Thứ Ba, 14/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/08/2016 04:29 1025
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 23/08/2016, Hội thảo “Marketing Bảo tàng và Di tích” đã diễn ra tại trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo do Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

TS. Nguyễn Văn Cường – Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo “Marketing Bảo tàng và Di tích” đã thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, quản lý bảo tàng, di tích, các chuyên gia trong lĩnh vực marketing truyền thông, các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên. Hội thảo đã nhận được 34 bài tham luận, trong đó có 9 bài báo cáo tham luận tại hội thảo với hai phần:

Phần một: Những vấn đề chung về marketing bảo tàng, di tích, gồm các bài: 1. Marketing di sản văn hóa và những công cụ cơ bản của marketing bảo tàng - TS. Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Quảng bá thương hiệu bảo tàng - Chiến lược marketing của các bảo tàng hiện đại - ThS. Nguyễn Hải Ninh – Phó Trưởng phòng Quản lý bảo tàng, Cục Di sản Văn hóa. 3. Bảo tàng và hoạt động marketing - ThS. Lưu Thu Huyền – Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Truyền thông marketing – Giải pháp thu hút khách tham quan bảo tàng - ThS. Tô Thị Thủy Lâm – Trưởng phòng Truyền thông, BTLSQG.

Phần hai: Thực tiễn hoạt động marketing tại các bảo tàng, di tích, gồm các bài: 1. Trưng bày và marketing tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - TS. Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. 2. Khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: sức sống, sự trường tồn và sức lan tỏa mạnh mẽ - Bà Cao Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. 3. Hoạt động marketing hướng tới mong muốn của công chúng và mục tiêu của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bà Nguyễn Thúy Đức – Quyền Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. 4.Thực trạng và định hướng phát triển marketing Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - PGS. TS. Bùi Thị Thanh Mai – PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. 5. Kinh nghiệm marketing tiếp thị của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - ThS. Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

TS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia (giữa), TS. Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. HCM (phải), PGS.TS. Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa TP. HCM, đồng chủ trì hội thảo.

Trong thời gian hữu hạn của hội thảo, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, bất cập trong việc quảng bá cũng như truyền thông của hệ thống bảo tàng và di tích hiện nay. Ông Nguyễn Hải Ninh, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) nói: "việc thiếu các bộ phận chuyên trách về marketing và thiếu chiến lược quảng bá lâu dài là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vắng khách của bảo tàng".

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh – Bảo tàng duy nhất trong cả nước tự chủ hoàn toàn về tài chính cũng chỉ ra rằng, các bảo tàng hiện nay chưa thực sự có nhu cầu làm marketing do cơ chế bao cấp. Bởi có “đói thì đầu gối mới phải bò”. Một khi bảo tàng tự chủ về tài chính, với nguồn ngân sách eo hẹp thì phải tìm mọi cách để tạo nguồn thu, duy trì hoạt động, trong đó Marketing là giải pháp sống còn.

Các chuyên gia nêu ý kiến thảo luận tại hội thảo.

Theo xu hướng phát triển của xã hội và ngành bảo tàng trên thế giới, các bảo tàng đã bước đầu chú trọng đến công tác marketing. Hiện nay, bảo tàng không thể ngồi chờ khách tham quan. Ngược lại, đây là thời các bảo tàng phải tự mình đến với khách tham quan. Nhận thức được điều đó, một số bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ chí Minh, Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng chứng tích chiến tranh… đã thành lập riêng bộ phận chuyên trách Marketing, truyền thông, triển khai những phương pháp quảng bá mới, hấp dẫn.

Nhiều kinh nghiệm và giải pháp marketing hữu hiệu đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chia sẻ một số kinh nghiệm về quá trình truyền thông marketing như: nghiên cứu, phân đoạn thị trường khách tham quan, xác định công chúng mục tiêu, xác định thông điệp truyền thông, xác định kênh truyền thông,... Các chương trình hợp tác trưng bày ở nước ngoài cũng là một kênh truyền thông, quảng bá cho bảo tàng, tuy nhiên cần chú ý xây dựng nội dung, tên gọi hấp dẫn cho các trưng bày thường xuyên và ngắn hạn thì mới có thể thu hút được khách tham quan đến với bảo tàng.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng là bảo tàng được đánh giá cao về sự hợp tác chặt chẽ với ngành du lịch, đó là một giải pháp marketing quan trọng. Bảo tàng đã tích cực tham dự tất cả các sự kiện du lịch, mở gian hàng hội trợ, tọa đàm với ngành du lịch, miễn phí vé cho các đoàn đến từ hội chợ… Bảo tàng đặt ra mục tiêu thu hút khách tham quan và đáp ứng mọi nhu cầu của khách khi đến với bảo tàng, từ ăn uống nghỉ ngơi cho tới "sám hối",…

Hội thảo thu hút rất đông các học giả, chuyên gia, những người quan tâm đến ngành bảo tàng, di tích.

TS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát biểu sau hội thảo: "Hội thảo lần này như một dịp để các chuyên gia về bảo tàng, di tích ngồi lại với nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những phương pháp marketing bảo tàng, di tích. Sau hội thảo này, mỗi bảo tàng sẽ có những nhận thức riêng và tìm ra những phương pháp phù hợp với bảo tàng, di tích của mình, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động marketing trong ngành bảo tàng, di tích ngày nay".

An Nhiên

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: