Thứ Bảy, 09/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/01/2015 16:27 4648
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Xuân năm 2015, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 85 năm tuổi. Từ những ngày đầu thành lập, Đảng đã tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, đoàn kết toàn dân thông qua các hình thức tuyên truyền cách mạng, trong đó đặc biệt có hình thức truyền thống rất quan trọng đó là sử dụng truyền đơn. Cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trong suốt 15 năm (1930-1945), cùng với báo chí bí mật, truyền đơn cách mạng giữ vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng theo Đảng, đấu tranh chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến tay sai, giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Truyền đơn là cách thức tuyên truyền chính trị được tổ chức từ thời xưa, nhưng chỉ có những chiến sĩ cộng sản, những người làm cách mạng mới là những người sử dụng nhiều, biết phát huy hiệu quả nhất thứ vũ khí lợi hại này.

Theo số liệu thống kế bước đầu, hiện nay, BTLSQG đang lưu giữ, bảo quản khoảng 150 loại truyền đơn cách mạng trước tháng 9-1945. Tờ truyền đơn lưu hành sớm nhất là tờ “Quốc tế lao động nông hội kính cáo” in lời kêu gọi của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva ngày 27-2-1924, giải thích sự khác nhau giữa Quốc tế II và Quốc tế III và cuối là truyền đơn tuyên truyền lá cờ đỏ sao vàng của nước ta.

Truyền đơn “Quốc tế lao động nông hội kính cáo” ngày 27-2-1924.

Xuất xứ cũng như nội dung những tờ truyền đơn đã phản ánh các giai đoạn, sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cộng sản, từ những tổ chức tiền thân đến quá trình vận động và thành lập Đảng, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), thời kỳ phục hồi và phát triển cách mạng (1932-1935), cao trào dân chủ (1936-1939) cho đến thời kỳ tiền khởi nghĩa tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Nội dung truyền đơn, có lúc là bài học khai mở nhận thức về Quốc tế Cộng sản, Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lúc để thức tỉnh những Hoa kiều và người của Quốc dân Ðảng phân biệt chính nghĩa (Kính cáo của tổ chức Việt Nam cách mệnh thanh niên hội). Ở đó chứa đựng những lời như tâm tình của tổ chức Ðông Dương Cộng sản Ðảng gửi anh em, chị em thợ thuyền và dân cày, học sinh, thanh niên, các anh em binh lính - những người bị đè nén, bị bóc lột ở xứ Ðông Dương, vừa vạch mặt chính sách của chủ nghĩa đế quốc, mượn khai hóa để bóc lột dân ta, vừa kêu gọi lực lượng công nông toàn thế giới liên hiệp lại, phản đối chiến tranh đế quốc, thực hành xã hội chủ nghĩa. Có bức thư của An Nam Cộng sản Ðảng gửi binh lính và thủy thủ Pháp, binh lính thuộc địa, lính lê dương, kêu gọi hướng thiện, phản đối khủng bố trắng, liên kết với nhân dân Ðông Dương để giải phóng chính mình. Truyền đơn cũng có khi là những lời hiệu triệu, khẩu hiệu ngắn gọn mà đanh thép, yêu cầu: Công nhân một ngày làm tám giờ; đàn ông, đàn bà làm việc như nhau phải trả lương bằng nhau; tăng lương cho công nhân; bãi bỏ chính sách khủng bố; tự do giáo dục; tự do du học; tự do đi lại, ngụ cư...

Nội dung truyền đơn thay đổi theo nhận thức của các tầng lớp nhân dân và phát triển theo tiến trình cách mạng và sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam (trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức tiền thân là An Nam Cộng sản Ðảng, Ðông Dương Cộng sản Ðảng và Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn). Một số truyền đơn giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1940 còn lưu giữ được cho thấy, nhiệm vụ tuyên truyền giai đoạn lịch sử này nhằm làm rõ đường lối cách mạng đúng đắn, tôn chỉ, mục đích đấu tranh cách mạng của Đảng với các khẩu hiệu tiêu biểu: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp; Đánh đổ phong kiến Nam triều; Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; Tổ chức chính phủ công, nông, binh; Đánh đổ đế quốc chiến tranh; Ủng hộ Liên bang Xô Viết...

Truyền đơn thời kỳ này đã phân tích diễn biến tình hình lịch sử trong nước và quốc tế, ca ngợi và kêu gọi hòa bình, ủng hộ tiến bộ, dân chủ và bình đẳng, phản đối chiến tranh phi nghĩa trên toàn thế giới, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tự do cho nhân dân: Giảm sưu thuế, Thực hiện ngày làm 8 giờ, chống đánh đập, cúp phạt, chống giãn thợ; Giao nhà máy, hầm lò cho công nhân, ruộng đất cho dân cày; Đòi tự do biểu tình, bãi công, bãi khóa, tự do lập hội... Thực tế trong nước, phong trào đấu tranh những năm 1936-1939 đã làm ảnh hưởng của Ðảng ăn sâu, lan rộng trong quảng đại quần chúng, sự giác ngộ chính trị của quần chúng được nâng cao.

