Thứ Hai, 09/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/08/2008 19:34 1138
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 98/TB-VPCP kết luận về phương án bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Chính phủ đã nhất trí chủ trương bảo tồn khu di tích Hoàng thành theo phương án mà Bộ VHTT đề xuất.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 98/TB-VPCP kết luận về phương án bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Chính phủ đã nhất trí chủ trương bảo tồn khu di tích Hoàng thành theo phương án mà Bộ VHTT đề xuất.



UBND thành phố Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Hoàng thành Thăng Long là di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Nền móng của một số công trình kiến trúc ở phía Tây điện Kính Thiên đã được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ năm 2002-2003 tại 18 Hoàng Diệu. Một phức hệ di tích, di vật phong phú, đa dạng phát lộ để từ đó có thể dựng lại cả một chiều dài lịch sử liên tục của Thăng Long - Hà Nội. Đó là nền móng, chân cột, từng đoạn tường gạch, trụ móng sỏi hoặc gạch vụn chống lún cho những chân cột gỗ lớn, cùng các hệ thống thoát nước, giếng nước, dòng sông, hồ cổ... Quy mô của Hoàng thành được vẽ trên bản đồ thời Lê nay được phỏng đoán: Bắc là đường Phan Đình Phùng, Nam là đường Trần Phú, Tây nằm phía ngoài đường Ông ích Khiêm, Đông khoảng phố Thuốc Bắc. Diện tích chừng 140 ha dưới thời Lê, thời Lý - Trần có thể hơn hoặc kém một chút, thời Nguyễn thu nhỏ lại, khoảng 100 ha.

Đoan Môn là một kiến trúc rất quan trọng thời Lý - Trần - Lê. Trải qua 1000 năm, nhiều triều đại đổi thay, bao phen bị tàn phá nhưng Đoan Môn luôn được tu sửa, xây dựng bề thế, nguy nga, bao giờ cũng xứng với vị thế trung tâm của cả một đô thành. Đây cửa chính của Hoàng thành nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia, Hoàng đế ra khỏi Hoàng thành, các quan văn, võ vào chầu, sĩ nhân được lễ quan xướng tên trúng kỳ thi hội được vào Điện thí. Có thể suy luận, nơi đây được ban ra những pháp lệnh ảnh hưởng đến quốc gia, là cửa ngõ triều đình. Nhà khảo cổ đã suy luận có một con đường đi vào bệ rồng nơi vua ngự xưa kia, khi khai quật đã lần tìm con đường Ngự đạo, con đường được lát gạch với hai đường biên hoa chanh dùng gạch vuông cỡ 36 cm x 36 cm x 6,5 cm xếp ô vuông, cắm thành hai đường chéo góc như hình cánh hoa chanh.

Các nhà khảo cổ cũng tìm ra Trường lạc cung, là cung to đẹp nhất trong nội cung, là nơi ở của Thái hoàng. Thái hậu với nhiều di vật đồ gốm sứ quý hiếm.

Một số lượng lớn đồ gốm, sứ là những vật dụng dùng trong Hoàng cung cũng được tìm thấy. Đó là các loại đồ gốm vô cùng đa dạng của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây á. Trong đó, đồ gốm sứ Việt Nam thời Lý (thế kỷ 11-12), Trần (thế kỷ 13-14), Lê (thế kỷ 15-18) thực sự đem lại xúc động cho giới khoa học và những người yêu cổ vật. Gốm Lý có men trắng và men ngọc về chất lượng đã đạt tới trình độ như gốm Tống. Các loại hoa văn trên bát đĩa khắc chìm hoa sen mang phong cách Việt đặc trưng. Gốm Trần men trắng, men ngọc, xanh lục, nâu và hoa lam, đường nét chạm khắc rất sống động. Gốm Lê có sự hoàn hảo và tinh mĩ khác thường.

Những phát lộ về kiến trúc cho thấy dấu vết Hoàng cung qua nhiều triều đại. Hoàng cung có nhiều gian, dưới bộ khung chịu lực bằng gỗ có 4 hàng chân cột. Chiều rộng của tòa nhà là 17,65m (căn cứ vào tim rãnh thoát nước từ mái đổ xuống). Ngoài kiến trúc tòa nhà nhiều gian còn có các kiểu “Lầu ngũ giác”. Cạnh đó là 11 giếng nước gồm 2 cái thời thuộc Đường, 2 thời Lý, 2 thời Trần, 3 thời Lê và 2 thời Lê - Nguyễn, đều xây xếp bằng gạch và đá. Đây là nguồn nước của đẳng cấp cao nhất trong xã hội khi dân thường chỉ dùng nước giếng chung của làng hoặc nước sông, nước ao.

Với một số lượng lớn về gạch ngói, loại hình đa dạng, các di vật đã tự chứng tỏ là rất quý hiếm, chỉ được dùng trong Hoàng cung. Rất nhiều di vật ghi chữ Hán và nhiều nét chữ, ký hiệu còn cần tiếp tục giải mã. Nhưng có thể thấy công việc xây dựng không lúc nào ngừng suốt các thế kỷ từ thời thuộc Đường qua Lý - Trần - Lê, nói cách khác là việc xây dựng nối tiếp từ La Thành qua Thăng Long tới Đông Kinh và sau nữa là tỉnh Hà Nội. Các nhà khoa học khi đọc dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” trên gạch đã đặt ra vấn đề: phải chăng thời Đinh - Lê và mấy chục năm đầu thời Lý ta không có Quốc hiệu “Đại Cồ Việt” mà chỉ có Quốc hiệu “Đại Việt quốc”.

Những di tích, di vật tại các hố khai quật tại Hoàng thành đã minh chứng cho bề dày lịch sử của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Từ đây ta càng củng cố nhận thức về tầm quan trọng của kinh đô đối với đất nước, là nơi “mưu toan việc lớn”, “tính kế cho con cháu muôn đời”, có thế “Rồng cuộn, hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn ra sông, tựa núi”, “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương”. Để đến ngày nay sau một nghìn năm kinh đô Thăng Long là Thủ đô Hà Nội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hy vọng, Hoàng thành Thăng Long sẽ được UNESCO sớm công nhận là di sản văn hóa thế giới trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Q.T (Theo HNM)
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Bài viết khác

Thưa vắng bảo tàng tư nhân

Thưa vắng bảo tàng tư nhân

  • 22/08/2008 19:22
  • 1176

TT - Sau hai năm có qui chế cụ thể về thành lập bảo tàng tư nhân, VN hiện chỉ mới có hai bảo tàng tư nhân ở Hà Nội và TP.HCM. Khác với không khí háo hức của giới sưu tập cổ vật lúc chuẩn bị có Luật di sản văn hóa, bây giờ chẳng ai đề cập đến việc thành lập bảo tàng tư nhân nữa.