Nói đến điêu khắc đồ thờ, người ta thường nghĩ ngay đến làng nghề Sơn Đồng và Kiêu Kỵ nổi tiếng bởi các sản phẩm chạm khắc. Nhưng ít ai biết rằng, ngoài chạm khắc, còn có một nghề vô cùng đặc biệt với nhiệm vụ “trang điểm” và thổi hồn cho những pho tượng Phật. Đó là nghề sơn son thếp vàng.
Nói đến điêu khắc đồ thờ, người ta thường nghĩ ngay đến làng nghề Sơn Đồng và Kiêu Kỵ nổi tiếng bởi các sản phẩm chạm khắc. Nhưng ít ai biết rằng, ngoài chạm khắc, còn có một nghề vô cùng đặc biệt với nhiệm vụ “trang điểm” và thổi hồn cho những pho tượng Phật. Đó là nghề sơn son thếp vàng.
Cùng với kỹ thuật đục, tac, chạm, khắc thì thếp vàng là một trong những khâu quan trọng để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Không chỉ làm bật lên vẻ đẹp, đây còn là khâu cuối cùng với vai trò lưu giữ độ bền của món đồ theo thời gian. Nghe tưởng đơn giản nhưng thếp vàng chính là bước khó khăn nhất, bởi nó đòi hỏi người nghệ nhân phải có kỹ thuật cao và phải thấy được sự thiêng liêng cao quý của nghề thì mới làm được. Với mong muốn tìm hiểu về nghề thếp vàng còn ít người biết đến, chúng tôi đã tìm gặp nghệ nhân Phật tử Nguyễn Chí Thanh - Pháp danh Quảng Thiện, người chuyên đảm nhiệm việc thếp vàng cho các pho tượng Phật ở chùa Hương - truyền nhân đời thứ 3 của một gia đình làm nghề thếp vàng nổi tiếng ở làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội).
Theo chia sẻ của nghệ nhân Thanh, quy trình thếp vàng thành hay bại sẽ quyết định yếu tố thẩm mỹ của sản phẩm. Do đó, việc sơn thếp không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm mà còn cần cả công cụ và nguyên liệu tốt. Quy trình thếp vàng lần lượt trải qua 3 bước là hom, cầm và thếp. Trước tiên, nghệ nhân phải xử lý phần thô của pho tượng cho nhẵn bóng, sau đó phủ lên một lớp sơn dày để ngăn chặn sự nứt gẫy của gỗ, lớp sơn này được gọi là hom. Quá trình hom một sản phẩm cũng khá phức tạp và mất nhiều thời gian với những yêu cầu nghiêm ngặt. Thứ nhất, loại sơn dùng để hom phải là sơn ta được cắt từ cây. Thứ hai, nghệ nhân phải hom từ 1 đến 3 nước sơn cho tới đi đạt yêu cầu, sau đó tiến hành mài và lót thêm 5 đến10 nước sơn cuối. Tùy theo mùa và tình hình thời tiết mà thời gian khô của các lớp sơn có sự khác nhau. Trung bình, thời gian sơn lớp sơn đầu tiên đến khi hoàn thiện lớp cuối cùng sẽ mất khoảng 15 ngày. Trước khi mang đi thếp vàng, sản phẩm còn được phết một lớp sơn cầm để khóa.
Nếu như các khâu hom và cầm khá phức tạp thì phết vàng lại là công đoạn vô cùng thú vị. Để dát vàng lên những pho tượng, người thợ phải có lá quỳ - loại lá đặc biệt được làm từ giấy dó, quét lên một loại mực làm từ nhựa thông, mùn cưa, hồ và keo da trâu. Vàng sau khi được nấu chảy, đổ khuôn thành phiến mỏng sẽ được cho vào giữa lá quỳ đánh dẹt để thành lá vàng mỏng hơn nữa. Một chỉ vàng trung bình dập thành một nghìn tờ giấy, nếu đem trải ra sẽ có diện tích hơn 1m2. Lá vàng sau khi đập dập, gỡ và cắt nhỏ được xếp xen kẽ vào giữa lá quỳ. Nhiệm vụ của người thợ là phải cầm lá quỳ sao cho lá vàng dính vào giấy, sau đó dán lên sản phẩm nhưng không được dí tay. Cuối cùng, nghệ nhân dậm vàng (hay lau vàng) một cách tỉ mỉ để sản phẩm không bị rạn và mất đi độ bóng.
Nghệ nhân Nguyễn Chí Thanh cho biết, để rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí, nhiều cơ sở đã thay quy trình thếp vàng bằng thếp bạc phủ hoàn kim. Tuy có hình thức giống nhau nhưng nếu so sánh về chất lượng thì những sản phẩm được thếp vàng sẽ bền đẹp hơn và không bị ám khỏi theo thời gian như thếp bạc.
