Tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925 và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1927, đồng chí Trường Chinh là một trong những người tiên phong trong công tác vận động thành lập Đảng và là một trong những chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930).
Trong quá trình hoạt động cách mạng cũng như trong ngục tù thực dân đế quốc, đồng chí đã tham gia truyền bá cương lĩnh, đường lối của Đảng, đóng góp to lớn vào cuộc vận động dân chủ do Đảng lãnh đạo trong những năm 1936-1939. Năm 1940, vượt qua sự truy lùng của thực dân Pháp, đồng chí Trường Chinh đã góp phần tổ chức lại Ban chấp hành Trung ương, kiện toàn bộ máy của Đảng và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc họp từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941 tại Pắc Pó (Cao Bằng). Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương mới, đồng chí Trường Chinh được bầu là Tổng Bí thư. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã ba lần được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941-1951), Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951-1956) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986).
Sưu tập hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trường Chinh lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với số lượng hơn 30 hiện vật là nguồn tư liệu gốc, quý hiếm. Đây là những kỷ vật gắn liền với những năm tháng hoạt động cách mạng bí mật của đồng chí và các đồng chí lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng, bao gồm: những trang tư liệu gốc, báo chí liên quan đến sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trường Chinh là nhóm hiện vật phong phú, đa dạng về giá trị và nội dung; những hiện vật gốc minh chứng cho một giai đoạn gian khó của cách mạng Việt Nam, đồng thời thể hiện sự đóng góp, tình cảm gắn bó, chở che của của nhân dân đối với Đảng, với cách mạng.
1. Nhóm hiện vật văn bản: Hàng trăm trang tư liệu viết tay có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh cũng như sưu tập báo chí cách mạng là những hiện vật đặc biệt giá trị về nội dung và ý nghĩa lịch sử, phản ánh chân thực sự lãnh đạo tài tình của Ban chấp hành Trung ương Đảng đối với phong trào cách mạng giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
- Từ Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương đến sự ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" và Hội Văn hóa cứu quốc:
Bản Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trường Chinh soạn thảo, được thông qua tháng 5 năm 1941 lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gồm 36 trang, phân tích tình hình thế giới, Đông Dương, đề ra nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc, Chương trình Việt Minh (từ trang 28 đến trang 31) và Điều lệ Việt Nam Nông dân cứu quốc hội (trang 33, 34); Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc (trang 35, 36). Hội nghị phân tích rõ tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, vấn đề dân tộc, chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương, chiến thuật vận động và sự tất yếu ra đời Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh). Hội nghị nhận định "nhiệm vụ giải phóng dân tộc độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương hợp với nguyện vọng chung của tất cả nhân dân Đông Dương".
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII, tháng 5 năm 1941 (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Ở Việt Nam, phong trào cách mạng sau nghị quyết Trung ương lần thứ VIII (5/1941) đến năm 1943 đã có bước phát triển mạnh mẽ: Cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế diễn ra trên cả ba miền; đáng chú ý đã có nhiều cuộc tranh đấu vũ trang có tính du kích và khởi nghĩa. Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định 5 vấn đề mới, cấp bách, trong đó chỉ thị cho toàn Đảng phải kiên quyết hành động thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa của Trung ương. Trong nhiệm vụ, giải pháp về vận động sâu rộng nhằm động viên mọi giai tầng xã hội tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định một chủ trương lớn: Tiến hành cuộc vận động văn hóa. Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa, đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc, chống văn hóa phát xít. Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Hà Nội) vào tháng 2/1943, Đảng ta đã thông qua "Đề cương về văn hóa Việt Nam" do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đây là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa văn nghệ, vạch ra đường lối văn hóa cách mạng và những nhiệm vụ cụ thể để lãnh đạo công tác vận động văn hóa, tiến tới xây dựng một nền văn hóa dân tộc, nhân dân với ba nguyên tắc lớn: Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa.
Trên tinh thần đó, tháng 4/1943, Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập tại Hà Nội. Những hội viên đầu tiên của Hội như Học Phi, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao... đã trở thành nòng cốt của ngành văn hóa văn nghệ sau Cách mạng Tháng Tám. Cơ quan ngôn luận của Hội là tạp chí Tiên phong, tòa soạn tại phố Hàng Trống, Hà Nội.
