Thứ Ba, 14/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/09/2013 15:38 1 6343
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tại hệ thống trưng bày thường trực Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đang trưng bày và giới thiệu với công chúng rất nhiều kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng đã sử dụng trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và thống nhất đất nước, và một trong số đó là chiếc sắc cốt của anh hùng liệt sỹ Hoàng Lê Kha đã dùng trong những năm 1952 – 1954.

Sắc cốt mang ký hiệu 1119/D.5, hình chữ nhật, màu vàng nhạt, có hai ngăn và dây đeo, chất liệu bằng da, đã cũ và bị sờn, dài 26cm, rộng 19cm, cao 9cm, sản xuất năm 1951.

Hoàng Lê Kha tên thật là Hoàng Lê Cẩn, sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Trang Các, tổng Ngọ Xá nay là xã Hòa Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình nhà nho nghèo nhưng được học hành chu đáo. Thời thanh niên, ông lên Hà Nội học trường Bách Nghệ. Với lòng yêu nước ông được giác ngộ cách mạng từ rất sớm, luôn tham gia các hoạt động yêu nước trong học sinh, sinh viên. Năm 1936 ông được chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động bí mật trong nhà trường kết nạp vào Đảng. sau khi tốt nghiệp ông ra làm việc ở Sở Đạc Điền Hà Nội và tham gia các phong trào truyền bá quốc ngữ và các hoạt động yêu nước, đấu tranh đòi dân chủ khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp. Năm 1940, Hoàng Lê Kha được tổ chức Đảng bí mật chuyển vào hoạt động tại Sài Gòn.

Sắc cốt của đồng chí Hoàng Lê Kha dùng trong thời kỳ hoạt động cách mạng tại tỉnh Tây Ninh và Gia Định từ năm 1952-1954

Thời gian đầu ông chủ yếu hoạt động trong các tổ chức sinh viên, học sinh và Đoàn Thanh niên cứu quốc Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn. Từ năm 1946 đến năm 1950 ông lần lượt giữ các chức vụ: Tỉnh đội trưởng Dân quân Trưởng ty Thông tin, Trưởng Kinh tế Canh nông, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Gia Định. Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954 ông được Đảng và Bác Hồ giao cho tiếp tục ở lại miền nam cùng nhân dân miền Nam và cả nước dành chính quyền thực dân Pháp thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản trong hiệp định Giơnevơ, hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Ông được phân công về hoạt động tại Tây Ninh, được chỉ đạo làm Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp phụ trách xã Tây Ninh và huyện Châu Thành. Thời gian này địch mở “cuộc chiến tranh đơn phương”, đánh phá cách mạng rất ác liệt. Ông cũng như nhiều cán bộ khác phải hoạt động trong những điều kiện cực kỳ gian khổ và nguy hiểm. Hoàng Lê Kha đã chịu đựng và vượt qua mọi gian nguy để gây dựng phong trào, phát triển lực lượng các mạng. Tây Ninh lúc đó có phong trào đấu tranh vũ trang khá mạnh, nhiều vụ phá tề, diệt ấp tấn công đồn bốt địch, đem lại thắng lợi ban đầu đầy ý nghĩa.

Trong khi phong trào cách mạng đã chuyển sang giai đoạn đấu tranh vũ trang thì ngày 05/8/1959, ông bị sa vào tay địch ở ngoại vi thị xã Tây Ninh.Ngày 02/10/1959, taị Tây Ninh, tòa án quân sự đặc biệt của chính quyền Sài Gòn đã mở phiên tòa xét xử Hoàng Lê Kha. Tại phiên tòa ông đã thể hiện khí phách của một người cộng sản kiên cường, có học vấn, rất tự tin vào con đường chính nghĩa của mình. Không yêu cầu luật sư biện hộ, ông đã lên án bản án bản chất phản dân, hại nước của bè lũ Ngô Đình Diệm, tố cáo tội ác của chúng và dõng dạc tự hào mình là một Đảng viên Cộng Sản.