Tâm sự về nghề được coi là “trang điểm” và thổi hồn cho những sản phẩm nghệ thuật mang đậm tinh thần Phật giáo được lưu truyền nơi chốn tổ Tùng Lâm Hương Tích, nghệ nhân Thanh chia sẻ một cách đầy tự hào: “Tôi từng học đại học, đã đi làm nhưng vẫn muốn quay lại để phát triển nghề gia truyền. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đây là một công việc bình thường. Tuy nhiên, khi được các sư thầy giảng giải về niên đại cũng như nguồn gốc của từng pho tượng Phật thì tôi thấy trân trọng những gì mình đang làm hơn. 8 năm trong nghề, tôi thấy người thợ thếp vàng cần nhất cái tâm và sự đam mê. Bởi khi tạo ra một sản phẩm , tức là mình đang đóng góp một phần công đức để cúng dàng lên chư Phật.”
Ở nước ta thếp vàng dường như vẫn là ngành nghề được coi là gia truyền, ngoài kinh nghiệm được đúc kết trong suốt bề dầy lịch sử ngành nghề, người thợ không chỉ cần có năng khiếu mà còn phải có tâm huyết thực sự. Nghệ nhân Nguyễn Chí Thanh không chỉ hội tụ đủ 2 yếu tố trên cùng với đại nhân duyên được trở thành Phật tử nơi chốn Tổ với Pháp danh Quảng Thiện thì anh còn là một nghệ nhân đầy nhiệt tâm muốn cúng dàng, trang nghiêm Tam bảo bằng chính sự tài hoa của mình, không ngừng tìm tòi, học hỏi những người đi trước, biết ứng dụng kỹ thuật công nghệ cùng với những kinh nghiệm đã được thế hệ trước truyền thụ để không ngừng nâng cao và hoàn thiện kỹ thuật sơn thếp. Chính điều đó đã gắn kết anh với chùa Hương đến hôm nay.
Cũng phải nói thêm, tại chùa Hương, thầy trụ trì đã từng mời các nghệ nhân từ Nhật Bản sang làm một số công trình tại chùa như nghệ nhân Phật tử Tsujii Yutaka. Thầy cho biết mỗi một vùng miền, một đất nước hay ngay trong một làng nghề với mỗi người thợ lại có những kỹ thuật, công đoạn được đúc kết riêng biệt, kết hợp cùng sự phát triển của xã hội, khoa học kỹ thuật để hoàn thiện lĩnh vực của mình một cách tốt nhất. Tại Nhật bản Phật giáo được coi là Quốc giáo với bề dầy lịch sử hàng ngàn năm, song hành cùng sự phát triển của Phật giáo chính là nghệ nhân chế tác tượng, đồ thờ, sơn thếp…
Khác với Việt Nam, tại Nhật bản nghề sơn thếp vàng không chỉ có gia truyền mà còn được đào tạo một cách bài bản tại các trường học, ứng dụng triệt để kỹ thuật công nghệ vào từng công đoạn kết hợp với tính tỉ, mỉ chính xác để hoàn thiện tác phẩm sơn thếp vàng vươn tới một tầm cao quôc tế. Có lẽ cũng là nhân duyên thù thắng khi nghệ nhân Tsujii Yutaka trong một chuyến hành hương tại chùa Hương đã trở thành Phật tử của chùa.
Năm 2011, nhà chùa đã mời ông Tsujii Yutaka sang để sơn thếp 5 pho tượng Ngũ trí Như lai. Nếu để nhìn nhận một cách khách quan giữa chất lượng sau khi hoàn thiện sản phẩm của 2 nước, ta có thể thấy rõ phía nghệ nhân Nhật Bản có chất lượng hoàn thiện tốt hơn vì không chỉ biết ứng dụng khoa học công nghệ vào các quy trình sơn thếp, họ còn có một tác phong làm việc rất khoa học, kỹ lưỡng, tuân thủ nghiêm ngặt từng quy trình. Người Việt Nam chúng ta rất cần cù, nhanh nhẹn, đặc biệt có đôi bàn tay rất khéo léo nhưng chưa chú trọng tới công đoạn hoàn thiện dẫn đến sản phẩm chỉ đạt 2/3 chứ chưa đạt đến sự hoàn mỹ.
Cũng chính vì thế, nhà chùa muốn mời nghệ nhân Nhật Bản sang Việt Nam ngõ hầu mong muốn tạo được môi trường giao lưu học hỏi giữa 2 nước trong lĩnh vực sơn thếp và. Để nghệ nhân của chúng ta học hỏi được tính khoa học, công nghệ cũng như tính toàn mỹ của nghệ nhân Nhật Bản, cho ra những sản phẩm hoàn hảo nhất dâng cúng dàng Tam bảo, trang nghiêm cõi Phật.
Hoàng Oanh – Diệu Liên