Tạp chí Tiên Phong số 1, ra ngày 10 tháng 11 năm 1945 hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia in trên trang bìa: "Tạp chí Tiên phong - cơ quan vận động văn hóa mới". Chuyên đề chính của tạp chí là "Khoa học, đại chúng, dân tộc", "Văn hóa khi đã vào sâu đại chúng cũng tác động như một sức mạnh vật chất". Nội dung "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943 được in trong số này là nguồn tư liệu quí hiếm được các nhà nghiên cứu, các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên khai thác và phát huy giá trị.
Tạp chí Tiên Phong, số 1, ra ngày 10 tháng 11 năm 1945 (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
- Nhóm tài liệu, hiện vật do đồng chí Trường Chinh soạn thảo và chỉ đạo biên tập, trực tiếp viết bài:
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua bao thác ghềnh, hiểm nghèo, tiến hành cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, giữ vững thành quả cách mạng. Vì nhiệm vụ quốc tế, đồng chí Nguyễn Ái Quốc hai lần phải vắng mặt ở trong nước (từ tháng 8/1942 đến tháng 10/1944 và từ tháng 2 đến tháng 5/1945), trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng đặt lên vai Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, phát triển mạnh mẽ lực lượng chính trị với sự ra đời của các đoàn thể Cứu quốc rộng rãi trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng các an toàn khu (ATK) và trên cơ sở đó, tổ chức lực lượng vũ trang. Nắm chắc thời cơ, đồng chí cùng Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ, thống nhất các lực lượng vũ trang, chuẩn bị các điều kiện cần thiết kịp thời để khi thời cơ tới, tiến lên tổng khởi nghĩa.
Hàng chục tài liệu gốc gắn liền với đồng chí Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII do đồng chí soạn thảo và thông qua tháng 5/1941; Nhóm tài liệu, văn bản, sách in Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Đông Dương, tuyên ngôn, cương lĩnh, chương trình điều lệ Việt Minh... được toàn thể Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ VIII thông qua; Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh hướng dẫn việc tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng ở tất cả các cấp, ngày 16/4/1945; Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thông qua ngày 12-3-1945. Sách lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia do Ban Thường vụ Trung ương Đảng in và phát hành.
Sách in "Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Đặc biệt trong kho Văn bản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ sưu tập tài liệu, văn bản gốc về Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 01-1951 (Đại hội đổi tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam), trong đó nhiều tài liệu do đồng chí Trường Chinh soạn thảo hoặc có bút tích của đồng chí. Một số tác phẩm do đồng chí Trường Chinh biên soạn là những tư liệu quí được các nhà nghiên cứu lịch sử quan tâm như: Sách Vấn đề dân cày do đồng chí Trường Chinh (Qua Ninh) và đồng chí Võ Nguyên Giáp (Vân Đình) biên soạn, in tại nhà in Thái Phi, Hà Nội, năm 1937; Sách Cách mạng Tháng Tám, in năm 1946, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm thứ nhất, gồm 121 trang; Sách Kháng chiến nhất định thắng lợi, tập đầu, xuất bản năm 1949, gồm 34 trang.
Sách "Vấn đề dân cày" của tác giả Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Kho Văn bản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ một số sưu tập báo chí cách mạng được xuất bản bí mật trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách hoặc chỉ đạo biên tập, trực tiếp viết bài như: Báo Tin tức, cơ quan của Mặt trận Dân chủ; Báo Le Travail; Báo Ngày mới; Báo Giải phóng tập mới, cơ quan tuyên truyền Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1941; Báo Cờ Giải phóng, cơ quan tuyền truyền, cổ động của Đảng Cộng sản Đông Dương; Báo Cứu quốc, cơ quan tuyền truyền, cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh; Báo Sự thật, cơ quan tuyền truyền, cổ động của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương...
2. Nhóm hiện vật thể khối: Gồm 17 hiện vật gốc, là những kỷ vật góp phần minh chứng cho những cống hiến xuất sắc cho cách mạng, Đảng và dân tộc Việt Nam của đồng chí Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo, sự gắn bó mật thiết của các đồng chí lãnh đạo với phong trào cách mạng của nhân dân.
