Thứ Bảy, 14/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/05/2017 00:00 431
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu trữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu trữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ góc độ mỹ thuật truyền thống như một tác phẩm mỹ thuật đồ họa khắc gỗ độc lập chứ không đơn thuần như một bản san khắc chữ khô khan theo cách thức thủ công khi phương tiện khoa học kỹ thuật thời bấy giờ chưa phát triển làm phương tiện để truyền bá Phật pháp bằng văn bản tới nhiều người.

1

Chùa Vĩnh Nghiêm.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có 3.050 ván khắc rời với 34 đầu sách, đa số là mộc bản của bộ Đại phương quảng Phật, Hoa Nghiêm kinh (có trên 2.800 bản), còn lại là mộc bản của 8 bộ kinh, sách, luật giới khác như: A Di Đà kinh, Tỳ khâu ni giới kinh, Sa di ni giới kinh, Yên Tử nhật trình, Thiền tông bản hạnh,… Ngoài các mộc bản kinh, sách, luật thì còn có vài chục bản là sớ, điệp và lịch pháp xem ngày giờ tốt xấu trong năm được chế tác thành nhiều đợt trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Đây là bộ mộc bản duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm còn lưu giữ được, là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm với hàng trăm ngôi chùa, hàng triệu tăng, ni, phật tử.

Các mộc bản được làm bằng gỗ thị là loại cây được trồng nhiều ở chùa Vĩnh Nghiêm và quanh vùng. Cây thị là loài cây bản địa, gỗ màu trắng, thớ gỗ mịn, độ bền cao, ít cong vênh, ít bị nứt vỡ và thường được sử dụng làm nguyên liệu trong nghề khắc mộc bản ở Việt Nam và một số nước sử dụng văn tự khối vuông ở phương Đông như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trước khi san khắc, gỗ thị còn được luộc kỹ và xử lý kỹ thuật để chống co giãn nên thích nghi được với thời tiết miền Bắc khá khắc nghiệt. Đó là lý do khiến cho hàng trăm năm nay, các mộc bản còn lại tại chùa Vĩnh Nghiêm cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn hình khối với nghệ thuật chạm khắc tinh vi, độc đáo.

2

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Kích thước mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh/sách mà có kích thước khác nhau. Bản khắc lớn nhất là các loại sớ điệp chiều dài 100cm, rộng 40-50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15x20cm nhưng phần lớn mộc bản bộ kinh Hoa Nghiêm (hơn 2800 bản) có kích cỡ 33x23x2.5cm. Nhiều bộ ván in được chạm khắc cầu kỳ những hoa văn và họa tiết thể hiện triết lý của đạo Phật và nằm trong bộ ván in sách được khắc sớm, đẹp nhất trong các bộ mộc bản ở nước ta.

Do đã qua nhiều lần in ấn nên các ván in đều ngả màu đen bóng, bề mặt phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực thấm vào gỗ có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt. Vì trong mực in ấy có trộn nấu với keo da trâu. Loại keo này mùi rất khó chịu, lại có dầu nên mối mọt khó lòng mà gặm nhấm được. Hơn nữa vì ván in kinh sách lại là ván làm bằng gỗ thị. Loại gỗ này ít cong vênh, không mối mọt, chịu nước, chịu ẩm, đó là một ưu thế cho việc bảo quản ván. Mặt khác để chống cong vênh, người xưa đã cho xẻ một đường dọc theo hai đầu ván, bằng ½ que đóm hút thuốc lào rồi găm cật tre già vào đó. Biện pháp chống cong vênh này rất hữu hiệu. Theo tương truyền và một số tài liệu ghi chép xưa, chùa Vĩnh Nghiêm đã phải xây dựng mười gian nhà để chứa toàn bộ hơn ba nghìn bộ ván in.

Chữ khắc trên mộc bản đều bằng chữ Hán cổ và chữ Nôm, số ít khắc xen cài chữ Phạn. Chữ được khắc ngược trên hai mặt của mỗi ván gỗ (số ít khắc một mặt) với độ sâu từ 1 – 1,5mm. Kỹ thuật khắc chữ và hình ảnh trang trí trên mỗi tấm ván được thực hiện đúng theo quy chuẩn in của Việt Nam. Mỗi trang sách in ra sẽ có biên lan (khung viền lề sách), bản tâm (vị trí khắc tiêu đề sách), ngư vĩ (gáy sách). Đặc biệt, ở ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối của mỗi cuốn sách, thường có lạc khoản cho biết thời gian san khắc, người san khắc và địa điểm lưu trữ.

