Trong không khí tưng bừng của Hội xuân Giáp Ngọ đang diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam - số 2, Hoa Lư (Hà Nội), chiều ngày 19/01/2014 đã diễn ra buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” chủ đề “Năm Ngọ - Những mốc son lịch sử” với sự tham gia của hơn 300 em học sinh đến từ trường THCS Nguyễn Du và trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội.
Trong số 12 con vật biểu tượng của 12 con giáp như: chuột, trâu, hổ…thì ngựa - biểu tượng của năm Ngọ - là một trong số những con vật được con người coi trọng và được sử dụng như một hình tượng nghệ thuật trong hội họa, điêu khắc, văn thơ… .Năm con Ngựa - năm Ngọ là mốc thời gian đã gắn liền với những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc như: năm 550 (Canh Ngọ) chiến thắng quân xâm lược nhà Lương; năm 776 (Bính Ngọ) chiến thắng quân xâm lược nhà Đường, năm 1258 (Mậu Ngọ) chiến thắng quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ nhất, năm 1954 (Giáp Ngọ) - chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ….
Với những ý nghĩa đó, nhân dịp Xuân Giáp Ngọ (2014), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trung tâm Triển lãm văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Trường THCS Nguyễn Du và THCS Ngô Sĩ Liên tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” chủ đề “Chào Xuân Giáp Ngọ” nhằm giúp các em hiểu thêm về những sự kiện trọng đại của dân tộc đã diễn ra vào năm con ngựa, cũng như những lễ hội truyền thống vào dịp đầu xuân, năm mới của dân tộc. Từ đó, chúng ta càng tự hào thêm về truyền thống oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Tham gia buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, học sinh được tham quan Phòng Trưng bày “Những dấu ấn lịch sử năm Ngọ” với nội dung trọng tâm là tìm hiểu về các sự kiện đã diễn ra có liên quan đến năm Ngọ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc với điểm nhấn trọng tâm là Lễ hội Gióng truyền thống và chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ năm 1954. Sau đó, tại sân khấu lớn ngoài trời, các em được tham gia 4 hoạt động chơi mang tên: Theo dòng lịch sử; Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thông minh - khéo léo, Em tập làm chiến sĩ.
Hoạt động chơi thứ nhất mang tên “Theo dòng lịch sử. học sinh của hai trường chia thành hai đội cùng tìm hiểu về những sự kiện, những mốc lịch sử quan trọng có liên quan đến năm Ngọ thông qua 10 câu hỏi tương ứng vói 10 ô số. Sau khi chọn ô số, các em có có 15 giây suy nghĩ và ghi đáp án ra bảng. Trong quá trình tham quan phòng trưng bày, các em đã được cung cấp các kiến thức lịch sử rất bổ ích, lý thú liên quan đến hoạt động này, vì vậy, đây là hoạt động thu hút sự chú ý của các em học sinh.
Hoạt động chơi “Theo dòng lịch sử”
Tham gia buổi sinh hoạt “Giờ học Lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, em học sinh hai trường THCS Nguyễn Du và THCS Ngô Sĩ Liên đã mang đến cho chương trình những tiết mục văn nghệ rất hấp dẫn.
Các tiết mục văn nghệ hấp dẫn của học sinh hai trường
Hoạt động 2 của chương trình mang tên: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã diễn ra hết sức sôi động với sự tham gia của hai đội chơi đến từ trường THCS Nguyễn Du và THCS Ngô Sĩ Liên. Hoạt động chơi này được thực hiện nhằm mô phỏng lại hoạt động vận chuyển lương thực vào chiến trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên màn hình trình chiếu bức ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Bức ảnh đó được cắt thành 12 mảnh, nhiệm vụ của học sinh là các em gánh lương thực (4 quả bóng) bằng quang gánh, vượt qua các chướng ngại vật, không được để rơi bóng, đến điểm tập kết, lựa chọn một mảnh ghép và gắn lên bảng. Ghép xong thành viên đó quay trở lại vị trí xuất phát để bạn khác tiếp tục chơi. Sau khi ghép xong, 2 đội hội ý và cử đại diện lên trình bày hiểu biết về sự kiện trong bức ảnh. Trong hoạt động này, đội chơi đến từ trường THCS Ngô Sĩ Liên đã nhanh chóng vượt qua chướng ngại vật và ghép hoàn chỉnh bức tranh, nhưng trong phần thuyết trình thì đại diện cho học sinh đến từ trường THCS Nguyễn Du đã có phần thuyết trình hay và ấn tượng hơn. Hết thời gian, hai đội chơi đã hoàn thành xuất sắc hoạt động này.