- Những hiện vật là kỷ vật của đồng chí Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối dùng trong thời gian hoạt động bí mật như: Xanh, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ dùng nấu ăn trong thời kỳ hoạt động bí mật ở Việt Bắc; Nồi, đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ dùng nấu thạch in tài liệu của Đảng tại gia đình cụ Đám Thi, làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, năm 1939; Ống cắm bút, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đã dùng trong những năm 1941-1943; Quần áo, đồng chí Trường Chinh đã mặc trong thời gian hoạt động ở Bắc Ninh; Bộ quần áo, đồng chí Trường Chinh mặc cải trang để hoạt động cách mạng trong thời gian ở Đại Từ, Bắc Thái, năm 1942-1943.
Chiếc nồi được đồng chí Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ dùng nấu thạch in tài liệu của Đảng năm 1939 (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Bộ quần áo đồng chí Trường Chinh mặc trong thời gian hoạt động cách mạng ở Bắc Ninh (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
- Nhóm hiện vật là đồ dùng sinh hoạt được những gia đình có công với cách mạng bất chấp hiểm nguy nuối giấu các đồng chí lãnh đạo hoạt động che mắt địch: Mâm của cụ Đám Thi ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh dùng để dọn cơm cho các đồng chí Trường Trinh, Hoàng Văn Thụ, Văn Tiến Dũng trong thời gian các đồng chí hoạt động ở vùng Từ Sơn, Bắc Ninh, năm 1940. Bàn và phản, đồng chí Trường Chinh đã dùng làm việc trong thời gian hoạt động cách mạng ở gia đình ông Đoàn Chuyên, cơ sở cách mạng ở thôn Nhuế, xã Trung Kiên, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, năm 1939; Mâm của bà Cửu ở Từ Sơn, Bắc Ninh dùng để dọn cơm cho đồng chí Trường Chinh trong thời gian đồng chí hoạt động ở vùng này, năm 1940; Đĩa, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đã dùng trong thời gian hoạt động cách mạng ở gia đình ông Nguyễn Duy Phố ở thôn Dương Húc, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh năm 1941-1942; Áo dài nhà chùa, cụ Phạm Thông Hòa, ở chùa Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh đưa cho đồng chí Trường Chinh mặc cải trang để hoạt động cách mạng trong thời gian ở đây, năm 1940; Dao, ông Dương Văn Vân dùng bảo vệ các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên khi các đồng chí tạm trú tại nhà ông ở xóm Lũng Pán, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, ngày 12/6/1941; Kiếm, đồng chí Hoàng Văn Thắng, tự vệ thôn Võng La, xã Việt Thắng, huyện Đông Anh, Hà Nội đã dùng kiếm này cùng 12 đồng chí khác bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Trần Độ về hoạt động ở vùng này từ năm 1941 đến năm 1944.
Chiếc mâm được các đồng chí Trường Trinh, Hoàng Văn Thụ, Văn Tiến Dũng dùng trong thời gian hoạt động ở Bắc Ninh năm 1940 (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Sưu tập hiện vật về Tổng Bí thư Trường Chinh hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cuốn sử sống minh chứng cho những đóng góp to lớn của đồng chí đối với cuộc cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Những hiện vật quí báu này đã và đang được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gìn giữ, phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho nhân dân về đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, một nhà báo, nhà phê bình văn học nghệ thuật xuất sắc được nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tin yêu, kính trọng.
ThS. Lê Hồng Thu
Tài liệu tham khảo
-Ban biên tập tạp chí Xưa và Nay 2000. Đề cương văn hóa và Hội Văn hóa cứu quốc. Xưa và Nay, số 71, tr. 50.
-Phạm Hồng Chương 2007. Trường Chinh trước những bước ngoặt lịch sử Việt Nam hiện đại. Lịch sử Đảng, số 2, tr. 32-36.
-Lê Hữu Nghĩa 2007. Trường Chinh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Lịch sử Đảng, số 2, tr. 17-23.
-Nguyễn Duy Quý 2002. Đồng chí Trường Chinh, nhà yêu nước lớn, nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta. Trường Chinh - Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 327-343.