Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/09/2022 08:46 2938
Điểm: 5/5 (3 đánh giá)
Cây hương chùa Tứ Kỳ
Số đăng ký: LSb.32856
Chất liệu: Đá
Kích thước: Cao toàn bộ: 270cm; Rộng nhất (bệ): 87cm
Niên đại: Năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông, thời Lê Trung Hưng (1666).
Phát hiện tại chùa Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Quyết định công nhận số: 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ
 
Cây hương chùa Tứ Kỳ

Cây hương được dựng tại chùa Tứ Kỳ, tên chữ là Linh Tiên tự (chùa Linh Tiên) thuộc thôn Tứ Kỳ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Khi phát hiện, cây hương nằm trên một gò đất nhỏ, xung quanh chỉ còn lại một vài vỉa gạch đổ nát. Năm 1959, cây hương được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) và hiện được trưng bày tại Bảo tàng số 01 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cây hương gồm 3 phần: phần đỉnh, phần thân và phần bệ được ghép lại với nhau bằng mộngBố cục tạo hình cây hương từ dưới bệ lên trên đỉnh được kết hợp các hình vuông, bát giác, tròn; phần bệ vuông được trang trí vân mây tạo hình chân quỳ theo phong cách nghệ thuật chạm khắc gỗ. Đề tài trang trí là các linh vật, hoa lá thiêng được chạm khắc nổi rất cầu kỳ, tinh xảo, kết hợp đề tài trang trí rất sinh động, đặc biệt, sự kết hợp trang trí rồng, phượng, linh vật chưa thấy xuất hiện trên trang trí các cây hương cùng thời. Vì thế, đây là cây hương có kích thước lớn, tạo hình độc đáo, nghệ thuật điêu khắc, đề tài trang trí phong phú, sinh động, có ý nghĩa biểu tượng và bố cục hài hòa nhất trong những cây hương được phát hiện cho đến nay. Trong đó, giá trị nghệ thuật nổi bật nhất của cây hương chùa Tứ Kỳ đó là về tạo hình và các đề tài trang trí mang dấu ấn của cả Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và văn hóa dân gian. 
Về tạo hình được thể hiện qua cách thức chuyển tiếp từ các khối vuông, bát giác, tròn một cách mềm mại, uyển chuyển với phần bệ, phần đế bát hương là những bộ phận chuyển tiếp đều được tạo hình bát giác và trang trí băng cánh sen tạo thành những đài sen nhằm làm cho phần cây hương, bát hương trở nên tôn quý, linh thiêng hơn. Cùng với đó, việc tạo dáng phần đỉnh trụ đua rộng ra so với phần cột trụ (phần đế bát hương tương tự chiếc đấu) cũng cho thấy, đây không chỉ thể hiện công thức quy chuẩn kiến trúc, đặc biệt là đối với dạng thức cột trụ đảm bảo cho kiến trúc vừa vững chãi vừa cân đối, hài hoà. 
Về nghệ thuật trang trí,bên cạnh những trang trí mang đặc trưng nghệ thuật thời Lê Trung Hưng qua các họa tiết: rồng, mây lửa, đao mác…, với các đề tài chủ yếu là linh vật và hoa lá thiêng nhưng ở đây lại được thể hiện rất đa dạng, phong phú. Hầu hết các trang trí đều được cách điệu và bố cục xen kẽ hoặc đối xứng với nét mô tả rất sống động, gần gũi cuộc sống thực tế. Đặc biệt là đôi rồng chầu mặt trời trên đỉnh cột được tạo hình nổi khối với thân rồng chắc khỏe, thân quấn vào nhau, 4 móng sắc nhọn là một tác phẩm chưa từng thấy trên các di vật điêu khắc đá cùng thời; hoặc hình ảnh rồng đuôi cá tạo sự liên tưởng đến câu chuyện dân gian cá chép hóa rồng (cá hóa long) nói lên ước vọng phát triển của người Việt.
Như vậy, những người dựng cây hương không chỉ là người thợ đá mà họ còn là người am hiểu kiến trúc, người nghệ nhân tài hoa, trí tuệ.Nghệ thuật tạo hình và trang trí cây hương vừa kế thừa truyền thống dựng cột trụ với ý nghĩa biểu tượng phản ánh tư tưởng Phật giáo từ các triều đại trước vừa mang dấu ấn thời đại, thời Hậu Lê.
Minh văn của cây hương được khắc chìm trên 8 mặt cạnh với lối chữ chân phương,nói về lý do, tên người cho dựng cây hương, tiếp đến là bài minh ca ngợi, ý nghĩa của việc dựng cây hương, thời gian dựng, người soạn khắc, số ruộng đất hưng công (cúng) cho chùa và các quy định phụng sự, lời nguyện thề trong việc cúng lễ. Đâynguồn sử liệu gốc, có giá trị nghiên cứu về nhiều phương diện, đặc biệt là chế độ ruộng đất thời Hậu Lê, thế kỷ XVII: việc công đức ruộng đất vào chùa, lấy làm hương hỏa cho chùa (ruộng hậu) được kế thừa, phát huy.
 
 
Mặt trước đỉnh trụ cây hương
 
Mặt sau đỉnh trụ cây hương
 
 Bên phải đỉnh trụ cây hương
 
Bên trái đỉnh trụ cây hương
 
Trang trí 8 mặt trên thân Cây hương (từ phải qua trái theo nội dung minh văn) 
 
Phần bệ Cây hương
Bên cạnh đó, qua minh văn cho thấy, cây hương chùa Tứ Kỳ còn thể hiện sự phát triển Phật giáo và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng thời Lê Trung Hưng.Từ thời Mạc, Phật giáo được khôi phục, phát triển đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, các ngôi chùa được tu sửa, tôn tạo, phục hồi và xây dựng khá phổ biến, đặc biệt là những chùa làng được người dân hưng công xây dựng. Qua việc dựng cây hương và nội dung, ý nghĩa dựng cây hương đã cho thấy, việc dựng cây hương này là vô cùng quan trọng, linh thiêng và được tất cả dân làng coi trọng, tôn vinh nên cây hương được lựa chọn đề tài trang trí kỹ lưỡng và tập trung/chú trọng tạo tác rất công phu. Đặc biệt tư tưởng, triết lý Phật giáo được thể hiện rất rõ qua ý nghĩa biểu tượng tạo hình cây hương đó là Tứ diệu đế, Bát chính đạo và Giải thoát. Đây là nội dung tư tưởng cốt lõi của Phật giáo được thể hiện trong kinh Chuyển Pháp Luân, bài kinh đầu tiên mà Đức Phật thuyết giảng sau khi Ngài đắc đạo.
Là cây hương được dựng ở chùa, công trình thờ tự của Phật giáo nhưng nội dung chủ yếu ca ngợi việc dựng cây hương, cầu phúc, lộc và những lời nguyện thề cúng lễ (ở cả phần bài minh ca ngợi và phần cuối của bài minh văn) đã cho thấy sự ảnh hưởng tính chất của hương ước làng xã và yếu tố văn hóa, tín ngưỡng dân gian được thể hiện đậm nét trên cây hương này.Nội dung bài minh cũng thể hiện việc đề cao giá trị đạo, đức thể hiện qua việc làm của người dân làng Tứ Kỳ mang giá trị nhân văn, hướng tới điều thiện, coi trọng đạo lý, tuân thủ lệ làng phép nước, để mong cầu được hưởng phúc lâu dài, con cháu đời đời hiển vinh.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: