Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều hoạt động sưu tầm khảo cổ được diễn ra ở khu vực thành Thăng Long cổ. Nhiều gốm men và đồ đất nung ở đây đã được thu thập về bảo tàng Loui Finot, mà xuất xứ tìm được ở nhiều nơi như Quần Ngựa, Đại yên, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Hữu Tiệp, Kim Mã, Cống Vị…mang rõ đặc điểm nghệ thuật thời Lỳ-Trần. Rất nhiều trong số những hiện vật đó được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đăng ký vào hệ thống những bảo vật Quốc gia.
Trong số các hiện vật gốm sứ thu được đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gồm những dòng như sau: đồ gốm men xanh lục, đồ gốm men trắng, đồ gốm men ngọc, đồ gốm men hoa nâu.
Dòng gốm men xanh lục thường thấy xương gốm màu trắng, nung ở nhiệt độ thấp. Chiếc đầu trụ chạm nổi sóng nước, gần giống hình nậm hai đầu, chân đế giật cấp thuộc thời Lý. Các đầu tượng người nam và nữ có kích thước nhỏ, chỉ điểm một vết men xanh hoặc vàng. Hiện còn chưa giải mã được hiện tượng này.
![](/DataFiles/Uploaded/image/co%20vat%20hoang%20thanh/01.jpg)
Đầu trụ gốm men xanh lục.
Tượng sư tử gốm men xanh lục,tìm thấy ở làng Đại Yên, Năm 1915 là một pho tượng đáng chú ý. Tượng mô tả sư tử nằm, ngẩng cao đầu, chân sau trùng. Trên đầu và lưng trang trí các đường văn khắc vạch. Men xanh lục chỉ còn rõ trên đầu, cổ và dấu vết trên thân. Phần không men lộ cốt đất màu đỏ gạch.
Sưu tập dòng gốm men trắng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có những tác phẩm tiêu biểu là chiếc ấm có nắp, men trắng ngà. Ấm có dáng quả dưa, chân đế con tiện, vòi hình đầu rồng, quai hình chim vẹt đang ngủ. Trên nắp và vai chạm nổi băng cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ đều đặn, mang rõ phong cánh nghệ thuật thời Lý. Hiện vật tìm thấy ở làng Vĩnh Phúc năm 1927.
Năm 1935 cũng tại làng Vĩnh Phúc đã phát hiện một chiếc ấm khác men trắng ngà bị vỡ miệng. Ấm có gờ miệng viền tròn, quai ấm hình chim vẹt ngủ, vai chạm nổi băng cánh sen, cánh to xen cánh nhỏ đều đặn. Đây là hai dáng ấm đẹp thời Lý hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
![](/DataFiles/Uploaded/image/co%20vat%20hoang%20thanh/anh-nhuan1.jpg)
Hai chiếc ấm gốm men trắng thời Lý ở làng Vĩnh Phúc.
Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, nhiều đồ gốm men ngọc đã được phát hiện ở làng Quần Ngựa, Vạn Phúc, Cống Vị…như bình, bát, đĩa, liễn, âu… Nhà nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng Louis Bezacier, một học giả pháp đương thời, đã xếp những đồ gốm men ngọc này vào nghệ thuật Đại la, thuộc thời Đường thế kỷ thứ VII-X. Cho đến nay có rất nhiếu loại hình gốm men ngọc thời Lý-Trần đã được sưu tầm về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội và nhiều sưu tập tư nhân có nguồn gốc từ các di tích của Thăng Long, Hà Nội.
![](/DataFiles/Uploaded/image/co%20vat%20hoang%20thanh/anh-nhuan3.jpg)
Ấm gốm men ngọc ở Quần Ngựa.
