Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trường Đại học Queensland (Australia), tiếp nối các khóa học thực địa tại các bảo tàng, di tích của Việt Nam từ năm 2014, 2015, 2016, từ ngày 3/1/2017-7/1/2017, tại Hà Nội đã diễn ra khóa học “Nghiên cứu thực địa Bảo tàng” do 2 giảng viên cao cấp của trường Đại học Queensland trực tiếp giảng dạy.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trường Đại học Queensland (Australia), tiếp nối các khóa học thực địa tại các bảo tàng, di tích của Việt Nam từ năm 2014, 2015, 2016, từ ngày 3/1/2017-7/1/2017, tại Hà Nội đã diễn ra khóa học “Nghiên cứu thực địa Bảo tàng” do 2 giảng viên cao cấp của trường Đại học Queensland trực tiếp giảng dạy.
Thành viên tham dự bao gồm: 11 sinh viên cao học Khoa Nghiên cứu Bảo tàng đến từ Australia và các học viên là cán bộ chuyên môn của các bảo tàng, di tích tại Việt Nam: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Di tích Văn miếu Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
Trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn hoạt động tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Khóa học lần này được tổ chức với mục đích cung cấp cho các học viên, sinh viên những kiến thức mới và kỹ năng trong việc gắn kết Bảo tàng với cộng đồng, đưa bảo tàng ngày càng đến gần hơn với công chúng và các phương pháp tổ chức các chương trình giáo dục (trải nghiệm, khám phá, sáng tạo…) dành cho các đối tượng công chúng đến Bảo tàng…
Học viên tham quan di tích và nghiên cứu thực địa tại Di tích Văn miếu Quốc Tử Giám.
Nội dung chính của khóa học là giới thiệu các lý thuyết về Bảo tàng học trên thế giới; các phương pháp tiếp cận và đánh giá khách tham quan; phân loại các đối tượng khách tham quan, các lý thuyết về học tập theo khuôn mẫu truyền thống và học tập phi khuôn mẫu bằng rất nhiều hình thức tự trải nghiệm tại các Bảo tàng, di tích có liên quan đến lịch sử, văn hóa, dân tộc học, nghệ thuật… Để từ đó, các học viên trong khóa học tập trung nghiên cứu thực địa các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội nhằm đánh giá thực tế hoạt động và đưa ra các ý tưởng cho các hoạt động thu hút khách tham quan, các hoạt động giáo dục hấp dẫn, phù hợp với các đối tượng khách tham quan như học sinh, sinh viên, khách du lịch, khách tự do, nhóm gia đình…
Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình khai thác tư liệu, tổ chức trưng bày chuyên đề “Đổi Mới - Hành trình của những ước mơ” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Với phương pháp tiếp cận liên ngành, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, khóa học này có nghĩa hết sức thiết thực cho những cán bộ chuyên môn đang làm việc tại các Bảo tàng, di tích tại Việt Nam và các sinh viên cao học đang theo học chuyên nghành Bảo tàng học tại Australia.
Học tập và trao đổi kinh nghiệm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội.
Tuy thời gian học tập không dài, vừa phải đi thực địa và làm việc nhóm tại các bảo tàng, di tích nhưng khóa học đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo học viên trong và ngoài nước. Với việc làm việc nhóm và tự do sáng tạo, các nhóm học viên đã đưa ra những ý tưởng mới với các hoạt động trải nghiệm hết sức phong phú cho các hoạt động giáo dục, hướng dẫn tham quan và trưng bày bảo tàng tại các bảo tàng và di tích trên địa bàn Hà Nội.\
Nghiên cứu thực địa và làm việc nhóm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Sau 1 tuần diễn ra tại Hà Nội, khóa học này tiếp tục tổ chức tại Đà Nẵng, Hội An và Huế với nội dung trọng tâm là cơ sở lý thuyết và thực tiễn hoạt động về các vấn đề: Phát triển giáo dục và các chương trình dành cho công chúng, nghiên cứu trường hợp, các chiến lược gắn kết cộng đồng…
Việc tổ chức và tham gia khóa học này là một việc làm rất ý nghĩa, tạo điều kiện cho các học viên được tiếp cận một cách hệ thống với lý thuyết và thực hành của kiến thức bảo tàng học hiện đại. Đây cũng là cơ hội quí báu để các học viên Việt Nam và Australia được kết nối, trao đổi, học hỏi, chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm làm bảo tàng để áp dụng vào thực tiễn công tác.
Học viên chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Lê Liên (Phòng GDCC)