Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/04/2017 00:00 454
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày Di sản thế giới 2017 tạo ra cơ hội cho các Ủy ban ICOMOS trên thế giới tổ chức kỷ niệm có những hiệu quả tích cực với sự tham gia sâu hơn giữa phát triển du lịch bền vững và bảo tồn di sản văn hóa

Ngày Di sản thế giới 2017 tạo ra cơ hội cho các Ủy ban ICOMOS trên thế giới tổ chức kỷ niệm có những hiệu quả tích cực với sự tham gia sâu hơn giữa phát triển du lịch bền vững và bảo tồn di sản văn hóa

Kể từ khi quyết định lấy ngày 18 tháng tư hàng năm làm ngày Di sản thế giới vào năm 1983 đến nay, hàng năm, Ủy ban quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS), đưa ra các chủ đề và nội dung hoạt động tập trung làm nổi bật ý nghĩa của chủ đề cho các nước thành viên. Năm nay chủ đề được lựa chọn là “Di sản văn hóa và Du lịch bền vững” (Cultural Heritage & Sustainable Tourism). Sự lựa chọn chủ đề hoạt động kỷ niệm ngày Di sản thế giới năm nay liên quan đến năm quốc tế du lịch bền vững vì sự phát triển của Liên hiệp quốc và nằm trong bối cảnh Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững.

1

Cố đô Huế - một trong những di tích được công nhận là Di sản thế giới.

Chương trình này được Ủy ban Du lịch văn hóa quốc tế của ICOMOS chỉ dẫn và có sự tham gia của mạng lưới ICOMOS trên toàn thế giới. Các Ủy ban ICOMOS được khuyến khích tham gia thực hiện các hoạt động kỷ niệm ngày Di sản thế giới.

Ngày Di sản thế giới 2017 tạo ra cơ hội cho các Ủy ban ICOMOS trên thế giới tổ chức kỷ niệm có những hiệu quả tích cực với sự tham gia sâu hơn giữa phát triển du lịch bền vững và bảo tồn di sản văn hóa nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tiềm năng mà du lịch có thể tác động đến di sản văn hóa. Vào ngày này ICOMOS thông qua các Ủy ban khoa học quốc tế và quốc gia của mình khuyến khích các cá nhân và cộng đồng địa phương cân nhắc về tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với cuộc sống, bản sắc và cộng đồng của mình, tăng cường nhận thức về sự đa dạng và sự dễ bị tổn thương của di sản văn hóa. Đồng thời có những cố gắng cần thiết để bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hóa.

Năm nay, lần đầu tiên ICOMOS mời các Ủy ban khoa học quốc gia và quốc tế chia sẻ và nâng cao nhận thức về các sáng kiến đổi mới, giới thiệu những nơi thực hành tốt nhất hiện nay trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch bền vững với các cộng đồng địa phương của họ.

Di sản văn hóa và du lịch bền vững là một chủ đề quan trọng trong bối cảnh bảo tồn của thế kỷ 21. Chúng ta nhớ lại rằng, ngay từ đầu ICOMOS đã quan tâm chỉ đạo lĩnh vực này nhiều năm, đã đưa ra Hiến chương về du lịch văn hóa quốc tế ICOMOS năm 1976 và được thông qua lần thứ hai tại Mexico năm 1999. Trong năm 2017, Ủy ban khoa học quốc tế ICOMOS đang tiến hành đánh giá lại Hiến chương và mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ các Ủy ban khoa học quốc tế và quốc gia. Tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ các Ủy ban này trong quá trình tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế ICOMS về di tích và di chỉ năm 2017.

Sự phát triển nhanh theo cấp số nhân của du lịch và đặc biệt là du lịch văn hóa đã và đang ảnh hưởng đến văn hóa. Sự trao đổi văn hóa đang hiện hữu ở du lịch văn hóa. Trao đổi văn hóa thúc đẩy cùng tồn tại hòa bình và càng trở nên quan trọng trong một thế giới đang bị bao vây bởi sự bất ổn như hiện nay. Những sự thay đổi sâu sắc các ý nghĩa của di sản văn hóa và các giá trị văn hóa đối với người dân địa phương và du khách. Các sáng kiến về du lịch bền vững có thể làm mạnh thêm các cộng đồng và tăng cường ý thức của người dân về nơi ở, ý thức về các giá trị và bản sắc văn hóa vốn có của họ. Ngược trở lại, du khách ngoài vốn di sản văn hóa của riêng mình còn được bổ sung thêm những giá trị văn hóa chuẩn mực mà họ tiếp nhận được ở nơi đến du lịch.

