Tại hệ thống trưng bày ngoài trời khu vực số 1 Tràng Tiền của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hiện đang trưng bày hiện vật bia đá, có ký hiệu LSb.23347, bia khắc một mặt, trán bia đề ”Thân cấm khử tệ” nghĩa là (cấm tệ sách nhiễu dân), dựng ngày 12 tháng Tư năm Tân Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881).
Nội dung bài văn bia nói về việc Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng ban hành lệnh cấm quan lại sách nhiễu trong dân chúng.
Bia ”Thân cấm khử tệ”(cấm tệ sách nhiễu dân) hiện đang trưng bày tại khu vực trưng bày ngoài trời Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Hoàng Diệu - Tổng đốc Hà Ninh (1879-1882) và Tuần phủ Hà Nội- Hoàng Hữu Xứng, tuy làm quan ở Hà Nội trong thời gian không lâu nhưng đã để lại nhiều dấu ấn. Chúng ta thường biết đến Hoàng Diệu – vị Tổng đốc trung liệt của Hà Nội, hay Hoàng Hữu Xứng cùng Hoàng Diệu chống lại thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội năm 1882, thì trước đó trên cương vị quản lý điều hành công việc lại là những vị quan chú trọng, quan tâm đến đời sống nhân dân, đi tiên phong trong việc xóa bỏ và không chấp nhận hủ tục lạc hậu, đến tệ nạn xã hội, kiềm chế sự phát triển xã hội, qua đó cho chúng ta thấy vị quan thanh liêm, có tư tưởng tân tiến, hiểu được cặn kẽ cụ thể sự việc. Trong bài dịch văn bia cấm tệ sách nhiễu dân có đoạn:
”Không chỉ bất lực trong tuần phòng mà nhà dân có việc tang ma, tất cả bọn đến chiếm cứ địa phương vòi vĩnh tang gia, chẳng kể xa gần, nhiều ít, cố ý đòi giá, không theo phép tắc cản trở người ta”.
Hoàng Diệu và Hoàng Hữu Xứng rất chú ý đến người dân, quí trọng, thương yêu dân chúng, ghét bọn sâu mọt, sách nhiễu dân chúng, nội dung bia có đoạn:
”Năm Tự Đức thứ 32 (1879), có người ở phố Hàng Bạc là Lã Khắc Tế, nhà nghèo, con mồ côi 6 tuổi ốm chết, cho nên thuê 4 người khiêng áo quan mà điếm phu sở tại bắt thuê 8 người, vòi tiền 24 quan mới nhận làm. Lần ấy hàng xóm gần gũi bất đắc dĩ phải quyên góp đủ số tiền ấy để chúng làm”.
Hay những sự việc khác như ”ở xứ Ngõ Miếu phố đó, tên Lê Chích mắc bệnh dịch chết nên khi đưa ma chỉ thuê 9 người, đòi tiền 36 quan, nghèo khó không kham nổi công việc, đành nhờ người làng khác chuyển quan tài đó. Phu điếm nổi máu đánh lộn khiến người làng tán loạn không dám giúp đưa, đến sau phải cầm cố mới có đủ số tiền để nộp cho phu điếm. Lại như ngày tháng giêng năm ấy, ở thôn Thuận Mỹ có tên Tuế, nhà nghèo phải đi làm thợ sơn, nhân vợ tên ấy bị bệnh chết cho nên thuê 8 người sở tại khiêng quan tài, đòi 30 quan, khiến người ấy không biết làm thế nào, đành phải gửi thân xin làm thợ sơn thuê vài năm để lĩnh trước tiền công nộp cho phu điếm. Lại vào ngày tháng giêng, thôn ấy có thị Quàng, người nhà ốm chết, cho nên thuê phu 4 người. Phu điếm ấy đòi 40 quan tiền. Giống như thế, phu điếm tình cảm tệ hại, bất nhất mà có thể được. Nghiên cứu kỹ căn nguyên của nó là tại ở lý dịch dung dưỡng bọn đó, nhân các việc cưới xin, tang ma và thường ngày trông vào thuyền bè bến sông cùng tạp vật buôn bán trên chợ mà giật cướp lung tung, thậm chí tới cuối năm xông vào nhà người ta vòi tiền 3 – 5 quan, bất chấp cả phép tắc, vu oan giáo họa”