Kết án tử hình Hoàng Lê Kha, ngụy quyền Sài Gòn đã làm dậy lên làn sóng phẫn nộ của nhân dân trong nước và thế giới. Đồng bào miền Bắc đã liên tục mít tinh, biểu tình, gửi nhiều kiến nghị đến Ủy ban giám sát đình chiến ở Việt Nam đòi tự do cho Hoàng Lê Kha cùng những người yêu nước khác, đòi hủy bỏ bản án giết người, đòi lật đổ ngụy quyền tại Sài Gòn và chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam… Nhân dân các lực lượng yêu nước ở miền Nam đẩy mạnh các hoạt động vũ trang tiêu diệt địch. Hội luật gia thế giới cũng đã lên tiếng tiếp sức cho làn sóng đấu tranh của nhân dân ta. Làn sóng đấu tranh mạnh mẽ đó tuy không ngăn cản được hành động tội ác của bè lũ Ngô Đình Diệm, nhưng cũng đã làm cho chúng lúng túng và lo sợ.

Rạng sáng ngày 12/3/1960, tức ngày rằm tháng 2 năm Canh Tý, chúng đưa Hoàng Lê Kha ra pháp trường. Cuộc hành quyết diễn ra vội vàng và lén lút. Ông bị hành hình bằng máy chém và là nạn nhân cuối cùng của cực hình này. Bị dư luận trong nước cũng như trên thế giới lên án nặng nề, Ngụy quyền Sài Gòn phải từ bỏ cái công cụ giết người quá man rợ đó, buộc Diệm phải tuyên bố từ bỏ luật 10/59.

Hoàng Lê Kha ngã xuống năm ông 43 tuổi. Ông để lại biết bao thương tiếc và cảm phục trong lòng đồng bào, đồng chí, bạn bè và người thân. Ông được truy tặng bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Độc lập Hạng Nhất, Huân chương kháng chiến Hạng Nhất. Đảng và nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 1997.

Tượng Anh hùng Hoàng Lê Kha tại trường THPH chuyên Hoàng Lê Kha

tỉnh Tây Ninh.

Khu tưởng niệm Hoàng Lê Kha được dựng lên chính nơi ông hiên ngang trước máy chém Quân thù. Trên tấm bia đá đỏ rất lớn đặt trước pho tượng của ông , khăc ghi tiểu sử và dòng chữ: “ Ông là người tận chung với Đảng, hiếu với dân, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Ông sống giản dị, thủy chung, được nhân dân tin yêu, tận tụy với nhiệm vụ đến hơi thở cuối cùng. Gương hy sinh lẫm liệt của ông đã nung nấu sục sôi lòng căm thù giặc, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào Tây Ninh và cả nước. Liệt sỹ Hoàng Lê Kha sống mãi với non sông”.

Để tưởng nhớ Hoàng Lê Kha, năm 1962, Tỉnh ủy Tây Ninh quyết định lấy tên của ông đặt cho một ngôi trường và một xưởng in trong vùng giải phóng. Tên xưởng in vẫn được duy trì cho đến ngày nay và trường chuyên của tỉnh Tây Ninh hiện nay cũng được vinh dự mang tên anh hùng Hoàng Lê Kha.

Thời gian đã đi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng những kỷ vật thiêng liêng mang đậm dấu ấn lịch sử một thời vẫn khắc sâu trong mỗi chúng ta về tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ đi trước. Chiếc sắc cốt của anh hùng liệt sỹ Hoàng Lê Kha là một trong những hiện vật đã thu hút được sự quan tâm của công chúng trong nước và khách quốc tế đến tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam./

Nguyễn Hương (tổng hợp)

Nguồn: Thông báo khoa học, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, số 14, tháng 6/2011

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bình luận

Trịnh xuân ánh27/03/2017 08:30

Về một kỷ vật của Anh hùng liệt sĩ Hoàng Lê Kha
Huyện hà trung, tỉnh thanh hóa nơi quê hương đồng chí hoàng lệ kha không có xã hòa phong. Đề nghị bảo tàng đính chính lại.

Bài nổi bật

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

Chiếc gầu Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để tát nước chống hạn lưu giữ tại BTLSQG

  • 21/06/2019 09:04
  • 8260

BTLSQG hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tài liệu, hiện vật, hình ảnh, là một câu chuyện sống động, chân thực về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời đã đi vào huyền thoại, gắn liền với cuộc sống chiến đấu và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Bài viết khác