Chuông đồng là một trong những nhạc khí gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt. Dưới thời Nguyễn, chuông đồng được tiếp nối và phát triển từ chuông các thời Trần, Hậu Lê, Tây Sơn và có cấu tạo tương đối giống nhau, bao gồm các phần: quai chuông thường trang trí hình Bồ lao (con thứ hai của rồng), đấu lưng vào nhau tạo thành hình vòng cung, miệng há hoặc ngậm ngọc. Thân tròn rộng, lòng rỗng, miệng loe, chia làm 4 ô bởi các đường gờ nổi, 4 ô hình thang ở trên được khắc và đúc nổi minh văn thể hiện tên chuông, niên đại, và ghi danh những người công đức tiền của xây dựng, tu sửa chùa, đúc chuông.... Bốn ô chữ nhật bên dưới thường được trang trí đề tài tứ linh. Chuông đồng là một loại tư liệu quý, chuẩn xác giúp chúng ta tìm hiểu về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt nghệ thuật trang trí dưới thời Nguyễn.