2

Vịnh Hạ Long, Việt Nam.

Du lịch đã phát triển trong nhiều thập kỷ gần đây, trở thành một trong những thành phần kinh tế xã hội dẫn đầu trong thời đại chúng ta. Văn hóa được phản ánh trong di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như di tích lịch sử văn hóa hóa và danh lam thắng cảnh, di vật cổ vật, bảo vật quốc gia. Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian… là những giá trị không thể đo đếm được đối với cộng đồng sở tại.

Các hình thức văn hóa, các bản sắc văn hóa nuôi dưỡng sự kính trọng và bao dung giữa các dân tộc và đã trở thành các địa điểm du lịch chủ chốt, tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến. Hiện nay nhiều nước đưa văn hóa lên hàng ưu tiên cho phát triển du lịch bền vững.

Cộng đồng bảo tồn di sản văn hóa ICOMOS đã có các cơ hội mới nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong các quyết định về du lịch bền vững. Từ việc quản lý chiến lược các di sản thế giới đến việc bảo vệ di sản dựa trên các quyền lợi. Các sáng kiến đổi mới trong xây dựng môi trường các lễ hội văn hóa, kêu gọi bảo tồn các địa điểm và không gian lịch sử. Trùng tu, phục hồi và tập huấn các kỹ năng về di sản và thể hiện các kỹ năng đó như các chương trình giới thiệu cho du khách, đưa người dân địa phương và du khách tiếp xúc trực tiếp với nhau, chia sẻ các thực hành văn hóa trong các nhà hàng, khách sạn và trên phương tiện vận tải công cộng, phát triển các sản phẩm văn hóa phục vụ du khách.và các sản phẩm công nghệ, quảng bá hình ảnh trong thời đại kỹ thuật số đến tận những nơi hẻo lánh nhất của trái đất.

Vấn đề liên quan đến trùng tu, phục dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò trung tâm trong du lịch bền vững và những quyết định bảo tồn trong việc giữ gìn sự thật và tính xác thực của di sản văn hóa.

Vấn đề là làm thế nào để bảo tồn các di sản xây dựng, cảnh quan đô thị lịch sử, cảnh quan văn hóa và các lối sống truyền thống, các di sản sống cần phải được ưu tiên bảo tồn trong các quy hoạch du lịch bền vững.

Chủ đề của ngày di sản thế giới năm nay và những nội dung chính được Ủy ban quốc tế về di tích và di chỉ nhấn mạnh trong hướng dẫn thực hiện tương đối phù hợp với tình hình phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa của nước ta hiện nay.

Ở nước ta ngay từ đầu năm, 2017, ngày 16-1-2017,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó có quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhọn, và mục tiêu: “Thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.”

Để thực hiện tốt Nghị quyết trên cả nước sẽ phải tập trung phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Nhưng làm thế nào để vừa phát triển nhanh du lịch bền vững vừa bảo tồn tốt di sản văn hóa cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa những người làm du lịch và nhừng người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt lả sự chung tay góp sức của cộng đồng trong du lịch bền vững, cần phải có những giải pháp đồng bộ để hạn chế, loại bỏ những tác động tiêu cực tiềm năng của hoạt động du lịch đối với di sản văn hóa.

Vì vậy, việc triển khai các hoạt động nhân sự kiện ngày Di sản thế giới 18 tháng 4 và ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay theo chủ đề và hướng dẫn của Ủy ban quốc tế về di tích và di chỉ là một đều nên làm. Ủy ban Quốc tế về di tích và di chỉ đề nghị các nước tổ chức các hoạt động nhân ngày 18 tháng 4 liên quan đến chủ đề này với mục đích nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa và đôi khi đòi hỏi có các biện pháp bảo vệ di sản văn hóa tương xứng, các hoạt động có thể bao gồm hội thảo, tuyên truyền,họp báo, bàn tròn, thăm các di sản văn hóa .v.v. khuyến khích mời các cộng đồng địa phương tham gia tích cực vào hoạt động kỷ niệm này.

Ủy ban Quốc tế về di tích và di chỉ đề nghị các nước gứi thông tin về Ban Thư ký ICOMOS quốc tế về kế hoạch thực hiện sự kiện 18 tháng 4 chậm nhất vào ngày 28 tháng 2 năm 2017 để có thể xuất bản trên website ICOMOS và chia sẻ các hoạt động giữa các thành viên của gia đình ICOMOS trên toàn thế giới. Ủy ban cũng mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp về nội dung và việc thực hiện Hiến chương về du lịch văn hóa quốc tế ICOMOS 1976.

