Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, theo hiệp định Giơnevơ, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc với miền Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng những phương tiện vũ khí được coi là tối tân nhất của khoa học quân sự Mỹ thời điểm ấy. Trong đó có hệ thống trinh sát điện tử hiện đại với quy mô sử dụng chưa từng có trong lịch sử chiến tranh.
Hoạt động trinh sát điện tử diễn ra rộng rãi cả trên hai miền Nam - Bắc Việt Nam, đặc biệt là ở những trọng điểm ác liệt như: dọc khu vực vĩ tuyến 17 và tuyến đường Trường Sơn (Đường mòn Hồ Chí Minh).
Năm 1967, tại một cuộc hội thảo ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McNamara đưa ra kế hoạch xây dựng một hàng rào điện tử chống xâm nhập dọc khu phi quân sự giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, hệ thống này còn được gọi là “Hàng rào điện tử Mc.Namara”.
"Hàng rào điện tử McNamara" gồm hai thành phần chính là hàng rào chống xâm nhập xây dọc theo vĩ tuyến 17, từ biển Đông tới biên giới Lào và một “hàng rào” khác gồm các thiết bị điện tử được thả xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh, nhằm theo dõi quá trình vận chuyển, tiếp tế của miền Bắc qua con đường này, nổi tiếng nhất là “cây nhiệt đới”.
Cây nhiệt đới có tên khoa học là "Tranggen Radio" có nghĩa là trinh sát điện tử. Khi được thả từ máy bay xuống thiết bị này có khả năng cắm sâu xuống đất, chỉ lộ phần ăngten được ngụy trang, sơn màu xanh khéo léo như những cành cây rừng. Cấu tạo bộ ăngten gồm 4 râu, một râu thẳng lên trời, ba râu còn lại xòe ra ba góc. Bên trong chứa ba tầng linh kiện điện tử gồm các loại bóng bán dẫn, tụ, kháng… được bao bọc bằng lớp nhựa dầy rất cứng, một khối pin lớn và một micro nối với cần ăngten. “Cây nhiệt đới” sau khi thả xuống có thể hoạt động liên tục từ 65-70 ngày.
Cây nhiệt đới, đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.(Ảnh chụp HV)
Quy trình hoạt động của Cây nhiệt đới là thu tín hiệu từ các di chuyển của bộ đội ta bằng chấn động mặt đất, đối với người cự ly là 25-35m, ô tô là 200-300m sau đó phát tín hiệu lên không trung cho máy bay ở độ cao 15-20km, máy bay lập tức phát thông tin về trung tâm xử lý của Mỹ đặt ở đảo Guam (Thái Lan). Trung tâm xử lý xác định tiếng động của người hay ôtô, kho tàng, xác định tọa độ khu vực, sau đó truyền tín hiệu về sở chỉ huy để điều động máy bay ở khu vực gần nhất đến oanh tạc. Quy trình xử lý phát tín hiệu thông tin từ cây nhiệt đới đến các bộ phận chỉ diễn ra trong giây phút.
Thời gian đầu, khi chưa phát hiện ra Cây nhiệt đới, bộ đội ta bị thương vong nhiều vì “tên chỉ điểm” này. Ngay khi phát hiện, bộ đội công binh của ta với sự dũng cảm, mưu trí không những vô hiệu hóa chúng mà còn nghiên cứu để tương kế tựu kế. Đơn giản như dùng hàng trăm vỏ lon thịt hộp, đựng nước tiểu vào mỗi lon một ít treo đầy rừng đánh lừa cây nhiệt đới, hoặc tạo ra nhiều tín hiệu giả để nghi binh gây tiếng động, chạy máy nổ...và đặt cây nhiệt đới vào vị trí cần phá, mở đường... Chỉ chờ có vậy, máy bay được điều đến để oanh kích. Bao nhiêu bom đạn của địch cứ nhằm vào vị trí nghi binh, có khi là đèo dốc mà công binh ta chưa kịp khai phá để “giúp” ta mở đường.
Mặc dù điều kiện về phương tiện kỹ thuật còn thiếu thốn, nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm của các chiến sỹ công binh Việt Nam, không chỉ Cây nhiệt đới mà hàng loạt các thiết bị khác của Mỹ cũng bị vô hiệu hóa. Kế hoạch ngăn chặn bằng hàng rào "điện tử McNamara" tiêu tốn hàng tỷ đô la bị chọc thủng khiến nhà cầm quyền Mỹ không thu được kết quả như mong đợi. Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - John McConnell đã phải thừa nhận: “Không quân Mỹ đang phải gánh chịu những tổn thất to lớn trong cuộc chiến kỳ lạ để giành lấy những thắng lợi nhỏ nhoi… Tôi chưa bao giờ thất vọng như lúc này”.
Nguyễn Thị Ngọc Anh(Phòng GDCC)