Trong cuộc vận động cách mạng thời kỳ trước năm 1945, báo chí cách mạng đã công khai trước quần chúng, tập trung mũi nhọn đấu tranh chống đế quốc, thực dân và tay sai, phản ánh rõ hướng đi đến toàn thắng, khẳng định thắng lợi như một chân lý, một mục tiêu cuối cùng tất yếu sẽ đến.
Báo chí cách mạng thời kỳ 1939-1945 đã quán triệt các Nghị quyết của Đảng và chủ trương của Tổng bộ Việt Minh, tập trung tuyên truyền, giáo dục quần chúng tinh thần độc lập dân tộc, tổ chức, hướng dẫn quần chúng đấu tranh theo sát chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát từng bước biến chuyển của cách mạng, đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Báo chí cách mạng giai đoạn này thể hiện rõ tính chiến đấu của Đảng, là vũ khí đấu tranh hiệu quả của Đảng. Ngoài các tờ báo của Trung ương Đảng, các tổ chức đoàn thể ở hầu hết các địa phương đều xuất bản báo bí mật, hình thành một hệ thống thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, từ tổ chức Đảng tới các tổ chức quần chúng. Báo chí do các tổ chức Đoàn Thanh niên xuất bản thời kỳ 1939-1945 hiện có tại BTLSQG gồm: báo Mới, cơ quan của Đoàn Thanh niên Dân chủ Nam kỳ (1939); báo Thế Giới, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Dân chủ Bắc kỳ (1938); báo Tiền Phong, cơ quan tuyên truyền của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Bắc kỳ (1940); báo Hồn nước, cơ quan tuyên truyền của Nam nữ Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, Hà Nội (1945); báo Hồn nước, cơ quan trung ương của Việt Nam Thanh niên Cứu Hội (1945).
Trong bài viết nhỏ này, tác giả xin giới thiệu một số thông tin về 2 số báo “Hồn nước” - cơ quan ngôn luận của nam, nữ thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu, xuất bản năm 1945.
- Số thứ nhất - Số Xuân ra vào ngày tháng năm nào không rõ vì chữ in bị mờ không đọc được. Báo được in 4 trang, mực tím trên tờ giấy có kích thước 22cm x 31cm, chữ in đã mờ nên không rõ nội dung, chỉ còn đọc được một số tên của các bài viết như: “Năm mới”, “Qua một năm tranh đấu” ở trang 1 và “Đêm giao thừa” ở trang 4.
- Số thứ 2 - số 5 ra ngày 01-07-1945. Báo in litô, mực xanh, 2 trang trên giấy trắng đục có kích thước 28cm x 37cm. Tên báo “Hồn nước” và dòng chữ “Cơ quan tuyên truyền của nam nữ thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu” được in mầu đỏ. Trang 1 báo in các bài: “Văn hoá với cách mạng”, “Hãy bình tĩnh trước cơn khủng bố”, “Chặt xiềng phá ách”…
Báo Hồn Nước, cơ quan tuyên truyền của nam nữ thanh niên cứu quốc
khu Hoàng Diệu, số 5 ra ngày 01-07-1945 (Ảnh chụp báo gốc BTLSQG).
Hai số báo trên đều có mặt ở kho cơ sở TBLSQG (khi đó là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam) ngay từ những ngày đầu khi bảo tàng mới thành lập. Trong cuốn “Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc khu Hoàng Diệu”, NXB Thanh Niên có bài viết của ông Nguyễn Hải Hùng - người đã trực tiếp tham gia làm báo “Hồn nước” từ đầu năm 1945 (trang 178-187) cung cấp khá nhiều thông tin về tờ báo.
- Báo “Hồn nước” ra đời dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lê Quang Đạo là người trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Vân phụ trách báo vào cuối năm 1944.
- Những người trực tiếp tham gia viết bài và in báo gồm: Lê Đức Vân (phụ trách), Trần Thư, Mai Luân, Kim Chi và đồng chí Nhuận.
- Địa điểm và kỹ thuật in báo có nhiều lần thay đổi. Đầu tiên báo được in ở số nhà 15 phố Hàng Phèn, Hà Nội. Đây là nhà riêng của đồng chí Trần Thư. Tại đây đã in tờ báo số 1, những người in báo đã dùng kỹ thật in thô sơ. Lúc đầu dùng thạch tím để in nhưng không thành công, sau đó chuyển sang in bằng bột đá nhào với nước làm khuôn in, dùng mực tím viết lên giấy dài rồi đặt lên khuôn lăn đến khi được thì bóc giấy ra.