Như vậy, nếu các đơn vị quản lý về di sản văn hóa (chính phủ và phi chính phủ) ở nước ta có những kế hoạch hoạt động kịp thời hưởng ứng chủ đề và nội dung hoạt động ngày di sản thế giới của Ủy ban quốc tế về di tích và di chỉ, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương, ban quản lý di tích các cấp phối hợp với ngành du lịch triển khai các hoạt động phù hợp, không chỉ tạo ra những sự đồng thuận về bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững ở trong nước mà còn nhận được sự quan tâm của Ủy ban quốc tế về di tích và di chỉ và đồng nghiệp trên toàn thế giới, góp phần vào việc thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Về ngày Bảo tàng quốc tế, kể từ năm 1977, ngày Bảo tàng quốc tế được tổ chức xung quanh ngày 18 tháng năm. Năm nay, cộng đồng Bảo tàng trên toàn thế giới cũng sẽ tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng xung quanh ngày 18 tháng 5 năm 2017.

3

Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận năm 1999.

Chủ đề ngày Bảo tàng quốc tế được Ủy ban quốc tế về bảo tàng ( ICOM) chọn cho năm 2017 là "Museums and contested histories: Saying the unspeakable in museums". Tạm dịch là: “Bảo tàng và những vấn đề lịch sử gây tranh cãi: Nói về điều không thể nói ra trong bảo tàng”. Đối tượng của ngày bảo tàng quốc tế là nâng cao nhận thức về thực tể rằng” Bảo tàng mang ý nghĩa quan trọng về trao đổi văn hóa, làm giàu các nền văn hóa và phát triển sự hiểu biết lẫn nhau, cùng hợp tác và hòa bình giữa các dân tộc”.

Tổ chức xung quanh ngày 18 tháng 5 hàng năm các sự kiện và hoạt động có thể kéo dài 1 ngày, 2 ngày cuối tuần hoặc một tuần.

Chủ đề ngày Bảo tàng quốc tế năm nay cũng rất đáng quan tâm vì ở nước ta cũng có nhiều những vấn đề lịch sử còn gây tranh cãi như vấn đề chủ quyền trên biển đông. Vì vậy Ủy ban quốc gia về bảo tàng (ICOM Việt Nam) cũng nên nhân dịp này hưởng ứng chủ đề do Ủy ban Quốc tế về bảo tàng đề ra, phát động toàn bộ hệ thống bảo tàng trong cả nước tập trung trưng bày, hội thảo khoa học (hội thảo trong nước và quốc tế), tuyên truyền, giới thiệu các di tích,tư liệu, hiện vật khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời thông tin cho Ủy ban Quốc tế về bảo tàng, chia sẻ thông tin với các bảo tàng trên thế giới, thay vì một số hoạt động lẻ tẻ như thời gian qua thì hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều. Nếu chúng ta biết rằng năm 2016 hơn 35.000 bảo tàng của khoảng 145 nước tham gia sự kiện ngày bảo tàng quốc tế với chủ đề là: “Bảo tàng và cảnh quan văn hóa". Năm nay con số này chắc sẽ còn nhiều hơn.

Từ chủ đề của ngày Di sản thế giới và ngày Bảo tàng quốc tế năm nay, thiết nghĩ, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nhà quản lý về di sản văn hóa ở nước ta nên quan tâm hơn đến các hoạt động quốc tế, khéo kết hợp giữa hoạt động quốc tế và trong nước, triển khai những chủ đề nội dung của quốc tế phù hợp với định hướng phát triển của nước ta để có thể vừa hội nhập sâu rộng với bạn bè quốc tế vừa tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ quốc tế đối với những hoạt động của ngành di sản văn hóa và của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng

thegioidisan.vn

Chia sẻ:

Bài viết khác

Chùa Tây Phương - Di tích quốc gia đặc biệt của thủ đô Hà Nội

Chùa Tây Phương - Di tích quốc gia đặc biệt của thủ đô Hà Nội

  • 18/04/2017 00:00
  • 491

Chùa Tây Phương, hay tên chữ “Sùng Phúc tự” là di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây, theo Đại lộ Thăng Long, qua ngã tư Chùa Thầy, rẽ phải khoảng 5 km, sau đó rẽ trái 1 km nữa, là đến di tích.