Thành phố Hồ Chí Minh xác định đầu tư cho bảo tàng là đầu tư cho văn hóa, là cơ hội giới thiệu cho khách nước ngoài hiểu về lịch sử và con người Việt Nam. Nếu biết khai thác, bảo tàng là nơi mang tới một số lượng rất lớn khách du lịch.
Thành phố Hồ Chí Minh xác định đầu tư cho bảo tàng là đầu tư cho văn hóa, là cơ hội giới thiệu cho khách nước ngoài hiểu về lịch sử và con người Việt Nam. Nếu biết khai thác, bảo tàng là nơi mang tới một số lượng rất lớn khách du lịch.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm và làm việc tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: VGP/Phương Liên
Trong một ngày (2/3), Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu đã đi thăm, làm việc và khảo sát tại 7 bảo tàng lớn của Thành phố. Đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Mỹ thuật.
Các bảo tàng có tác động xã hội rất lớn
TPHCM hiện đang dẫn đầu cả nước về số lượng bảo tàng, trong đó lớn nhất và cổ nhất Thành phố là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; có nhiều khách nước ngoài tham quan nhất là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và thu hút nhiều khách nội địa nhất là Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Mục đích của chuyến khảo sát là để Thành phố có hướng đầu tư, nâng cấp hệ thống bảo tàng, để các bảo tàng trở thành điểm đến không thể thiếu của các du khách, là nơi giáo dục truyền thống cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Tôn Đức Thắng có ý nghĩa, vị trí rất đặc biệt. Vì vậy, mặc dù không đặt nặng nguồn thu từ hai bảo tàng này, nhưng Thành phố phải đầu tư cơ sở vật chất tốt để phục vụ cho người đến tham quan. Kinh phí đầu tư cho những cơ sở vật chất này không cao nhưng tác động, ý nghĩa xã hội lại rất lớn.
Trong số các bảo tàng tại TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.
Từ nhiều năm qua, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những điểm tham quan thu hút lượng khách đông nhất ở TPHCM và cả nước. Tính từ năm 1990 đến hết năm 2016, Bảo tàng đã đón tiếp hơn 14 triệu lượt khách tham quan, trong đó có khoảng 7,5 triệu khách quốc tế, hơn 4,6 triệu khách Việt Nam và khoảng 2,2 triệu khách tham quan triển lãm lưu động.
Thực tế cho thấy, việc gắn kết du lịch với bảo tàng, di tích hiện nay là việc làm cần thiết để thu hút khách du lịch góp phần quảng bá hình ảnh, văn hoá dân tộc và phát huy các giá trị của bảo tàng, di tích, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Mong mỏi được mở rộng, nâng cấp
Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử, diện tích hiện hữu của Bảo tàng đã quá chật hẹp đối với sự phát triển của Bảo tàng trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Hiện, Bảo tàng Lịch sử không còn phòng trưng bày chuyên đề đáp ứng cho các trưng bày chuyên đề lớn, trưng bày phối hợp với quốc tế.
Ông Tuấn cho hay, vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Hàn Quốc muốn giao lưu trưng bày một số cổ vật của đất nước Hàn Quốc tại Bảo tàng Lịch sử, nhưng riêng yêu cầu về diện tích chúng ta đã không đáp ứng được.
Bảo tàng Lịch sử được xây dựng năm 1929, là bảo tàng xây dựng sớm nhất ở Việt Nam. Sau khi tiếp quản năm 1979, UBND TPHCM đã ra quyết định thành lập Bảo tàng Lịch sử. Tuy nhiên, lần tu sửa gần đây nhất của Bảo tàng là hạng mục đảo ngói, chống dột vào năm 1984 và năm 2000 thì được sơn quét vôi, sửa chữa hệ thống điện. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử đang trong tình trạng xuống cấp, dột mái, thấm tường, nứt sàn, hàng rào rỉ sét…
Cùng hiện trạng với Bảo tàng Lịch sử là Bảo tàng Tôn Đức Thắng, hiện đang liên tục xảy ra các tình trạng như: Lún nền, các vách tường nứt dần dần lan rộng, nền gạch bung vỡ tại các phòng trưng bày, trần bị thấm và bong tróc, các phòng trưng bày, phòng làm việc của cán bộ đều bị thấm nước khi có mưa.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Tôn Đức Thắng hiện nay còn chưa có phòng khánh tiết để tiếp đón khách quý và tổ chức các nghi lễ long trọng, mà phải tận dụng phần hành lang của ngôi nhà cũ làm phòng tiếp khách, đón tiếp lãnh đạo, các đoàn khách đến tham quan, làm việc và đặc biệt là đón tiếp các vị lãnh đạo Trung ương và TPHCM dâng hương Bác Tôn nhân những ngày lễ kỷ niệm ngày sinh, tưởng niệm ngày mất của Người.
Theo bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, vào những ngày lễ lớn, lượng khách Bảo tàng phải tiếp đón rất đông, xét về tầm vóc một bảo tàng lưu niệm lãnh tụ, một nơi tiếp đón khách tạm bợ như hiện nay là kém phần long trọng và chưa xứng tầm.
Từ những hiện trạng trên, các bảo tàng đã có nhiều ý kiến đề xuất các cấp lãnh đạo bố trí vốn, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, các thủ tục thực hiện đầu tư, triển khai dự án sửa chữa, mở rộng các bảo tàng. Bên cạnh đó, các bảo tàng mong muốn được đầu tư kinh phí đổi mới trưng bày bảo tàng, xây dựng kho bảo quản hiện vật đúng chuẩn.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong sau khi lắng nghe tất cả tâm tư, nguyện vọng từ đội ngũ lãnh đạo các bảo tàng đã yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương làm báo cáo về thực trạng của các bảo tàng để có những đề xuất giải quyết sớm nhất những bất cập đó.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Thành phố yêu cầu các bảo tàng của TPHCM phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc trưng bày để thu hút và tác động mạnh nhất vào khách tham quan. Thành phố xác định đầu tư cho bảo tàng là đầu tư cho văn hóa, là cơ hội giới thiệu cho khách nước ngoài hiểu về lịch sử và con người Việt Nam.