Truyền đơn của tổ chức Việt Nam công giáo kháng Nhật cứu quốc hội (trong mặt trận Việt Minh) kêu gọi đồng bào công giáo tham gia đánh Nhật cứu nước.

Có nhiều tờ truyền đơn kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đứng lên phản đối chế độ thống trị hà khắc của đế quốc Pháp: Phản đối đế quốc chiến tranh, phản đối thực dân Pháp tự động bắn giết thợ thuyền, dân cày, đàn áp dã man những người biểu tình ở Nhà máy Diêm Bến Thủy, ở Nghi Lộc, Hưng Nguyên; Phản đối bắt lính và đem lính Việt Nam đi chiến đấu ở nước ngoài; phản đối lệ tuần canh các làng, mộ phu đi Tân Đảo và các đồn điền ở Nam kỳ; phản đối việc bắt giam người thân của những người tham gia cách mạng...

Hay truyền đơn tuyên truyền sự gắn kết cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của các ngày kỷ niệm lớn như: ngày quốc tế Lao Động (1-5); Cách mạng tháng Mười Nga (7-11); thành lập Quốc tế cộng sản (19-3); Công xã Pari, Công xã Quảng Châu, phản đối chiến tranh đế quốc (1-8), ngày quốc tế Phụ nữ, ngày sinh của V. I. Lênin...

Hoặc truyền đơn kêu gọi liên minh quốc tế, liên minh giai cấp: giai cấp vô sản toàn thế giới liên hợp lại; Ủng hộ liên bang Xô Viết; ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương; Hưởng ứng Xô Viết Nghệ Tĩnh; ủng hộ các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam kỳ, Đô Lương...

Một phần trong khối tư liệu truyền đơn cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa là những tờ truyền đơn giai đoạn 1941 đến trước tháng 9-1945. Thời kỳ này gắn với sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Trung đội Cứu quốc quân tiến tới thành lập Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân - lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cao trào kháng Nhật cứu nước....

Truyền đơn của Mặt trận Việt Minh kêu gọi nhân dân chống Nhật cứu nước.

Ngôn ngữ biểu đạt trên truyền đơn thường rất ngắn gọn, lời văn mộc mạc, chân thành, những khẩu hiệu đơn giản, dễ hiểu... nhưng sức mạnh truyền cảm của nó vô cùng to lớn mà chỉ có đặt vào hoàn cảnh lịch sử đương thời chúng ta mới cảm nhận được hết. Những tờ truyền đơn có lúc như lời tâm tình vận động, có lúc như lời thuyết phục đanh thép, lại có lúc như hồi kèn xung trận hay một mồi lửa thả vào giữa một đồng cỏ khô...những tờ truyền đơn với hình thức khiêm nhường như là một tờ giấy bé nhỏ, đôi khi thô giáp, những dòng chữ tuy còn nguệch ngoạc được in thạch, in li tô trên giấy nến hoặc chép tay mà thời gian đã làm phai mờ, hoặc đã cũ sờn. Nhưng để làm ra nó, truyền bá nó, các nhà cách mạng tiền bối không chỉ dốc tâm trí mà còn phải đổ máu hay đánh đổi bằng những năm tháng tù đày trong đó có người chỉ vì liên quan đến những truyền đơn nhỏ bé ấy mà phải hy sinh cả mạng sống... Phần lớn những tờ truyền đơn này được sưu tầm từ trong các hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp hoặc trong các hồ sơ, các bản án của các chiến sĩ cách mạng.

Những tờ truyền đơn như thắp lên ngọn lửa, thắp lên khát vọng tự do đã thực sự đi vào mọi tầng lớp nhân dân, có tác dụng lớn trong việc tuyền, tập hợp quần chúng thành khối sức mạnh đoàn kết, theo Đảng làm nên thắng lợi cách mạng tháng Tám lịch sử.

Sưu tập, nghiên cứu, giới thiệu đến đông đảo công chúng truyền đơn cách mạng sẽ góp phần để chúng ta hiểu thêm về một hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng của Đảng – hình thức vô cùng hiệu quả trong thời kỳ đấu tranh cách mạng những năm 1930-1945, qua đó, góp phần phát huy tốt hơn nữa những giá trị vô giá của sưu tập phục vụ các đối tượng nghiên cứu và công chúng đến tham quan BTLSQG.

Tường Khanh

Nguồn:

Truyền đơn cách mạng trước tháng 9 năm 1945. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia. H, 2004.

Về lịch sử văn hóa bảo tàng. NXB Chính trị quốc gia. H, 2004.

Nhandan.com

Hồ sơ hiện vật BTLSQG.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 7950

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác

Chiếc hòm phiếu bầu cử quốc hội khóa I

Chiếc hòm phiếu bầu cử quốc hội khóa I

  • 09/01/2015 15:21
  • 5183

Sau lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải xúc tiến việc bầu Quốc hội để định ra Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Vì vậy, ngày 3-9-1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.