Bình Ðịnh có 2 bảo vật quốc gia: phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (được công nhận năm 2015) và phù điêu thần Brahma (được công nhận năm 2016), hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Sau khi được công nhận, việc tuyên truyền, quảng bá để phát huy giá trị của những di sản vô giá này là hết sức cần thiết.
Bình Ðịnh có 2 bảo vật quốc gia: phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (được công nhận năm 2015) và phù điêu thần Brahma (được công nhận năm 2016), hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Sau khi được công nhận, việc tuyên truyền, quảng bá để phát huy giá trị của những di sản vô giá này là hết sức cần thiết.
Vinh dự được xếp vào nhóm hiện vật “có giá trị đặc biệt quý hiếm và tiêu biểu của đất nước về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học” (Luật Di sản văn hóa), phù điêu nữ thần Mahishasuramardini và phù điêu thần Brahma - 2 bảo vật quốc gia (BVQG) của Bình Ðịnh - đều là hiện vật văn hóa Chăm, đáp ứng tiêu chí khắt khe của BVQG: hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt.
Giá trị đặc biệt
Trong đó, phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (bằng đá, trọng lượng 200 kg) được phát hiện năm 1989 tại một phế tích có tục danh là Rừng Cấm (thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Chăm. Theo hồ sơ về hiện vật, phù điêu nữ thần Mahishasuramardini được tìm thấy ở nhiều nơi như Mỹ Sơn, Chiên Ðàn, nhưng về độ tinh tế, sắc sảo thì bức phù điêu tìm thấy ở Rừng Cấm được xem là bức đẹp, hoàn chỉnh và lớn nhất.
Học sinh được nghe giới thiệu về BVQG phù điêu nữ thần Mahishasuramardini.
Tương tự, phù điêu thần Brahma (bằng đá, trọng lượng 600 kg) phát hiện tại di tích tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) vào năm 1985 cũng được xem là kiệt tác tiêu biểu cho phong cách điêu khắc Chăm cuối thế kỷ XII. So sánh với những bức phù điêu thần Brahma khác được tìm thấy tại một số địa phương trong, ngoài tỉnh thì bức phù điêu thần Brahma hiện trưng bày tại Bảo tàng Bình Ðịnh là tác phẩm lớn nhất, đẹp nhất.
Ðáng chú ý là, trong giai đoạn tháng 9.2003 và 10.2004, rất lâu trước khi trở thành BVQG, hai tác phẩm điêu khắc này được Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về Nghệ thuật và Lịch sử Bruxelles (Bỉ) chọn đưa đi trưng bày quốc tế (tại triển lãm chủ đề “Việt Nam - quá khứ và hiện tại”).
Phát huy giá trị BVQG
“Hậu công nhận”, một vấn đề đặt ra là BVQG của tỉnh càng phải được quan tâm, quảng bá hiệu quả để phát huy giá trị. Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Văn Ngọc, trong điều kiện hoạt động hiện nay của địa phương, việc phát huy giá trị BVQG vẫn chủ yếu ở công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản.
Theo đó, ngay sau khi hiện vật được công nhận BVQG, Bảo tàng tỉnh đã làm mới, làm dày nội dung về hiện vật, cập nhật và đưa vào nội dung thuyết minh. Chú trọng thuyết minh chuyên sâu, có điểm nhấn để tạo sức hút, đọng lại trong khách tham quan. Bên cạnh đó, với những đối tượng khách tham quan phù hợp như khách quốc tế, người làm công tác nghiên cứu, sinh viên, cán bộ thuyết minh luôn có sự chủ động giới thiệu, thuyết minh chuyên sâu để hướng sự quan tâm của họ.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Giám đốc Bảo tàng tỉnh, đó mới là biện pháp trước mắt trong điều kiện kinh phí và cơ sở vật chất cho hoạt động bảo tàng còn hạn hẹp, hiệu quả chưa được như mong muốn. Cũng theo ông Ngọc, trong tình hình chung trên cả nước, việc bảo vệ, bảo quản, trưng bày BVQG theo chế độ đặc biệt chưa thực hiện được, nhất là với BVQG được lưu giữ, phát huy tại các bảo tàng địa phương. Song song với công tác tuyên truyền, quảng bá như trên, Bảo tàng tỉnh đã lên kế hoạch cho những “giải pháp” mới.
Ông Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi đang có kế hoạch thực hiện một số clip giới thiệu về hai BVQG cũng như một số hiện vật có giá trị nổi bật tại Bảo tàng để tăng cường quảng bá, tạo hiệu ứng thu hút hơn. Mặt khác, trong kế hoạch triển khai “Bảo tàng vali” vào năm 2018 - xây dựng chuyên đề và chọn hiện vật tiêu biểu (thể hiện bằng clip, ảnh giới thiệu), chủ động đến giới thiệu tại một số trường học, cơ quan, đơn vị trong tỉnh - sẽ đặc biệt chú ý quảng bá hai BVQG của Bình Ðịnh”.