"Hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Viện nghiên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc – Vừa đúng hướng vừa hiệu quả". Đó là đánh giá của TS. Phạm Quốc Quân tại chương trình tọa đàm “Di sản văn hóa biển Việt Nam” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) phối hợp với Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc, tổ chức chiều 7/6/2016 tại BTLSQG. Ông cho rằng “Di sản văn hóa biển là một đề tài nghiên cứu quá rộng, tuy nhiên hai bên đã chọn được những vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam và Hàn Quốc”.
Bên cạnh sự có mặt của đại diện hai cơ quan phối hợp, chương trình đã nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia uy tín về văn hóa biển như: PGS.TS, Hoàng Văn Khoán; PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung; TS. Nguyễn Gia Đối; TS. Phạm Quốc Quân; TS. Vũ Quốc Hiền; TS. Trần Quý Thịnh; TS. Đặng Hồng Sơn. Tọa đàm là báo cáo kết quả bước đầu trong hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Hàn Quốc giai đoạn 2015 - 2020 trong đó trọng tâm với những vấn đề sau.
TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc BTLSQG (trái) và ông Lee Gwi Young - Trưởng phòng Nghiên cứu Di sản biển, Viện nghiên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc (phải), chủ trì tọa đàm.
Bước đầu hệ thống dữ liệu chung về các thương cảng cổ Việt Nam
Đại diện BTLSQG đã trình bày “Báo cáo hợp tác nghiên cứu Hệ thống thương cảng cổ ở Việt Nam giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc (2011 – 2016)”. Báo cáo đã tổng hợp kết quả nghiên cứu, khảo sát quy mô, quá trình phát triển, giao thương của 25 thương cảng cổ lớn nhỏ, trong đó có các thương cảng trung tâm như: Miền bắc có thương cảng cổ Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên); Miền trung có thương cảng cổ Thanh Hà (Huế); Thương cảng cổ Hội An (Quảng Nam); Miền Nam có cảng cổ Bãi Xàu (Sóc Trăng),… ngoài ra còn có các cảng nhỏ xung quanh đóng vai trò hỗ trỡ cho việc giao thương buôn bán chủ yếu là tránh bão và tập kết hàng hóa. Đề tài nghiên cứu hệ thống các thương cảng cổ Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành, tuy nhiên phạm vi mới chỉ dừng lại ở miền Trung, song báo cáo đã mở rộng thêm hệ thống thương cảng cổ ở miền Đông Nam Bộ. Tiến hành điều tra, khảo sát hệ thống thương cảng cổ ở ba miền Bắc - Trung - Nam, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ở Việt Nam có sự tồn tại vết tích của thương cảng cố có niên đại từ đầu công nguyên đến cuối thế kỷ XX.
Ngoài ra, báo cáo cũng đã trình bày một số tín ngưỡng thờ cúng của ngư dân ở các vùng thương cảng cổ như: tín ngưỡng thờ cúng cá ông của các ngư dân đi biển; tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cư dân vùng Đông Nam Bộ và đã có sự hệ thống các di tích của tín ngưỡng này. Thông qua việc nghiên cứu hệ thống các thương cảng cổ sẽ là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu sâu hơn các vấn đề như: lịch sử hàng hải Việt Nam; sự hình thành và phát triển của hệ thống các đô thị cổ Việt Nam… Báo cáo đã nhận được sự đánh giá rất cao của các nhà chuyên môn, song theo TS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc BTLSQG cho rằng: “nên khai thác thêm các nguồn sử liệu từ Trung Quốc vì trong giao thương với Việt Nam, Trung Quốc chiếm một thị phần rất lớn. Chúng ta không thể không nghiên cứu những nguồn sử liệu trên với sự phát triển của các thương cảng cổ, thông qua việc nghiên cứu nguồn sử liệu sẽ làm soi sáng nhiều phía điều đó giúp cho những nghiên cứu của chúng ta có giá trị hơn”.
Các chuyên gia đang lắng nghe “Báo cáo hợp tác nghiên cứu Hệ thống thương cảng cổ ở Việt Nam giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc (2011 – 2016)”
Việt Nam dưới cái nhìn của người Hàn Quốc thông qua sử liệu Hàn Quốc và quan điểm của người Hàn Quốc ngày nay.
Tham dự chương trình đại diện Viện Nghiên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc đã trình bày tham luận “Giao lưu Hàn Quốc – Việt Nam trong các ghi chép của Hàn Quốc”. Các vấn đề được đưa ra là: Sự xuất hiện của Việt Nam trong lịch sử Hàn Quốc; Nước Việt Nam trong ghi chép của chính sử Hàn Quốc, mà cụ thể là cuốn “Choson Hoàng Triều thực lục”; Việt Nam trong các ghi chép riêng lẻ của các quan lại và dân thường bị phiêu dạt đến Việt Nam, được người Việt cứu và có thời gian sống tại Việt Nam.