Hoạt động Chiến thắng Điện Biên Phủ
Với điểm nhấn của Hội Xuân Giáp Ngọ này là Hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và tôn vinh hình ảnh người Anh hùng huyền thoại Thánh Gióng sau khi đánh tan quân xâm lược đã cưỡi ngựa bay về trời... những người làm chương trình đã đưa các em đến với hoạt động chơi Thông minh - Khéo léo (mô phỏng hành động Thánh Gióng nhổ tre làm vũ khí đánh giặc Ân). Tham gia hoạt động này gồm có 2 đội, mỗi đội 5 bạn. Nhiệm vụ của các bạn chơi là dùng xe lắc, vượt qua các chướng ngại vật để nhổ cây tre. Trên mỗi cây tre có 1 ô số tương ứng với 1 câu hỏi. Sau đó, nhanh chóng về điểm xuất phát để bạn khác tiếp tục lên nhổ tre. Sau khi nhổ hết số cây tre, hai đội về vị trí của mình để trả lời các các hỏi đội mình đã lấy được. Ngay từ những phút đầu tiên của hoạt động này, không khí của buổi sinh hoạt đã nóng nên, với sự cổ vũ của các bạn cổ động viên, các bạn của hai đội chơi không đội nào chịu thua kém đội nào và nhanh chóng trả lời chính xác các câu hỏi của chương trình với nội dung xoay quanh các thông tin, giá trị lịch sử, văn hóa của Lễ hội Gióng.
Hoạt động Thông minh - Khéo léo
Xen kẽ giữa các hoạt động chơi là phần giao lưu cùng khán giả để cùng chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của các em về chương trình này.
Giao lưu cùng khán giả
Hoạt động chơi thứ 4 mang tên “Em tập làm chiến sĩ” đã được các em học sinh hưởng ứng rất nhiệt tình. Bởi đây là 1 hoạt động khó, đòi hỏi ở các em sự thông minh, khéo léo và phải hết sức tập trung để theo dõi quy trình thực hiện việc gấp quân trang của các chú bộ đội. Hình thức chơi của hoạt động này là chơi theo cặp, mỗi đội 4 cặp (8 bạn) tham gia và 2 trọng tài. Nhiệm vụ của các em là theo dõi các bước gấp quân trang dưới sự hướng dẫn của Thượng úy Đàm Quang Khánh - Ban Chỉ huy Quân sự quận Hoàn Kiếm. Thời gian cho hoạt động này là 10 phút, cặp đôi nào xếp đúng, nhanh, gọn gàng và đẹp nhất là cặp đôi thắng cuộc. Hết thời gian, cả hai đội đã nhanh chóng hoàn thành phần chơi này, có 3 em xếp nhanh, đẹp nhất và tất cả các em tham gia đã nhận được phần thưởng của chương trình.
Hoạt động Em tập làm chiến sĩ
Tuy chỉ kéo dài trong thời gian gần 2 giờ đồng hồ, buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” chủ đề “Năm Ngọ - Những mốc son lịch sử” đã thực sự trở thành một sân chơi đầy hấp dẫn, bổ ích với các em học sinh trường THCS Nguyễn Du và THCS Ngô Sĩ Liên và đông đảo khán giả theo dõi chương trình. Những kiến thức lịch sử, những giá trị di sản văn hóa của dân tộc mà mỗi em học sinh tiếp thu được sau các hoạt động chơi là bài học vô giá về những sự kiện trọng đại, những lễ hội truyền thống trong lịch sử dân tộc… Những người làm chương trình hy vọng rằng, sau chương trình này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ còn có nhiều chương trình khác phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa- Nghệ thuật Việt Nam, với các Trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn Thành phố Hà Nội để đem đến cho các em học sinh những buổi sinh hoạt, học tập bổ ích, nhiều trải nghiệm thú vị và hấp dẫn./.
Lê Liên (Phòng Giáo dục, Công chúng)