Trong những bản khắc bằng chữ Nôm, chữ Hán trên gỗ thị đó có hàm chứa tư tưởng, giáo lý của Phật phái Trúc Lâm, mà cốt lõi là sự giác ngộ của các cao tăng hướng tới việc từ bỏ cách tu hành dựa vào mê tín, thần bí, siêu nhiên và đề cao lòng lạc quan với cuộc sống thực, sống thuận theo quy luật của tạo hóa. Điều này khác biệt với đạo Phật mà Việt Nam đã tôn thờ trước đó vốn được du nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc. Nói cách khác, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm đánh dấu quá trình Việt Nam hóa Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc. Nhờ vậy, tư tưởng Phật giáo nhập thế thâm nhập sâu sắc vào dân gian Việt Nam, gắn bó với dân tộc kể cả lúc binh đao loạn lạc hay trong thời thái bình an hòa.

Mộc bản còn là nơi lưu giữ bền vững các tác phẩm văn học Thiền tông có giá trị. Trong mộc bản sách Thiền tông bản hạnh ta thấy có các tác phẩm: Cư trần lạc đạo phú (Ở trần thế vui với đạo) viết theo thể phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (Bài ca về được thú vui rừng suối mà thành đạo) của Trần Nhân Tông; Vịnh Hoa Yên tự phú (Vịnh cảnh chùa Hoa Yên) của Thiền sư Huyền Quang; Du Yên Tử sơn nhật trình (Nhật trình đi chơi núi Yên Tử) của Bạch Liên tiểu sĩ; Thiền tịch phú (Bài phú về chốn thiền tịch), Yên Tử sơn Trúc Lâm Trần triều Thiền tông bản hạnh (Bài hạnh kể về sự tích dòng Thiền phái Trúc Lâm triều Trần ở núi Yên Tử) của Thiền sư Chân Nguyên; Giáo tử phú (Bài phú về việc dạy bảo con cái) của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... thì thơ viết bằng chữ Nôm đã đóng góp vào nền văn học những giá trị to lớn. Cho đến hôm nay, Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Du vẫn là đỉnh cao nhất của thi ca đất Việt. Vượt qua hàng trăm năm, không ít những câu thơ viết bằng chữ Nôm còn lấp lánh, chấp chới đến mai sau.

3

Chữ khắc trên mộc bản đều bằng chữ Hán cổ và chữ Nôm.

Mộc bản chữ Nôm ở chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Nôm qua các thời đại Trần, Lê, Nguyễn…, chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ viết do người Việt Nam tạo ra để ghi âm tiếng Việt). Từ chỗ chỉ được sử dụng số ít ở thời kỳ trước đó thì từ đây chữ Nôm bắt đầu hình thành có hệ thống, điển hình là trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc lâm khi viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần (tiện cho việc phổ biến giáo lý nhà Phật vào dân gian). Những lời thuyết pháp được viết bằng chữ Nôm ấy không phải là dịch trực tiếp từ kinh Phật viết bằng chữ Hán hay chữ Phạn (một loại chữ Ấn Độ cổ), mà đó là những tổng kết ngắn gọn dưới dạng thơ hoặc các bài diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt Nam.

Một điều thú vị khác mang ý nghĩa quốc tế là font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy mẫu từ sách Thiền tông bản hạnh là một phần của sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Chữ Nôm được cài đặt trên máy vi tính được phổ biến trên toàn thế giới cho nên bất cứ ai học tập, nghiên cứu chữ Nôm Việt Nam trên toàn thế giới đều được tiếp cận và sử dụng để tìm hiểu giá trị đặc sắc, phong phú của nền văn hóa Việt Nam trong quá khứ.