Sử liệu đầu tiên được nói đến là “Quế uyển bút tập canh” của Choi Chi Won, một học giả người Hàn Quốc nhưng từ nhỏ đã sang nhà Đường du học và có 4 năm làm quan tổng quản cho Cao Biền, trong đó được tin tưởng giao phó nhiều công việc soạn thảo văn bản quan trọng. Sau đó ông trở về nước và tiến hành biên soạn lại các bài viết của mình trong thời gian ở nước Đường, ấn phẩm đó là “Quế uyển bút tập canh” gồm 28 tập. Trong tác phẩm trên có đề cập đến tập tục, chế độ, phong tục của Việt Nam nhưng qua lăng kính của Trung Quốc vì ông không trực tiếp đến Việt Nam. Đánh giá về quan điểm này, đại diện Hàn Quốc cho rằng “Nền tảng của quan điểm này chịu ảnh hưởng từ góc nhìn của Trung Quốc và tư tưởng Hoa dị quan vốn đặt Trung Quốc làm trọng tâm. Tức, cách nhìn nhận của Choi Chi Won là lăng kính tư tưởng của Trung Quốc hay nói cách khác đây không phải là quan điểm của Hàn Quốc”.
Về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời kỳ trung đại theo tham luận không có mối quan hệ chính thức, tuy nhiên theo thống kê sự xuất hiện của Việt Nam trong chính sử “Choson Hoàng Triều thực lục” có khoảng 300 bài viết nhưng trong khuôn khổ tham luận đã được nhóm nghiên cứu Hàn Quốc rút ngắn thành 84 bài. “Nếu đem so sánh số bài viết về các quốc gia Đông Nam Á thì 84 bài hoàn toàn không phải là con số nhỏ”, nguồn gốc để viết bài về Việt Nam “đa số thuộc tư văn do triều đình Trung Quốc gửi sang”. Ngoài ra nguồn sử liệu riêng được ghi chép riêng lẻ chủ yếu của các sứ thần Choson, họ không trực tiếp đi sang Việt Nam mà chỉ giao lưu với các sứ thần Việt Nam ở Trung Quốc thông qua cách cùng nhau làm thơ và trao đổi về thơ văn là chính. Đánh giá về tham luận TS.Vũ Quốc Hiền cho rằng “rất hứng thú” và đây là “những thông tin đầu tiên” ghi chép của Hàn Quốc về Việt Nam.
Những điều còn trăn trở
Chương trình tọa đàm được đánh giá cao về kết quả thực hiện phối hợp nghiên cứu giữa BTSLQG và Viện nghiên cứu di sản văn hóa biển Hàn Quốc, tuy nhiên nhiều vấn đề đã được đặt ra.
Thứ nhất: Như chúng ta đã biết tầm quan trọng của việc nghiên cứu hệ thống các thương cảng cổ, đó chính là tiền đề cho những hướng nghiên cứu mới, tuy nhiên trên thực tế hiện nay có nhiều di tích thương cảng cổ do các yếu tố thiên nhiên, chiến tranh và con người mà nhiều vết tích của các thương cảng cổ đang bị xâm lấn, thu hẹp hoặc đang bị phá hủy nghiêm trọng, do đó nếu không có biện pháp kịp thời thì những tư liệu quý giá sẽ này mất đi vĩnh viễn.
Thứ hai: Vấn đề “xử lý tư liệu” và vấn đề “tài liệu gốc hay không ?” đã được đặt ra sau khi những ghi chép về Việt Nam trong sử liệu của Hàn Quốc được công bố. Vì hầu hết đều xuất phát từ những quan điểm của những người bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa, do đó có cách nhìn thiên kiến về Việt Nam. Vì vậy cần có sự hợp tác trao đổi về những văn bản gốc để hai bên có cái nhìn khách quan hơn.
Thứ ba: Vấn đề nhân lực và kỹ thuật bảo quản cho ngành khảo cổ học biển đảo và khảo cổ học dưới nước của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, điều đó đã tác động xấu đến các hiện vật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa biển.
Những điều trăn trở đó chính là tâm huyết của những chuyên gia trong việc gìn giữ giá trị các văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa biển, hi vọng trong những giai đoạn hợp tác tiếp theo, những trăn trở trên sẽ được giải đáp.
Bài, ảnh : Thu Nhuần – Nguyễn Hưng