Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/08/2022 13:03 4119
Điểm: 3/5 (2 đánh giá)
Sưu tập hiện vật, tài liệu về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (1941-1945) gồm hơn 1000 hiện vật là sưu tập hiện vật phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước. Bộ sưu tập này gồm nhiều nhóm hiện vật như: Truyền đơn, báo chí trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (gần 700 hiện vật); Văn bản tài liệu phổ biến đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh (gần 50 hiện vật); Vũ khí và các phương tiện nhân dân sử dụng trong khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (hơn 60 hiện vật); Hiện vật về các nhà cách mạng (gần 100 hiện vật); Hiện vật về nhân dân nuôi giấu, bảo vệ cách mạng (hơn 100 hiện vật); Tài liệu của địch theo dõi các hoạt động cách mạng của ta (hơn 20 hiện vật)...

Nhóm văn bản, tài liệu phổ biến đường lối của Đảng, Mặt trận Việt Minh có nhiều hiện vật gốc, giá trị như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 5 năm 1941; Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh ngày 25-10-1941; Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh; Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng ngày 12-8-1945 do đồng chí Võ Nguyên Giáp ký.

 
 Nghị quyết: Của Hội nghị Trung ­ương Đảng Cộng sản Đông D­ương lần thứ VIII, phân tích tình hình thế giới, Đông Dư­ơng, đề ra nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc, Chương trình Việt Minh và Điều lệ Việt Nam nông dân Cứu quốc Hội, năm 1941.
 
 Thư­ của Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh, ủng hộ Việt Minh và Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam đánh đuổi Nhật - Pháp giành độc lập cho Tổ quốc, tháng 8/1945.
 
 Mệnh lệnh khởi nghĩa của Uỷ ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng, ngày 12/8/1945.
 
 Sách in Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Ban Th­ường vụ Trung ­ương Đảng Cộng sản Đông D­ương, ngày 12/3/1945.

Các nguồn sử liệu vô giá này đã đề cập tới một số nội dung chính: Giải thích đường lối của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, của các đoàn thể; Tuyên truyền vận động quần chúng tham gia cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa... Đây là những tài liệu quan trọng phản ánh vai trò lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhóm vũ khí, phương tiện của nhân dân sử dụng trong khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 phong phú về chủng loại, từ mã tấu, mũi lao, ngọn kích, kiếm, gậy, đến các kiểu súng như: Nòng súng kíp tự chế tạo của du kích Cao Bằng; Súng kíp tự chế tạo của du kích Phú Thọ; Gậy tầm vông của nhân dân An Giang, Tiền Giang; Súng ngắn của du kích Ninh Thuận; Cờ dùng trong khởi nghĩa của nhân dân Quảng Ngãi; Cờ treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào; Cờ của Việt kiều treo ở Pari (Pháp) chào mừng ngày độc lập; Phù hiệu của nhân dân Hà Nội dùng trong ngày tổng khởi nghĩa... Nhiều hiện vật trong nhóm này gắn liền với các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và cuộc binh biến Đô Lương. Đây là những cuộc diễn tập trước khi nổ ra tổng khởi nghĩa tháng Tám. Nhóm hiện vật này là những vật chứng lịch sử quan trọng thể hiện không khí sục sôi cách mạng ở khắp các địa phương trong cả nước.

 
 Súng ngắn. của Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã dùng trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tháng 12 năm 1944. 
 
 Mìn giả. Du kích Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn tự chế dùng để nghi binh đánh địch, từ năm 1941-1942.
 
 Mã tấu. Tự vệ thôn Hữu Từ, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, thị xã Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) dùng tham gia giành chính quyền ở địa phương, tháng 8/1945. 

Nhóm hiện vật về các vị tiền bối cách mạng là những hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp... Tiêu biểu là: Địa bàn đồng chí Phùng Chí Kiên đã dùng tìm phương hướng trong rừng trên đường rút về căn cứ năm 1941; Súng ngắn đồng chí Võ Nguyên Giáp đã dùng đánh địch trong trận Phay Khắt, Nà Ngần, năm 1944... hay các tác phẩm nổi tiếng như: Nhật ký trong tù; Lịch sử nước ta; Thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh ủng hộ Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, đánh đuổi Nhật - Pháp tháng 8/1945... Nhóm hiện vật về các vị tiền bối cách mạng là những di vật thiêng liêng gắn liền với cuộc đời cách mạng của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, là vật chứng quan trọng thể hiện tấm lòng của nhân dân với Đảng, với cách mạng.