Trong bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có sách Kính tín lục ghi chép các phương thuốc cấp cứu, chữa bệnh như An thai thôi sinh phương, Thiền trúc cốt dược, Phụ cấp cứu phương... Thời bấy giờ đó là tinh túy về y dược được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian. Sách thuốc in ra từ các mộc bản này được truyền bá phổ biến trong thiên hạ, thể hiện lòng nhân từ của đạo Phật, nâng cao trách nhiệm của nhà sư đối với nước, với dân. Đạo nhập vào đời, đời tin vào đạo trong tinh thần cứu nhân độ thế.

Ngắm nhìn bộ sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ta không thể không trầm trồ khâm phục bàn tay khéo léo của thợ khắc trổ. Những người khắc gỗ Việt Nam làm nên các mộc bản này phải tinh thông chữ Hán, giỏi chữ Nôm, có đôi tay vàng và đôi mắt ngọc, khéo léo, tinh tường và phải nhẫn nại, cẩn trọng. Mộc bản có nhiều kiểu chữ khác nhau như chân thư, thảo thư, lệ thư, hành thư…, khi cân đối nghiêm ngắn, khi bay bướm thoáng hoạt, chẳng khác gì các bức thư pháp tài hoa. Nhiều trang mộc bản được các nghệ nhân cổ khắc đan xen các bức họa đồ có bố cục rất chặt chẽ, đường nét tinh tế... với sự tài hoa khéo léo của nghệ nhân xưa mỗi mảnh ván xứng đáng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật để đến hôm nay người đời ngưỡng vọng và có thêm nhiều nguồn tư liệu tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam thời Lê – Nguyễn.

Đa số thợ khắc ván đều đến từ các phường ở Hải Dương, một số ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Họ đều được các sư trụ trì tại chùa Vĩnh Nghiêm mời đến làm công và ăn ở tại chùa, trực tiếp thực hiện các công đọan chế tác mộc bản và cả việc in sách. Phía nhà chùa đứng ra tổ chức hưng công quyên góp gạo, tiền để nuôi và trả công thợ, đồng thời trực tiếp giám sát công việc. Trên những bộ mộc bản ấy còn lưu tên một số người thợ cả, tiêu biểu là Nguyễn Nhân Minh và Phó Nền là những người trực tiếp san khắc mộc bản những năm 1932 đến 1935.

Giá trị kho mộc bản thể hiện ở các nội dung:

- Tính xác thực: Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi khắc, in ấn kinh, sách giáo lý Thiền phái Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm thừ thế kỷ XIII được ghi rõ trong sách chính sử Việt Nam. Ở các ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối cho biết chính xác thời gian chế tác, người san khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản của mỗi bộ ván khắc.

- Tính quý hiếm và độc đáo: Về mặt tôn giáo, Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông - Vị hoàng đế đi tu sáng lập là Phật phái riêng biệt đầu tiên của Việt Nam trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc, vừa phù hợp với đặc trưng của văn hóa Việt Nam vừa khẳng định được bản lĩnh tự chủ trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài. Ngoài ra, mộc bản còn quý hiếm và độc đáo ở các phương diện ngôn ngữ, văn học, y học, phong thủy, mỹ học,...

- Ý nghĩa quốc tế: Kinh, sách được in ra từ kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là tư liệu của Thiền phái Trúc Lâm. Tư tưởng, giáo lý hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm đã thấm nhuần sâu sắc và ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, tại Việt Nam có hàng nghìn ngôi chùa, thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Trên thế giới, thiền viện mang đặc trưng tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm cũng phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến Phật tử ở các nước sở tại. Phật tử và nhà tu hành không chỉ là người Việt Nam ở hải ngoại mà còn thu hút đông đảo tăng, ni, Phật tử là người nước sở tại.

Với các giá trị to lớn, tính xác thực, tính quý hiếm độc đáo và ý nghĩa quốc tế, tháng 5-2012, Tổ chức UNESCO đã công nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vậy là, sau Mộc bản Triều Nguyễn, Văn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thứ ba được thế giới ghi danh. Khác với hai di sản được vinh danh trước được bảo quản tại các trung tâm mang tầm cỡ quốc gia, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được lưu trữ tại ngôi chùa nằm ở vùng quê nghèo nhưng gắn với tên tuổi của vị quốc chủ sáng giá, lỗi lạc hàng đầu trong lịch sử Việt Nam: Trần Nhân Tông.

BQL Di tích lịch sử văn hóa huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

thegioidisan.vn

Chia sẻ: