Thứ Hai, 07/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/05/2015 15:11 4346
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ hàng trăm bức ảnh gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”. Bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long chụp. Đây là bức ảnh ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bắt nhịp bài Kết đoàn. Bức ảnh đã đi vào lịch sử và cùng với bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” đã đưa tên tuổi của nghệ sĩ Lâm Hồng Long lên hàng nghệ sĩ tầm cỡ của nền nhiếp ảnh nước nhà.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long sinh năm 1926 tại xã Phước Lộc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Ông tham gia Cách mạng từ trước năm 1945. Tháng 4 năm 1951, ông bị địch bắt cầm tù tại nhà lao Phan Thiết, Nha Trang và Đà Nẵng. Trong thời gian bị tù đầy, mặc dù bị tra tấn dã man, ông đã không khuất phục, không khai báo, giữ được bí mật của tổ chức. Năm 1954, từ miền Nam ông tập kết ra Bắc và ước mong được thấy Bác Hồ. Điều mà ông không bao giờ nghĩ tới đã trở thành công việc hàng ngày của ông: ông được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là chụp ảnh Bác Hồ. Thế là một người con miền Nam đã hân hạnh có mặt trong nhiều sự kiện, ghi lại hình ảnh về hoạt động của vị cha già dân tộc…Và việc chụp ảnh Bác Hồ đã trở thành một niềm vui, một sự nghiệp tâm huyết, hết sức gắn bó với cuộc đời ông và theo ông trên suốt con đường hoạt động. Hơn 40 năm là phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam, ông đã chụp rất nhiều ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là:

- Bác Hồ trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước năm 1966.

- Bác Hồ tặng hoa cho mẹ Suốt, người mẹ anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ, Quảng Bình.

- Bác Hồ chúc tết đồng bào cả nước năm Mậu Thân 1968.

- Bác Hồ với thiếu nhi dũng sĩ miền Nam năm 1969.

- Bác Hồ trồng cây tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì vào sáng mồng 2 tết năm 1969.

Tấm ảnh cuối cùng ông chụp cho Bác là khi Bác đến dự buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, tại Hà Nội tháng 6-1969.

Với những đóng góp của mình, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Huy chương vì sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam, bằng danh dự FIAF (Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế) năm 1991 và nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 ngày 23-11-1996.

Ngày 21 tháng 3 năm 1997 ông đã từ trần tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 72 tuổi.

Kể về sự ra đời của bức ảnh “ Bác bắt nhiệp bài ca Kết đoàn”, nghệ sĩ tâm sự:

“Tối ngày 19 tháng 9 năm 1960, tôi được cơ quan giao cho nhiệm vụ chụp ảnh Đại hội Nhân dân thủ đô Hà Nội, mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tại công viên Bách Thảo. Lần đầu tiên, tôi hồi hộp khi thấy Bác Hồ xuất hiện. Đêm đó Bác cùng các đại biểu cả trong và ngoài nước đến nghe đêm diễn nhạc giao hưởng. Theo nguyện vọng của nhân dân, Bác đứng lên bục chỉ huy, cầm đũa bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Lúc đó Bác cầm đũa bắt nhịp, hướng về phía dàn nhạc công và dàn hợp xướng, quay lưng về phía ống kính máy ảnh của các nhà báo trong và ngoài nước. Lúc đầu tôi chưa biết phải chụp như thế nào, vì tôi chưa có kinh nghiệm nên rất lo lắng. Song nhờ tôi đã quan sát và hiểu được tính cách của Bác là luôn quan tâm, gần gũi và hoà nhịp với niềm vui chung của quần chúng, thế nào Bác cũng quay mặt về phía đông đảo khán giả, nên tôi quyết định chọn góc độ chụp, cách sau lưng Bác 5m. Tôi dự kiến, khi Bác quay mặt về phía khán giả, tôi sẽ chụp được bức ảnh đẹp, có Bác, có quần chúng. Lúc đó phần lớn phóng viên đều chạy vào phía sân khấu để chụp ra, để lấy rõ mặt Bác. Một số khác cũng chọn góc độ như tôi, nhưng vì quá lâu, bài nhạc lại sắp kết thúc, nôn nóng họ bỏ chỗ đứng, chuyển vào góc phía bên trong chỗ nhạc công để chụp ra. Còn lại một mình, tôi hồi hộp chờ đợi. Quả nhiên, khi bài nhạc sắp kết thúc, trong đoạn “Tiến tiến mau theo cờ tự do đang reo, vùng lên ánh dương xây đời mới, trong dân chủ mới”. Bác liền quay ra phía ống kính của tôi, với tư thế người nhạc trưởng bắt nhịp rất đẹp. Lập tức tôi không bỏ lỡ thời cơ bám máy. Chiếc máy ảnh Rolleifex với khẩu độ F.5.6 và tốc độ 1/50 giây, hoạt động qua dây đồng bộ, chiếc đèn Flash Brau phát ra một tia chớp, hình tượng của Bác mặc áo lụa trắng, quần lụa đen, chân đi đôi dép cao su, tay cầm chiếc đũa nhạc trưởng bừng sáng trên nền sẫm của dàn nhạc công và dàn hợp xướng. Bằng kiểu phim 6x6cm, bức ảnh ‘Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” ra đời.

Khoảnh khắc quý giá “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”mà nghệ sĩ Lâm Hồng Long đã ghi được vào năm 1960..

Hiện nay, cùng với bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ chiếc đũa nhạc trưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bắt nhịp bài Kết đoàn. Chiếc đũa mang ký hiệu BTCM 570/ĐM 77, làm bằng gỗ, dài 48cm và hiện đang trưng bày tại phòng số 19 trên Hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng.

Chiếc đũa nhạc trưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bắt nhịp bài “Kết đoàn”(Ảnh chụp HV).

55 năm đã trôi qua, bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” vẫn sống mãi trong ký ức mọi thế hệ người Việt Nam, như một biểu tượng không gì lay chuyển nổi của tinh thần đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm của cả một dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và tiến lên xây dựng, phát triển đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trịnh Hồng Thanh (Phòng QLHV)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7763

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Chiếc đài bán dẫn Sony xác nhận thông tin “miền Nam hoàn toàn giải phóng” – đưa đến quyết định giải phóng Côn Đảo ngày 1/5/1975

Chiếc đài bán dẫn Sony xác nhận thông tin “miền Nam hoàn toàn giải phóng” – đưa đến quyết định giải phóng Côn Đảo ngày 1/5/1975

  • 11/05/2015 12:25
  • 3156

Vào khoảng cuối năm 2011, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đón tiếp một vị khách người Pháp cùng đoàn làm phim của Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương. Qua giấy giới thiệu được biết vị khách người Pháp đó tên là André Menras, một người đã gắn bó với đất nước Việt Nam từ rất lâu, và từ đây bên cạnh các thông tin ghi trong hồ sơ hiện vật tại kho lưu giữ của bảo tàng, một số thông tin về chiếc radio hiệu Sony được dần hé mở thêm.