Nhóm hiện vật về truyền đơn cách mạng và báo chí cách mạng trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong bộ sưu tập này, những hiện vật chứa đựng nhiều thông tin giá trị là nhóm hiện vật về truyền đơn cách mạng và báo chí cách mạng trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 
 Truyền đơn. Việt Minh kêu gọi đồng bào không nộp thóc, đánh chặn xe l­ương, phá kho thóc của Nhật, năm 1945.

Hơn 60 hiện vật gốc là truyền đơn giai đoạn 1941-1945 lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia phản ánh những sự kiện quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc. Ngôn ngữ biểu đạt trên các tờ truyền đơn thường hết sức ngắn gọn, súc tích, nhiều khi chỉ là những khẩu hiệu, mệnh lệnh...nhưng sức mạnh truyền cảm của nó vô cùng to lớn.

Nhóm hiện vật báo chí chiếm một số lượng khá lớn trong bộ sưu tập gồm các báo của Trung ương Đảng như: Cờ Giải Phóng, Sự thật..; Báo chí của các cấp bộ Đảng ở địa phương: Tiên phong, Cởi Ách..; Báo chí của các tổ chức, quần chúng, đoàn thể do Đảng lãnh đạo: Cứu Quốc, Việt Nam Độc Lập, Giải phóng, Búa, Hồn Việt Nam, Chiến Đấu, Tiếng Súng Khởi Nghĩa, Bắc Sơn... Có báo chí hiện Bảo tàng chỉ lưu giữ được 1 tờ (một số), có báo khá đầy đủ đến 126 số như báo: Việt Nam Độc Lập. Cơ sở in và phát hành báo ở các địa phương tuy chưa đầy đủ, nhưng có rải rác trong cả nước, nhiều nhất là báo của Trung ương Đảng, Mặt trận Việt Minh. Các báo của Mặt trận Việt Minh xuất bản chủ yếu ở Việt Bắc, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Phần lớn các báo này được in từ năm 1941 đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Đó cũng chính là khoảng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, vận động nhân dân tham gia vào Mặt trận Việt Minh chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ khởi nghĩa...

 
 Báo Bắc Sơn - Cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt Minh đặc biệt khu.  Số 1, ra ngày 10/7/1944
 
 Báo Độc lập - Cơ quan tuyên truyền của Việt Nam Dân chủ Đảng. Số ra ngày 10/5/1945

Đa số hiện vật trong sưu tập được đưa về Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) ngay ở những năm đầu thành lập Bảo tàng 1958, 1959. Hiện vật được địa phương bàn giao cho Vụ Văn hóa Đại chúng vào năm 1956, sau đó được chuyển giao về Bảo tàng; hoặc có những hiện vật được tiếp nhận từ Triển lãm cải cách ruộng đất tại Hà Nội năm 1955, từ Triển lãm Khu tự Trị Việt Bắc năm 1956. Nhiều hiện vật thuộc sưu tập được tiếp nhận từ các Ty Văn hoá của các địa phương miền Bắc vào những năm 1958 - 1959. Có nhóm hiện vật được cán bộ Bảo tàng sưu tầm hoặc do các cá nhân hiến tặng cho Bảo tàng...

Sưu tập hiện vật về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những sưu tập quan trọng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nguồn tư liệu, hiện vật phong phú về số lượng và có ý nghĩa lịch sử cách mạng cần được bảo tồn và phát huy để phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho nhân dân và thế hệ trẻ ngày nay.

                                                                       Lê Hồng Thu

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7629

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Sách “Bản án chế độ Thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation Francaise) lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia

Sách “Bản án chế độ Thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation Francaise) lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia

  • 16/08/2022 11:32
  • 4570

Mỗi hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đều mang trong mình những câu chuyện lịch sử, đó là câu chuyện phản ánh con người, phản ánh xã hội. Tuy nhiên ít ai biết, hành trình để những hiện vật đó trở về với bảo tàng cũng là một câu chuyện không kém phần thú vị, cuốn sách “Bản án chế độ Thực dân Pháp” (Le Procès de la colonisation Francaise) hiện đang trưng bày tại triển lãm “Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” là hiện vật chứa đựng câu chuyện như thế.