”.

Đây là một ngôi đền hay là một cấu trúc nhà cộng đồng? Câu hỏi này vẫn chưa được trả lời.

Ngôi đền hoặc công trình cộng đồng. Nền và tường được sơn đỏ. Các lớp khác nhau của tòa nhà ở phía dưới bên trái bức ảnh.

Ngày nay, du khách có thể nhìn thấy những hình ảnh tái dựng về những ngôi nhà cũng như ụ đất nơi diễn ra các cuộc khai quật.

Những nghiên cứu về di chỉ sẽ tiếp tục được thực hiện và các nhà khảo cổ học hy vọng rằng di chỉ Aşıklı Höyük cũng như các di chỉ nổi tiếng khác thời kỳ đồ đá mới như Çatalhöyük và Göbekli Tepe sẽ mang đến những thông tin quý giá về đời sống của cư dân thời kỳ đồ đá mới cùng với cách thức mà cộng đồng của họ đã hình thành những nền tảng, trên đó xây dựng những nền văn minh lớn ở Địa Trung Hải.

Nguyễn Thúy (sưu tầm)

Theo: http://decouvertes-archeologiques.blogspot.com/

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: