Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/06/2017 00:00 478
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
(LV) - Nghệ nhân Phan Thế Huề là một trong những nghệ nhân tài hoa của nhóm nghệ nhân Tất Tượng cục đã sáng tạo nên những tác phẩm sơn thếp đạt đến một hiệu quả nghệ thuật hoàn hảo.

(LV) - Nghệ nhân Phan Thế Huề là một trong những nghệ nhân tài hoa của nhóm nghệ nhân Tất Tượng cục đã sáng tạo nên những tác phẩm sơn thếp đạt đến một hiệu quả nghệ thuật hoàn hảo.

1
Tác phẩm sơn son thếp vàng ở Trường Lang Đại Nội Huế.

Tất Tượng cục

Những cung điện kết cấu gỗ, trang trí bằng kỹ thuật sơn son thếp vàng truyền thống đã trở thành một đặc điểm nổi bật của kiến trúc cung đình Huế. Nghề sơn thếp (gọi tắt sơn son thếp vàng) ở Huế xuất hiện một cách quy mô vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945) khi triều đình tập hợp thợ giỏi trên cả nước về Tất Tượng cục (công xưởng của triều đình phụ trách việc sơn son thếp vàng). Tất Tượng cục chuyên lo việc trang trí cung điện, sản xuất sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của triều đình và hoàng gia. Lúc hưng thịnh, số nhân viên Tượng cục của triều Nguyễn lên đến 95 người. Buổi đầu mới thành lập, Tất Tượng cục chỉ là một nhóm nghệ nhân phía Bắc vào. Sau đó, bổ sung thêm nhiều người học việc từ các làng Triều Sơn, Địa Linh, Tiên Nộn, Dương Nỗ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay). Họ vừa giúp việc, vừa học nghề.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Tất Tượng cục, các tác phẩm sơn thếp trong cung đình Huế đạt đến một hiệu quả nghệ thuật hoàn hảo. Phổ biến nhất là nghệ thuật sơn son thếp vàng trên gỗ. Trang trí trên liên ba, hoành phi, câu đối... gồm các chủ đề chính là Bát Tiên (Lý Thiết Quải, Lã Đồng Tân...); Bát bửu (có các loại của Phật, Lão, Nho); Tứ thời theo kiểu hoa lá (mai, lan, cúc, trúc...) hoặc theo mô típ chim - cây (én - đào, vịt - sen, tùng - hạc...); hay cây - thú (mã - liễu, tùng - lộc...). Đôi khi các sáng tác cũng lấy chủ đề trong dân gian: Ngư - Tiều - Canh - Mục... Để phụ họa trên kiến trúc gỗ ở di tích Huế, các phù điêu trang trí được thếp vàng hoặc thếp bạc, màu nền thường là xanh, vàng hoặc đỏ. Ánh sáng kim loại nổi bật và tương phản tạo thành một phong cách trang trí lộng lẫy.

Nhóm thợ Tất Tượng cục thứ hai chuyên điêu khắc trang trí trên mặt phẳng các cánh cửa, vách gỗ và cột, các đường viền hoặc tạo hình những đường nét hoa văn, đường diềm mang hình tượng sóng biển, dãy núi, đám mây... Đôi khi cụ thể hóa theo các tích cổ như là “mây hóa giao”, “cá hoá rồng”. Các tác phẩm tuy có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc, Nhật Bản..., nhưng vẫn có phong cách trang trí riêng, chất liệu khác biệt. Vẻ đẹp trên tác phẩm mềm mại, uyển chuyển hơn.

Năm 1945, triều Nguyễn cáo chung, Tất Tượng cục giải tán, một số nghệ nhân trở về quê, số còn lại trú ngụ ở làng Tiên Nộn, Dương Nỗ vẫn tiếp tục dạy nghề và làm nghề sơn thếp. Họ được các cơ sở tôn giáo, đình làng, nhà thờ… chào mời. Tay nghề giỏi, họ thi công các công trình này cũng đẹp không thua gì những cung điện trong di tích Huế, tuy nhiên họ sử dụng nội dung và mảng đề tài về tôn giáo, dân gian.

Trải qua chiến tranh, thiên tai tàn phá nên các mẫu mã sơn thếp nguyên gốc bị mất rất nhiều. Thầy giỏi cũng lần lượt qua đời, nghề sơn son thếp vàng truyền thống ở làng Tiên Nộn, Dương Nỗ mai một dần. Giờ ở Huế những người học nghề này rất ít và gần như không còn ai sống bằng nghề sơn thếp nữa.

Duyên nợ với nghề

Trong số xưa nay hiếm, ông Phan Thế Huề (người làng Phó An, xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) thuộc vào hàng nghệ nhân sống với nghề lâu bền nhất: 80 năm. Ông được tôn là “bậc thầy” của những người thầy sơn thếp trên đất Cố đô, bởi ông là nghệ nhân chạm khắc, sơn thếp cuối cùng thời Nguyễn còn sống đến thế kỷ này.

Nổi tiếng tay nghề giỏi, năm 1940, ông Huề được Bộ Công của triều đình Huế (thời vua Bảo Đại) mời vào hoàng cung để sửa chữa tất cả những cấu kiện gỗ, trong kiến trúc cung đình. Gồm các vì nóc, vì kèo, đòn tay, diềm mái, liên ba, hoành phi... thuộc các công trình trong Tử cấm thành và miếu điện thờ các vua Nguyễn. Bộ Công thay mặt Triều đình yêu cầu ông phải tự làm những ô hộc chạm trổ, sơn son hoặc thếp vàng trên các áng thờ, và những ô hộc trang trí quanh hệ thống đố bảng ở tại Thế Tổ miếu, Hưng miếu, Ngọ Môn, trường lang và lăng vua Tự Đức. Ông Huề cho biết: Bộ Công để cho ông tùy ý làm bao lâu cũng được và tất nhiên rất trọng đãi, trả công xứng đáng người thợ giỏi.

Năm 1945 ông Huề trở về làng Phò An, cách TP. Huế 6km, mở xưởng nghề chạm khắc, sơn thếp. Ông nhận làm tất cả các loại đồ thờ và trang trí nội thất… Người đến xin học nghề khá đông, nhưng mỗi khóa học ông chỉ chọn bảy, tám người. Năm 1960, thành phố Huế mở Trung tâm Khuếch trương Tiểu công nghệ, đặt tại cung Trường Sanh trong Hoàng cung Huế, ông Huề được mời làm Trưởng nhóm điêu khắc tay nghề cao. Dưới sự chỉ dạy của ông, đã có hàng chục thợ giỏi ra mở xưởng riêng trên cả nước.

Năm 1977, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Đại học Mỹ Thuật Huế) lại mời ông vào giảng dạy tại bộ môn Điêu khắc truyền thống. Tuy tuổi cao, nhưng ông đào tạo được hàng trăm học trò trưởng thành, một số hiện nay là nhà điêu khắc mộc mỹ nghệ danh tiếng ở Huế và TP. Hồ Chí Minh. Cuối năm 1978, nghỉ hưu, ông Huề được Liên hiệp HTX Tiểu thủ công nghiệp Trung ương tặng huy chương “Bàn tay vàng trong nghề điêu khắc gỗ truyền thống”.

Vũ Hào


Chia sẻ: