Sáng 18/2/2017 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia diễn ra chương trình Tọa đàm – thuyết trình với chủ đề “Duyên” trong lịch sử. Chương trình do Đoàn Thanh niên Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với nhóm sinh viên thuộc dự án “Thủ phất thanh đài” tổ chức.
Sáng 18/2/2017 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia diễn ra chương trình Tọa đàm – thuyết trình với chủ đề “Duyên” trong lịch sử. Chương trình do Đoàn Thanh niên Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với nhóm sinh viên thuộc dự án “Thủ phất thanh đài” tổ chức.
“Duyên” được xây dựng là một buổi thuyết trình – talk show – biểu diễn văn nghệ nhằm đưa đến cho khán giả những thông tin thú vị về chuyện yêu ngày xưa cũng như kiến thức về phong tục cưới truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong xu hướng hiện đại hóa ngày nay, xã hội ngày càng phát triển thì các giá trị văn hóa xưa cũ ít được chú trọng; nhóm các bạn trẻ đam mê tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt đã thành lập dự án “Thủ phất thanh đài” nhằm giúp giới trẻ gần hơn với các giá trị truyền thống đáng quý của dân tộc. Trong đó, tình yêu – hôn nhân là chủ đề xuyên suốt lịch sử và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là trong thơ ca, tình yêu là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác giả. Tình yêu trong văn hóa Việt Nam thường được khắc họa một cách dịu dàng, đằm thắm, lãng mạn nhưng cũng rất mộc mạc, giản dị. Đó cũng chính là thông điệp mà chương trình muốn gửi tới các bạn trẻ.
Tham dự và là diễn giả chính của chương trình có TS. Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), với sự góp mặt của các khách mời là đại diện Đoàn thanh niên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đoàn thanh niên các đơn vị thuộc Bộ VHTT&DL, các thành viên nhóm Thủ phất thanh đài và gần 150 sinh viên đến từ các trường trên địa bàn Hà Nội.
Nội dung chương trình được mô phỏng 3 giai đoạn: giai đoạn 1 - yêu đương, giai đoạn 2 - cưới hỏi, giai đoạn 3 - lại mặt.
Mở đầu chương trình khán giả được theo dõi một video clip do nhóm Thủ phất thanh đài vẽ và dàn dựng nội dung dựa theo tư liệu lịch sử của “Đại Việt sử ký toàn thư” (tác giả Ngô Sĩ Liên) và trả lời câu hỏi về một số mối tình nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như cuộc hôn nhân của Trần Hưng Đạo và công chúa Thiên Thành, chuyện tình của vua Lý Thánh Tông và nguyên phi Ỷ Lan...
Phần trao đổi ngắn giữa bạn Nguyễn Kim Như – một trong những thành viên của nhóm Thủ phất thanh đài và TS. Trần Trọng Dương không chỉ cung cấp cho khán giả kiến thức về các phong tục cưới hỏi xưa mà còn chia sẻ góc nhìn của những người nghiên cứu về các quan niệm về gia đình, con cái của người Việt từ xưa đến nay.
Điểm nhấn của chương trình là phần Workshop, tái hiện lại đám cưới truyền thống Việt Nam với sự tham gia minh họa của hai khán giả trẻ. Trong bộ áo dài truyền thống, cô dâu và chú rể diễn lại lễ Hợp cẩn – nghi lễ chính của đám cưới truyền thống. Sau khi uống rượu giao bôi, cô dâu trải chiếu, quỳ xuống vái chú rể hai vái, chú rể vái lại cô dâu một vái.
Qua đó công chúng có thể hình dung được phần nào không khí và khung cảnh của lễ cưới xưa, hiểu được ý nghĩa của những tục lệ truyền thống trong cưới hỏi. Đặc biệt nhóm tác giả đã mạnh dạn thiết kế mô phỏng lại trang phục truyền thống trong lễ cưới hỏi của đồng bằng Bắc Bộ xưa.
Trong không khí ấm áp của mùa xuân, chương trình đã mang đến những trải nghiệm nhẹ nhàng, thân mật và đầy lãng mạn, ý nghĩa sâu sắc đúng như chủ đề “Duyên”. Qua chương trình này, Đoàn thanh niên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cùng nhóm dự án Thủ phất thanh đài, mong muốn có thể đưa những nét đẹp truyền thống tới gần hơn với công chúng đặc biệt là các bạn trẻ. Từ đó có thể lan tỏa được tình yêu sự nhiệt huyết và truyền thống văn hóa lịch sử nước nhà.
Một số hình ảnh về buổi tọa đàm:
Toàn cảnh buổi thuyết trình về chủ đề Duyên trong lịch sử.
Sinh viên nêu ý kiến trao đổi tại buổi thuyết trình.
TS. Trần Trọng Dương trao đổi với các bạn trẻ về tình yêu, hôn nhân, phong tục cưới hỏi truyền thống.
Mô phỏng nghi thức Hợp cẩn trong lễ cưới truyền thống của người Việt xưa.
Trịnh Tân (Phòng GDCC)