Đồ gốm men ngọc là loại đồ gốm được chế tạo rất công phu, đất được lọc kỹ tạp chất, xương gốm mịn, chắc và nặng. Lớp men phủ ngoài rất dầy, màu xanh ngọc, trong và bóng. Do quá trình nung, men ngọc cần có một độ lửa hoàn nguyên với một thời gian vừa đủ, còn nếu không các sắc độ men ngọc sẽ thay đổi. Quan sát đồ gốm men ngọc Việt Nam thấy có nhiều sắc độ vàng xám, vàng chanh, xanh ngọc sẫm hay xanh ngả da táo.
Loại hình gốm men ngọc chỉ tập trung số đồ gia dụng như ấm, bát, bình, chén chân cao, đĩa, các loại , hộp, lư hương, liễn, lọ, ống nhổ. Kiểu dáng và trang trí các loại hình đồ gốm men ngọc cũng thường thấy kết hợp hoa văn khắc chìm hoặc in chìm với chạm đắp nổi, khiến cho men đọng giọt đậm giọt nhạt không đều, tạo một hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt.
Tại làng Quần Ngựa đã tìm thấy một chiếc ấm gốm men ngọc thời Lý. Ấm có miệng đứng, thân dáng quả dưa, vòi hình đầu rồng, quai hình đuôi rồng, đáy lõm để mộc. Trên vai ấm đắp nổi 4 dải, vòi hình đầu rồng, quai hình đuôi rồng, đáy lõm để mộc, trên vai ấm đắp nổi 4 dải mây hình khánh 2 đường chỉ, thân khắc hình hoa lá sen và quanh chân đế là băng cánh sen, phủ màu xanh ngả vàng.
Đồ gốm men hoa nâu là một dòng gốm độc đáo trong truyền thống chế tạo gốm Việt Nam. Với đặc điểm dùng màu nâu để trang trí, đồ gốm hoa nâu có cốt dày dặn,phù hợp với kỹ thuật trang trí tạo bằng nét khắc chìm và tô nâu trên nền men ngà. Họa tiết trang trí được sắp xếp thành những mảng to trên nền thoáng trở thành phong cách trang trí tiêu biểu. Bên cạnh đó còn có những trang trí vẽ nâu dưới men trắng như một gạch nối với dòng gốm hoa lam. Hơn nữa trang trí nổi theo phong cách phù điêu cũng góp phần làm phong phú và tăng thêm tính hoành tráng cho sản phẩm gốm hoa nâu. Hoa văn trang trí trên gốm hoa nâu không chỉ có chủ đề Phật giáo, Đạo giáo mà còn phần nào phản ảnh con người và thiên nhiên trong cuộc sống.
![](/DataFiles/Uploaded/image/co%20vat%20hoang%20thanh/anhnhuan4.jpg)
Ấm gốm hoa nâu.
Các hiện vật thuộc dòng gốm hoa nâu được lưu giữa tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bao gồm nhiều dòng sản phẩm khác nhau như ấm, bát, chậu, chân đế, đài sen, đĩa sen, đế tượng, liễn hoa, nắp gốm, thạp, tượng…
Sưu tập đồ gốm men thời Lý-Trần tìm được trong khu vực thành Thăng Long lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia góp phần minh chững một bước tiến đặc biệt trong lịch sử gốm cổ Việt Nam. Những hiện vật tìm thấy ở khu vực thành Thăng Long có nhiều loại chỉ mới thấy xuất hiện ở đây, không chỉ khẳng định tính thẩm mỹ cao mà còn khẳng định một tinh thần phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần chứng minh tính chất đặc thù chuyên biệt của loại đồ gốm men dùng trong cung đình. Thông qua những sản phẩm này chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mối quan hệ, giao lưu văn hóa của Đại Việt với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Chăm pa. Đồng thời đây cũng là căn cứ quan trọng chống lại các luận điểm của một số học giả nước ngoài về nghệ thuật Việt Nam.
Thu Nhuần (tổng hợp)
Nguồn: Nguyễn Đình Chiến, “Đồ gốm men thời Lý-Trần tìm được trong khu vực thành Thăng Long lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Hà Nội”, Thông báo khoa học, số 1, 2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, HN.