Từ những thực tế đó Tổng đốc và Tuần phủ đã nghiêm cấm quan lại và phu điếm không được sách nhiễu dân chúng và đề ra những chính sách kịp thời cụ thể như: ”Tệ hại đó bẩm xin sức lệnh xuống cho trong ngoài thành biết. Phàm có tang ma, hiếu chủ tùy nghi làm. Nếu có người ngoài giúp đỡ thì càng tiện. Hoặc nếu thuê phu thì không buộc thuê người sở tại. Đến như thuê người làm thì chiếu theo lệ cũ ( ở trong cửa ô thì mỗi tên trả 4 tiền, ở ngoài thì mỗi tên trả 5 tiền hoặc 6. Đi đường mỗi tên 7 tiền). Việc thuê cần công bằng, thích đáng. Đối với phu điếm và những kẻ được dung dưỡng xin cấm chuyện sách nhiễu để chấn chỉnh phong tục trong dân. Ngoài ra, chuyển cho các viên chức đó khuyên góp khắc một tấm bia đá dựng trước nha môn ấy hoặc quay mặt ra ngoài quan lộ để mọi người qua lại đều biết các lời bẩm báo về việc làm. Và theo lời bẩm báo thì bọn lý dịch ở hạt ấy, bình nhật không phải không thông đồng với nhau, dung túng bọn phu điếm và không nghiêm cấm bọn được nuôi dưỡng cứu giúp (7) dẫn đến thói quen tệ hại quá mức, cần phải nghiêm cấm. Sức cho theo như các khoản trong tờ bẩm, lập tức niêm yết, lệnh cho các phố và tổng lý trong hạt trừng trị bọn phu điếm và bọn dưỡng tế. Từ nay về sau tất cả cứ chiếu theo như thế mà làm, không được sách nhiễu như đã có lệnh nghiêm cấm. Nếu ở nơi nào vẫn còn tình cảnh tệ hại như vậy, phát giác ra thì phải trừ bỏ kẻ phạm tội ấy cũng như trị nặng người trong làng, tổng. Ngoài ra, nếu như huyện, nha cũng khó nói cái tệ hại liên quan tới việc vì dân bỏ điều xấu, cẩn thận chớ cản trở viết giấy hay sơ xuất gác lại. Như thế có thể lại truyền sức cho chức cai quản và thân sĩ biết, giải quyết hết sức cho nghiêm theo lời sức”.
Hiện nay trên bức tường Ô Quan Chưởng có hiện vật bia với nội dung, niên đại, chất liệu, kỹ thuật chế tác, hình dáng, giống với bia hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Như vậy thời kì bấy giờ Tổng đốc Hoàng Diệu và Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng đã ra lệnh sao lại tờ sức, khắc bia và cho dựng không chỉ một nơi mà còn ở một số khu vực khác trong hai hạt Thọ Xương và Vĩnh Thuận.
Bia ”Thân cấm khử tệ” (cấm tệ sách nhiễu dân) trên bức tường Ô Quan Chưởng, Hà Nội.
Có thể nói rằng tấm bia có giá trị rất lớn về nhiều mặt lịch sử, văn hóa khi nghiên cứu xã hội đương thời, nhất là đánh giá về nhân vật Hoàng Diệu và Hoàng Hữu Xứng, đóng góp không nhỏ trong quản lý điều hành, ngăn chặn các tệ nạn xã hội nhằm mang lại lợi ích cho người dân, nhất là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bần cùng trong xã hội. Qua tấm bia cũng cho chúng ta thấy được tấm lòng của người quan công bộc còn mãi giá trị./.
Đức Vịnh
(P.QLTBNT&KGTN)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.