Trong lăng Thoại Ngọc Hầu và phu nhân, các nhà nghiên cứu tìm thấy những chiếc lồng ấp dùng để sưởi ấm, đồ dùng rất hiếm gặp ở vùng đất phương Nam quanh năm nắng ấm.
Trong lăng Thoại Ngọc Hầu và phu nhân, các nhà nghiên cứu tìm thấy những chiếc lồng ấp dùng để sưởi ấm, đồ dùng rất hiếm gặp ở vùng đất phương Nam quanh năm nắng ấm.
Lồng ấp của Thoại Ngọc Hầu.
Lồng ấp bằng đồng trong khối di vật của Thoại Ngọc Hầu có tới 3 chiếc, trong đó bà 2 chiếc, ông 1 chiếc. Ông và bà đều có 1 chiếc tương tự nhau giống với những chiếc lồng ấp thời Nguyễn tìm thấy tại Huế, dạng hình lục giác vai nở bo tròn nhỏ dần về đáy, miệng bát giác, không thấy nắp.
Lồng ấp chế tác bằng đồng là vật dùng để sưởi ấm tay vào mùa đông giá buốt, chủ yếu dùng trong các nhà quý tộc hoặc giàu có ở miền Trung và miền Bắc nước ta thời phong kiến. Lồng ấp có lẽ xuất hiện khá sớm vì khí hậu lạnh lẽo ở miền Trung, miền Bắc VN vào mùa đông cần đến những vật dụng này. Nghề sản xuất công cụ bằng đồng khá phát triển ngay từ thời đầu Công nguyên nên người ta có thể dễ dàng chế tác được chúng. Tuy nhiên, đến nay khảo cổ học cũng chưa xác định được chiếc lồng ấp xuất hiện vào lúc nào tại VN.
Lồng ấp của bà Vĩnh Tế.
Thời Nguyễn, lồng ấp bằng đồng được sử dụng phổ biến trong các nhà quyền quý từ hoàng tộc đến tư dinh các quan, vì vậy loại này còn thấy rất nhiều tại Huế. Tên gọi “lồng ấp” hơi khó hiểu và đến nay không biết phát xuất từ đâu nhưng có ý kiến cho rằng nó xuất phát từ Huế, thật ra có thể gọi “lồng ấp” là “lò sưởi tay” thì đúng với chức năng của nó hơn.
Chiếc lồng ấp giống như một chiếc hộp đựng than hồng được thiết kế nhỏ gọn để làm ấm đôi bàn tay, chúng có dạng khối vuông, chữ nhật, lục giác hoặc bát giác, các cạnh vai vuốt tròn, thân nhỏ dần về đáy, phần miệng lồng ấp thu nhỏ lại. Trên miệng lồng ấp có nắp. Nắp có hình dạng theo thân lồng ấp và khum ôm khít phần miệng, được đục thủng nhiều hàng ngang dọc những lỗ tròn khắp bề mặt để khối than cháy đỏ bên trong lấy không khí và để thoát khói. Lồng ấp có quai đôi có thể ngả ra 2 bên vai, quai tiết diện vuông bẻ nhiều góc đối nhau kiểu thước thợ đầy nét mỹ thuật...
Bàn ủi của bà Vĩnh Tế.
Thân lồng ấp của ông có 2 chữ Hán Thọ đối nhau trên 2 cạnh, đế lồng ấp bằng gỗ chạm. Chiếc lồng ấp còn lại của bà cũng dạng hình lục giác với các cạnh bo tròn, cân đối nhỏ dần về đáy, nhưng nó đặc biệt hơn với chất liệu bạc và nắp chạm thủng hình hoa dây với núm hình hồ lô, thân lồng ấp chạm hình tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), khắc chìm chữ Hán Thự Trung. Lồng ấp bằng chất liệu bạc là hiện vật khá lạ và có giá trị cao, chưa từng thấy tại các bảo tàng. Có lẽ đây là chiếc lồng ấp ông tặng riêng bà khi bà theo ông ra miền Bắc nhận nhiệm vụ trấn thủ Lạng Sơn trong những năm 1803 - 1807 vì bà là người phương Nam không quen chịu lạnh. Cũng trong những năm này, bà đã cùng ông lập ra chùa Am tại Cửa Bắc, Hà Nội. Tại ngôi chùa này đến nay vẫn còn tấm bia ghi rõ tên hai ông bà dâng cúng.
Những năm cuối đời, ông bà Thoại Ngọc Hầu được về trấn thủ Châu Đốc, nơi phương Nam ấm áp và chỉ huy những công trình lớn của đất nước. Lúc này, lồng ấp cũng ít được sử dụng nhưng gia đình Thoại Ngọc Hầu vẫn mang theo 3 chiếc lồng ấp đã sử dụng ở xứ bắc. Đó chính là đồ kỷ niệm những tháng năm ông bà đã sống ở nơi có mùa đông lạnh lẽo như Bắc Thành trong đời đi làm việc xa của mình.
Phạm Hữu Công