Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn số 3376/BVHTTDL-DSVH, ngày 26-8-2016 về việc thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020.
Công văn đã có những chỉ đạo cụ thể cho các dự án xây dưng bảo tàng mới và những nơi chưa có đủ điều kiện đầu tư xây dựng bảo tàng. Cụ thể:
Đối với các dự án xây dựng bảo tàng mới: cần ưu tiên tăng cường đầu tư kinh phí cho việc chuẩn bị nội dung, thiết kế mỹ thuật trưng bày và thực hiện trưng bày bảo tàng; đồng thời cần tổ chức triển khai trước việc chuẩn bị nội dung, thiết kế mỹ thuật trưng bày để có cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc chuẩn bị và triển khai xây dựng công trình kiến trúc bảo tàng.

Một không gian trưng bày “Rồng bay” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Pháp năm 2015.
Đối với trường hợp chưa có điều kiện đầu tư xây dựng bảo tàng mới; trước mắt ưu tiên tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật để chuẩn bị tiền đề cho việc xây dựng bảo tàng vào thời điểm thích hợp.
Nhằm khắc phục tồn tại trong việc triển khai Quy hoạch trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Bộ, Ban, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, đầu tư và tạo điều kiện cho sự phát triển của các bảo tàng trực thuộc theo một số định hướng: tăng cường đầu tư kinh phí hợp lý cho việc chuẩn bị nội dung, thiết kế mỹ thuật trưng bày và thực hiện trưng bày bảo tàng đối với các dự án xây dựng bảo tàng mới; đổi mới nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng theo định hướng tăng cường trưng bày hiện vật gốc, hạn chế việc sử dụng các tác phẩm hoặc tổ hợp nghệ thuật trong trưng bày để minh họa cho những nội dung trưng bày còn thiếu hoặc không có hiện vật gốc; đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, trình diễn giới thiệu di sản văn hóa tại bảo tàng. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho các bảo tàng trực thuộc phối hợp và hỗ trợ các bảo tàng khác trong hệ thống bảo tàng (đặc biệt là các bảo tàng ngoài công lập) tổ chức các hoạt động chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Minh Vượng