Đầu năm 1945, sau tết Nguyên Đán, cơ quan in báo “Hồn nước” được chuyển đến nhà ông Nguyễn Hải Hùng ở làng Giáp Nhất thuộc đại lý Hoàn Long (nay thuộc quận Thanh Xuân). Ở Giáp Nhất báo chuyển sang in Litô và in được 3 số: 2,3 và 4.
Sau đó cơ sở in bị lộ, cơ quan in báo chuyển đến nơi mới: đó là một ngôi nhà gạch nhỏ vắng chủ ở làng Láng Trung. Rồi cơ sở lại chuyển đến nhà ông Nguyễn Viết Thư ở thôn Xuân Canh (trên đường từ Nhổn đi Hà Đông). Ở đây tờ báo số 5 đã được in.
Đến ngày gần khởi nghĩa cơ quan in báo “Hồn nước” lại một lần nữa di chuyển về nhà bà Nguyễn Thị Bảy ở Dịch Vọng, Từ Liêm. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, trụ sở in báo “Hồn nước” công khai đặt ở gần Ngân hàng Trung Ương bây giờ. Lúc này báo chuyển sang in máy. Điều này đã minh chứng rằng báo đã 3 lần thay đổi kỹ thuật in: từ in bột đá, mực tím đến in Litô và cuối cùng là in máy.
Những thông tin về người chỉ đạo nội dung, về những người trực tiếp tham gia viết bài và in báo, về địa điểm và kỹ thuật in báo… trên đã được bổ sung kịp thời vào hồ sơ hiện vật của BTLSQG. Đó là những thông tin rất đáng qúy giúp chúng ta hiểu rõ thêm những vấn đề xung quanh báo “Hồn nước”- tờ báo ra đời cách đây gần bảy mươi năm. Tờ báo “Hồn nước” cùng nhiều tờ báo khác và những truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích… đã góp phần cổ vũ thanh niên Hà Nội và nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền trong cao trào khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Báo Hồn Nước số 19 ra ngày 16-12-1945, cơ quan tuyên truyền Trung ương của
Việt Nam Thanh niên cứu quốc Hội (Ảnh chụp báo gốc BTLSQG).
Hiện nay, BTLSQG còn lưu giữ được 3 số báo Hồn Nước. (trong đó có 2 số báo chúng tôi đã giới thiệu ở trên). Số thứ 3 cũng là Hồn Nước, số 19 ra ngày 16-12-1945. Báo gồm 4 trang, in mực đen trên giấy nền ngà vàng có kích thước 33cm x 49 cm, trang 1 của báo tập trung tuyên truyền cho ngày tổng tuyển cử 23 tháng Chạp năm 1945. Trên cơ sở tham khảo một số tài liệu và tiếp cận trực tiếp với 3 số báo Hồn nước, chúng tôi cho rằng báo Hồn Nước số Xuân 1945 và số 5 ra ngày 1-7-1945 đúng là cơ quan tuyên truyền của nam nữ thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Trong cuốn “Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Đoàn Thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu”, ông Nguyễn Hải Hùng có giải thích: từ năm 1944, Đảng ta đã có chủ trương thành lập ở mỗi địa phương có Ban Thanh niên do cấp ủy Đảng tại địa phương đó trực tiếp phụ trách. Lúc đó, Đoàn Thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu do Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, ra báo Hồn Nước làm cơ quan tuyên truyền của mình. Còn tờ Hồn Nước số 19 ra ngày 16-12-1945, trên măng sét báo ghi rõ: cơ quan tuyên truyền Trung ương của Việt Nam Thanh niên cứu quốc Hội; ra ngày thứ tư và chủ nhật. Cùng với các Hội Cứu quốc khác, Việt Nam Thanh niên Cứu quốc Hội là một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Khổ báo in lớn hơn, cỡ 33x50 cm. Về hình thức trình bày, màu sắc của 2 tờ Hồn nước có khác nhau. Chúng tôi cho rằng đây là 2 tờ báo khác nhau, do 2 cơ quan xuất bản. Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu, thẩm định và bổ sung thông tin cho hồ sơ hiện vật để làm cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu, trưng bày, phát huy giá trị của sưu tập báo chí cách mạng, trong đó có báo Hồn Nước đến đông đảo công chúng.
Ths. Nguyễn Thị Tường Khanh(Ban XDND&HTTB)
Nguồn:
- Thông báo Khoa học, BTCMVN, số 3, tháng 6-2005.
- “Xây dựng sưu tập báo chí cách mạng Việt Nam trước năm 1945 hiện lưu giữ tại BTCMVN”. Đề tài NCKH cấp cơ sở, 2007.
-http://baotintuc.vn/thoi-su/doi-thanh-nien-cuu-quoc-thanh-hoang-dieu-ky-uc-mot-thoi-thanh-nien-hao-hung-20110901161229321.htm